Thời tiết Hà Nội và miền Bắc những ngày gần đây nắng nóng cao điểm, nhiệt độ lên tới ngưỡng 38 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C, nhiệt độ ngoài trời nhiều khi còn cao hơn.
Tình trạng nhiệt độ cao, đi ngoài đường nắng bỏng rát đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như phương tiện.
Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia khi đi xe máy dưới trời nắng nóng.
Chọn thời gian ra đường phù hợp
Đi xe máy phải đối diện với nhiệt độ cao hơn nhiều so với trong xe hơi. Mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể nhanh mất nước, vì thế, phải cần bù nhiều nước hơn so với bình thường. Nên uống thêm những loại nước chứa nhiều muối khoáng để bù lại lượng muối đã mất khi ra nhiều mồ hôi. Nếu di chuyển đường dài, có thể mang theo bình nước dự trữ.
Bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, nên dừng chân ở những nơi có bóng râm hoặc quán nước để hồi sức và uống bù lại lượng nước đã mất do toát mồ hôi. Lúc này, phương tiện cũng được “nghỉ ngơi”, hạn chế xảy ra sự cố không mong muốn.
Trang bị đồ bảo hộ
So với những người ngồi xe hơi, người đi xe máy sẽ cảm thấy không thể “sống nổi” nếu thiếu đồ bảo hộ bởi ánh nắng mặt trời không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn rất có hại cho da. Vì vậy, hãy chú ý mặc quần áo dài để tránh da bị thiêu đốt trực tiếp dưới ánh nắng, vừa tạo lớp cách nhiệt cần thiết, vừa tránh mất nước cho cơ thể.
Tuân thủ luật giao thông
Trời nắng nóng khiến người đi xe máy thường có tâm lý chạy thật nhanh hoặc tìm chỗ mát đi, tuy nhiên tâm lý này có thể gây nguy hiểm cho chính người đi xe máy và các phương tiện khác.
Tâm lý tìm chỗ mát còn thể hiện ở cách người đi xe máy đứng chờ đèn đỏ ở bóng cây trước khi đến ngã tư. Việc đột ngột dừng xe ở bóng cây trước ngã tư có thể khiến xe phía sau đâm vào, hoặc gây cản trở giao thông cho xe khác. Vì thế, người đi xe máy cần dừng xe đúng nơi quy định để an toàn cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Chăm sóc xe
Bụi bẩn, cát bám ở động cơ, lọc gió, đường ống dẫn... khiến động cơ làm việc nhanh nóng hơn, giảm hiệu quả, đặc biệt dưới nhiệt độ cao. Do đó, nên rửa xe thường xuyên để làm sạch động cơ, kiểm tra lọc gió, làm sạch, thay thế nếu cần thiết. Không nên rửa xe khi máy đang còn nóng, sau khi di chuyển đoạn đường dài, nên đợi máy nguội mới rửa xe.
Hệ thống chất lỏng trong xe bao gồm nước làm mát, dầu động cơ, dầu phanh… cũng cần được thay mới định kỳ để đảm bảo khả năng làm mát tốt hơn.
Lốp xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Trời nóng khiến không khí bên trong giãn nở, nguy cơ nổ lốp cao. Do vậy, người dùng nên kiểm tra lốp và thay mới khi quá mòn. Để áp suất lốp vừa phải, không nên để lốp quá non, nhưng cũng không bơm quá căng.