Cua đồng là thực phẩm rất quen thuộc với nhiều người Việt. Đặc biệt vào mùa hè, cua đồng được dùng để nấu nhiều món canh vừa ngon mát, vừa bổ dưỡng và được nhiều người yêu thích.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, các món ăn quen thuộc được chế biến từ cua đồng như riêu cua, canh cua nấu mùng tơi, rau đay, mướp hương… đều là những món ăn truyền thống, ngon miệng và rất giàu dinh dưỡng.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100g cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid, cung cấp 89g calo. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao, cụ thể: Trong 100g cua có tới 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, các loại vitamin B1, B2…
Ngoài ra, chất lượng protid trong cua cũng rất nhiều, cụ thể có 8/10 axit amin cần thiết, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane (chỉ thiếu arginine và histidine).
Cua đồng có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng tuyệt đối không được ăn tái, sống - Ảnh minh họa.
Dù có nhiều lợi ích, có không ít người cho rằng, nếu không biết cách ăn hoặc kết hợp sai với các thực phẩm kỵ với cua đồng thì sẽ gây hại cho sức khỏe. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, đối với thực phẩm kỵ với cua đồng, về phương diện khoa học hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào.
“Khi ăn cua đồng tốt nhất nên chế biến, kết hợp để tạo nên những món ăn truyền thống như bún riêu cua, canh cua… Không nên ăn cua đồng tái, sống vì dễ nhiễm giun sán (sán lá phổi). Người dị ứng với cua đồng cũng không nên ăn”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Dưới góc độ đông y, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cho biết, cua đồng là một vị thuốc được dùng từ lâu đời với tên "điền giải". Theo Đông y, "điền giải" (cua đồng) vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương…
Đối với thông tin cua đồng kết hợp với một số thực phẩm sẽ kỵ nhau và sinh độc, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, điều này là có vì trong đông y thực phẩm kỵ nhau thường được xét dưới góc độ tính và vị của thực phẩm.
Theo lương y Quốc Trung, rất nhiều người sau khi ăn đồ tanh xong, nhất là ăn canh cua, thường có thói quen uống nước trà (chè) để khử tanh miệng, điều này tuyệt đối không nên. Ông Trung lý giải, việc uống nước trà (nhất là trà đặc) sau khi ăn cua đồng có thể gây khó tiêu, đau bụng... vì khi vào cơ thể, nước trà sẽ làm cho một số thành phần của cua bị đóng đặc lại, khó tiêu hóa.
Sau khi ăn cua đồng xong cũng không nên dùng các loại quả như dưa lê, dưa bở (loại quả có nhiều vào mùa hè), bởi đây cũng là loại quả có tính hàn, trong khi cua cũng có tính hàn, nếu ăn chung dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy. Một số loại quả giàu vitamin C như bưởi, cam… cũng không nên ăn cùng cua đồng vì dễ gây kết tủa, có hại cho hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, cua đồng không nên kết hợp với mật ong, bởi cua tính hàn nhưng mật ong có tính nhiệt (nóng) nếu ăn chung sẽ khiến hệ tiêu hóa bị kích thích, dễ gây tình trạng tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm.
Lương y Quốc Trung cho biết thêm, thông thường cua đồng được kết hợp với một số loại rau như rau đay, rau ngót, mùng tơi… tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không nên nấu cua đồng với khoai tây, khoai lang hoặc không nên ăn hai loại này cùng lúc. Bởi khoai tây, khoai lang có chứa một lượng lớn axit phytic còn cua thì lại giàu canxi, kết hợp sẽ làm tăng nguy cơ kết sỏi, tạo thành sỏi thận.
“Do cua đồng có tính hàn nên những người hay bị nhiễm lạnh, lạnh bụng, ho hen, cảm cúm không nên ăn. Khi chọn cua, cần chọn cua sống khỏe vì cua ngất, cua chết dễ sinh ra độc tố gây ngộ độc. Tuyệt đối không ăn canh cua còn thừa nấu lại, vì khi đó thịt cua đã bị phân hủy, biến chất gây ngộ độc”, ông Trung tư vấn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn