Lầm tưởng viết văn là “chém gió”
Chia sẻ về quá trình dạy học và ôn luyện môn Ngữ văn cho học sinh thi vào lớp 10 Hà Nội, cô Nguyễn Thu Trang cho biết, nhiều bạn có chút hiểu lầm khi ôn tập như nghĩ viết Văn là “chém gió”, viết càng dài thì càng trúng, học văn là học thuộc tham khảo hay học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”…
Cũng theo nữ giáo viên, có ba khó khăn vướng mắc lớn trong suốt quá trình ôn tập là kiến thức, kỹ năng và tâm lý. Phần kiến thức, nhiều học sinh chưa thể hệ thống và nắm kỹ ba nội dung: Tác phẩm văn học, biện pháp tu từ và kiến thức xã hội vận dụng. Về kỹ năng, có trở ngại cơ bản trong quá trình ôn tập gồm viết đoạn văn (nghị luận văn học, nghị luận xã hội) và một số kỹ năng nhỏ khác như diễn đạt, dùng tư, phân tích đề bài, trình bày bài, phân tích thơ, học thuộc thơ.
“Yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng, trong quá tình ôn tập nhiều em thường phân bố thời gian chưa hợp lý, cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hoặc tâm lý bất cần phó mặc. Điều chỉnh tốt yếu tố này, việc ôn tập sẽ thuận lợi hơn” – cô Trang nói.
Gợi ý lộ trình ôn tập
Nhiều năm kinh nghiệm trong luyện thi môn văn vào lớp 10 cho học sinh Hà Nội, cô Thu Trang đưa ra mốc thời gian ôn tập theo cô là phù hợp. Theo đó, trong tháng 12 này, học sinh học tác phẩm, kết hợp ôn luyện. Từ tháng 1 – 3/2019, học sinh luyện đề kết hợp với ôn tập theo chuyên đề/chủ đề. Từ tháng 4 – 6/2019 các em tập trung luyện đề và ôn tập nước rút.
Để việc ôn luyện hiệu quả nhất, cô Thu Trang cũng đưa ra ba kỹ năng cơ bản cần tập trung gồm trình bày bài, trả lời câu hỏi và viết đoạn văn (nghị luận văn học và nghị luận xã hội).
Về trình bày, cô Trang lưu ý, học sinh cần viết chữ rõ ràng, trình bày khoa học, đánh số thứ tự câu trả lời rõ trong bài thi. Các em không được gạch đầu dòng, trả lời bằng chuỗi câu văn, không dùng bút xóa, nếu sai có thể gạch đi viết lại; không nên tẩy xóa bẩn. Khi chép thơ hay trích câu văn, tên tác phẩm, dùng dấu ngoặc kép. Nếu viết xong muốn bổ sung, ghi xuống bên dưới, ghi rõ bổ sung câu nào, phần nào.
Về kỹ năng trả lời câu hỏi, theo cô Trang, học sinh cần đọc kĩ đề bài, đề bài hỏi bao nhiêu vấn đề, HS trả lời đúng trọng tâm, tránh bỏ sót ý, lấy câu hỏi làm câu trả lời. Khi trả lời cần tách các câu trả lời mạch lạc, không nên viết chi chít các ý vào nhau.
Về kỹ năng viết đoạn văn nghị luận văn học, nữ giáo viên lưu ý, trước hết các em cần xác định rõ kiểu đoạn văn: Diễn dịch; Quy nạp; Tổng-Phân-Hợp, sau đó lập dàn ý ra nháp trước khi viết, xác định câu chủ đề của đoạn (Khai thác tối đa đề bài), từ đó triển khai ý.
Việc phân tích câu hỏi nên đi từ nghệ thuật đến nội dung, có tổng hợp khái quát; lưu ý đặc trưng thể loại thơ, truyện ngắn. Có thể đánh dấu số câu, chú thích rõ ràng bên dưới đoạn văn. Dù đề bài nêu cảm nhận, suy nghĩ hay phân tích, khi làm bài vẫn bắt đầu từ kĩ năng phân tích.
Việc diễn đạt cần mạch lạc, liên kết ý; không nên văn hoa sáo rỗng, dùng văn nói khi viết. Cách dùng từ “đắc địa” là phải có từ ngữ phù hợp sắc thái nghĩa, tránh dùng từ mơ hồ khó hiểu.
Cuối cùng, đối với phần viết đoạn văn nghị luận xã hội, cô Trang lưu ý: Lập dàn ý ra nháp trước khi viết. Xác định câu chủ đề của đoạn (Khai thác tối đa đề bài), từ đó triển khai ý. Giải thích khái niệm trong đề bài: lòng tự trọng, bạo lực học đường, đạo lí Uống nước nhớ nguồn… Các bước nghị luận: Là gì? Như thế nào? Tại sao? Liên hệ thực tế ra sao?. Dẫn chứng, liên hệ thực tế thể hiện vốn hiểu biết xã hội. Diễn đạt: mạch lạc, liên kết ý; không nên văn hoa sáo rỗng, dùng văn nói khi viết.
“Các em cũng đừng quên sử dụng sơ đồ tư duy (mind map) trong quá ôn tập để hệ thống hóa kiến thức và dễ nhớ hơn” – cô Thu Trang nói.