Thời kỳ mang thai là quãng thời gian ý nghĩa, thiêng liêng nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách. Bên cạnh niềm hạnh phúc được chào đón em bé đáng yêu thì mẹ bầu sẽ phải đối mặt với chứng ốm nghén, sự mệt mỏi, nặng nề, những thay đổi bất thường của cơ thể... Lúc này, bà bầu sẽ vô cùng nhạy cảm, chỉ một sự khác biệt nhỏ cũng có thể khiến họ bị tổn thương, buồn bực...
Chính vì thế, vai trò của các ông chồng là vô cùng quan trọng. Các anh không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ vợ mà còn tạo tâm lý thoải mái để vợ luôn vui vẻ trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu có trở nên khỏe mạnh và thai nhi có phát triển tốt hay không phụ thuộc lớn rất lớn vào người chồng.
Dưới đây là những điều mẹ bầu muốn chồng hiểu nhưng lại ngại không nói, các ông bố hãy ghi nhớ để giúp vợ mình luôn vui vẻ. Chỉ cần những quan tâm nhỏ nhặt hàng ngày, chút tinh tế và thấu hiểu, yêu thương thì tâm trạng của bà bầu sẽ tốt hơn rất nhiều.
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu sẽ đi siêu âm trung bình từ 9 - 10 lần để bác sĩ chẩn đoán sức khoẻ của mẹ cũng như sự phát triển của em bé trong bụng. Mỗi lần như vậy, nếu phải đi một mình thì mẹ bầu chắc hẳn sẽ rất buồn. Trong khi xung quanh các bà vợ đều được chồng dìu, đưa đón tận nơi thì việc phải một mình lủi thủi đi khám cũng sẽ làm bà bầu buồn lòng.
Bên cạnh đó, nếu dành thời gian đưa vợ đi khám, các ông bố cũng có cơ hội được gặp con qua màn hình, xem con cử động vô cùng đáng yêu. Chính vì vậy, các bố mẹ cũng không nên bỏ lỡ khoảnh khắc này, cùng nhau trải qua những kỷ niệm thú vị khi có con. Đừng tiếc vài giờ đồng hồ để đưa vợ đi khám thai, như thế sẽ tạo cảm giác an tâm và vui vẻ cho vợ.
Khi mang bầu, cơ thể người mẹ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, luôn trong trạng thái không thoải mái, thậm chí là chuột rút, đi lại khó khăn. Đặc biệt ở những tháng cuối thai kỳ, nếu được chồng thường xuyên xoa bóp, massage thì mẹ bầu sẽ cảm thấy thư giãn, dễ chịu hơn.
Đôi khi, không cần phải cầu kỳ, chỉ cần chồng thể hiện sự quan tâm bằng cách hỏi xem vợ cảm thấy đau nhức, khó chịu ở đâu rồi giúp cô ấy xoa bóp một chút là mẹ bầu đã cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn nhiều rồi.
Nhiều ông chồng hay có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sảy xỉn... Khói thuốc lá gây ảnh hưởng đến cả thai nhi trong bụng nên nếu chồng không hút thuốc trước mặt vợ, vệ sinh sạch sẽ để không gây hại đến hai mẹ con thì là điều nên làm. Hãy trở thành một người bố có trách nhiệm và đảm bảo một môi trường trong lành cho con sau này.
Thông thường, nếu như chồng bận việc thì hai vợ chồng có thể chia nhau, hoặc vợ sẽ làm tất cả việc nhà. Tuy nhiên, khi vợ mang bầu, nhất là ở những tháng cuối thai kỳ, việc dọn dẹp sẽ trở nên khó khăn hơn, khi đứng lên, ngồi xuống nhiều lần, rồi phải làm việc liên tục... sẽ khiến các mẹ bầu mệt mỏi. Khi nhìn vợ nghén nặng quá, liên tục chạy vào nhà vệ sinh nôn ọe, các anh nên cảm thấy thương vợ và hãy làm sạch khu vệ sinh để không còn mùi khó chịu mỗi khi vợ bước vào.
Khi mang thai đồng nghĩa với việc cơ thể người vợ sẽ thay đổi rất nhiều, bao gồm việc tăng cân, béo lên, 3 vòng không còn như trước. Chưa kể, nhiều bà bầu còn bị thâm sạm, mọc lông, rạn khắp người, mũi nở... trông xấu xí hơn. Chính vì vậy mà các chị em thường rất hay mặc cảm. Điều cần làm lúc này của các ông chồng là hãy dành tặng vợ những lời khen chân thành, lời động viên, an ủi để vợ cảm thấy tự tin hơn.
Tốt nhất là không nên so sánh vợ với những người phụ nữ mang thai khác vì mỗi người có cơ địa không giống nhau. Nếu thấy mẹ bầu buồn bã, hãy cứ động viên rằng khi mang thai, cơ thể khác đi là điều tất yếu, sự hy sinh cao cả này sẽ đổi lại một em bé dễ thương. Trong thời kỳ này, người chồng cũng nên tinh tế một chút, không trêu đùa, cợt nhả ngoại hình của vợ.
Đây là việc vô cùng cần thiết với những người lần đầu trở thành bố mẹ. Khi có thêm kiến thức, phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong việc chăm sóc con sau này. Tất nhiên, việc chăm bé không chỉ có mẹ đảm nhiệm mà những người bố cũng nên dành ra chút thời gian để học và hỗ trợ vợ. Nhất là những ngày đầu khi vợ mới sinh, việc chăm sóc bé sẽ phải phụ thuộc vào gia đình rất nhiều do sản phụ cần thời gian hồi phục.
Bên cạnh đó, việc học này cũng là một cách để các ông bố thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình trong việc chăm sóc con cái. Chắc chắn dù không khéo léo nhưng khi nhìn chồng cố gắng chăm con trong bộ dạng lóng ngóng cũng đủ khiến chị em xao xuyến rồi.
Trong quá trình thai kỳ, người vợ có những biến đổi về mặt thể chất và cả tâm lý, vì vậy chồng hãy luôn gần gũi, tiến hành thai giáo cùng vợ, lắng nghe thai máy, trò chuyện với thai nhi… Những hành động này giúp vợ giảm bớt tâm lý sợ hãi, lo lắng, cô đơn.
Đôi khi công việc đòi hỏi bố cần ở lại làm thêm hoặc có buổi gặp quan trọng với đối tác. Tuy nhiên, các anh chồng hãy hạn chế về nhà quá khuya nhé! Hầu hết các mẹ bầu đều rất khó ngủ, nhất là vào buổi đêm. Ngoài ra, nếu bố chưa về nhà, mẹ cũng sẽ chẳng thể nào yên tâm đi ngủ. Thường xuyên ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe mẹ bầu như suy nhược, nhức đầu, chán ăn…
Trong thời kỳ mang thai, người vợ sẽ phải giữ gìn hơn cho con, nhất là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Các ông chồng nên tế nhị chuyện này bằng cách hỏi vợ về thời điểm thích hợp và làm sao để không gây ảnh hưởng tới hai mẹ con nhé.
Trong khoảng thời gian này, tâm lý và tính cách người phụ nữ cũng trở nên nhạy cảm, dễ buồn, dễ cáu, dễ giận hờn vu vơ. Thế nên, chỉ cần một điều gì rất nhỏ nhặt có khi cũng làm mẹ bầu buồn lòng, tổn thương. Các ông chồng cần chú ý hơn một chút về lời nói, thái độ, cử chỉ để không làm vợ khó chịu trong lúc đang mang bầu nhé, đặc biệt là khi cãi nhau sẽ làm mẹ bầu ức chế, ấm ức, gây ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn