Lúc còn nhỏ, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ rất non yếu. Nhiều cha mẹ lo lắng khi cho con tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong điều kiện thời tiết, khí hậu phức tạp khiến bé ốm đau liên miên. Bên cạnh đó, dịch bệnh tấn công sẽ đe dọa đến sức khỏe của trẻ. Không chỉ vậy, một số chứng bệnh nguy hiểm có nguy cơ để lại hậu quả khó lường, ảnh hưởng tới sức khoẻ và tương lai của các con.
Đó là lý do vì sao trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe trọn đời. Tiêm chủng cho trẻ chính là giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt vi rút, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.
Trẻ em được tiêm phòng đầy đủ sẽ được tạo hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể, tránh được các bệnh truyền nhiễm, trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não. Để đảm bảo con cái khỏe mạnh và tránh những bệnh có thể ngừa được, các phụ huynh cần đưa con nhỏ đi tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch.
- Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh)
+ Vắc xin Engerix B/ Euvax B liều sơ sinh phòng bệnh Viêm gan B, tiêm cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh.
+ Vắc xin BCG liều sơ sinh phòng bệnh lao.
- Tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi
+ Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) dạng 6 trong 1 Infanrix hexa (Bỉ)/ Hexaxim (Pháp) hoặc dạng 5 trong 1 Pentaxim (Pháp), Infanrix IPV + Hib (Bỉ) (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B). Tiêm mũi 1.
+ Vắc xin Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ), Rotavin-M1 (Việt Nam) phòng Rota virus gây bệnh tiêu chảy cấp (liều 1).
+ Vắc xin Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 1).
- Tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi
+ Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Tiêm mũi 2. (Nếu tiêm 5 trong 1 thì phải bổ sung mũi viêm gan B).
+ Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 2).
- Tiêm phòng cho trẻ 4 tháng tuổi
+ Vắc xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 3 (nếu tiêm vắc xin kết hợp 5 trong 1 thì tiêm thêm mũi viêm gan B). Vắc xin Synflorix (Bỉ)/ Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 2).
+ Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 3).
- Tiêm phòng cho trẻ 6 tháng tuổi
+ Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng bệnh cúm (Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng).
+ Vắc xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 1).
+ Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 3).
- Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi
+ Vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu Ba) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2).
+ Vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam) phòng bệnh sởi.
+ Vắc xin Varilrix (Bỉ) phòng bệnh thủy đậu. Vắc xin Imojev (Thái Lan) phòng Viêm não Nhật Bản.
- Tiêm phòng cho trẻ 12 tháng tuổi
+ Vắc xin 3 trong 1 MMR-II (Mỹ) phòng bệnh sởi, quai bị, rubella.
+ Vắc xin Varivax/Varicella phòng bệnh thủy đậu (Nếu chưa tiêm Varilrix).
+ Vắc xin Jevax (Việt Nam) phòng bệnh viêm não Nhật Bản B: Tiêm 2 mũi, cách nhau 1 – 2 tuần.
+ Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A. Liều nhắc lại sau 6-18 tháng.
+ Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 4).
- Tiêm phòng vắc xin cho trẻ 15 – 24 tháng tuổi
+ Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 4 (nếu chích 5 trong 1 thì chích thêm mũi viêm gan B).
+ Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bênh viêm gan A (mũi nhắc) Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng bệnh cúm (mũi 3 – sau mũi thứ hai 1 năm).
- Tiêm phòng cho trẻ đủ 24 tháng tuổi
+ Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135.
+ Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi 3).
+ Vắc xin Typhim VI/Typhoid VI phòng bệnh thương hàn.
+ Vắc xin Tả mORCVAX (Việt Nam) gồm 2 liều uống (dành cho trẻ sống ở vùng nguy cơ cao, liều hai sau liều một 2 tuần).
Sau khi tiêm xong, trẻ có thể gặp phải phản ứng phụ như sốt nhẹ, đau, quấy khóc, sưng nhẹ tại vị trí tiêm... sẽ tự khỏi trong vòng một vài ngày. Phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế nếu thấy bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, bỏ bú, tím tái, khó thở...
Cần cho trẻ ở lại địa điểm tiêm khoảng 30 phút để theo dõi tình trạng sức khoẻ của con. Nếu có băn khoăn gì, bố mẹ hãy xin lời khuyên từ các y, bác sĩ có chuyên môn trước và sau khi thực hiện tiêm chủng cho bé.
Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở cần thận trọng khi tiêm chủng.
Những trẻ bị suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực.
Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con.
Ngoài ra, các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
Trẻ đang ốm sốt, mắc các bệnh cấp tính hay nhiễm trùng thì nên hoãn tiêm chủng, đợi sức khoẻ của các bé ổn định và thăm khám lại để quyết định.
Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥ 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng nên hoãn tiêm, nghe theo chỉ định của bác sĩ.
Cuối cùng, trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2000g nên đợi đén khi trẻ đủ kg mới thực hiện tiêm chủng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn