Viêm phế quản cấp tính ở người lớn là bệnh lý gây nên bởi sự viêm nhiễm cấp tính niêm mạc đường dẫn khí vừa và lớn (phế quản) của người trưởng thành.
Sự viêm nhiễm tại phế quản trong viêm phế quản cấp tính tạo nên tình trạng sưng nề phế quản và tăng tiết dịch gây nên các triệu chứng biểu hiện của bệnh.
Người ta nhận thấy rằng, viêm phế quản cấp tính ở người lớn xảy ra trên khoảng 5% dân số trong độ tuổi trưởng thành, bệnh có thể xảy ra ở tất cả mọi người mà không có sự phân biệt tuổi tác hay giới tính. Nhưng trên thực tế, một số nhóm đối tượng được ghi nhận có nguy cơ mắc cao hơn hẳn so với những nhóm đối tượng khác.
Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản ở người lớn:
- Người có hệ miễn dịch yếu như người đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, lớn tuổi,...
- Người có các bệnh lý đường hô hấp từ trước như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,...
- Người chưa được chủng ngừa các loại virus cúm,...
- Người hút thuốc lá, hoặc đang sống và làm việc trong các môi trường có nhiều yếu tố ô nhiễm (khói bụi, hóa chất, vi sinh vật gây bệnh trong bệnh viện,...).
Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng là một yếu tố thúc đẩy gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp tính ở người lớn.
Trong phần lớn các trường hợp (hơn 90%), viêm phế quản cấp tính ở người lớn là do virus gây nên. Các loại virus gây bệnh bao gồm rhovovirus, adenovirus, virus cúm A, B, virus parainfluenza,...
Vi khuẩn cũng được biết đến là tác nhân có thể gây viêm phế quản cấp tính ở người lớn, nó có thể là tác nhân trực tiếp gây bệnh hoặc đóng vai trò là yếu tố làm tăng nặng, phức tạp tình trạng bệnh khi trước đó bệnh nhân mắc bệnh do virus (hay còn gọi là bội nhiễm vi khuẩn).
Vì nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus nên đây là bệnh lý có khả năng lây lan mạnh. Nguồn bệnh có thể di chuyển từ người bệnh sang người lành và gây bệnh chủ yếu qua hai cơ chế là do tiếp xúc trực tiếp (qua dịch hô hấp như dịch hắt hơi, nước bọt, nước mũi, đờm,...) và lây nhiễm gián tiếp qua các vật dụng vệ sinh cá nhân ( khăn mặt, bàn chải,...).
Bệnh có biểu hiện chủ yếu là ho, thường là ho nhiều. Ban đầu khi bệnh mới khởi phát, bệnh nhân thường ho khan, ho ông ổng. Nhưng sau đó, bệnh nhân có biểu hiện ho khạc đờm, lượng đờm tăng dần và thường là đờm trong (có thể có màu xanh, vàng, đục,... nếu bệnh do nguyên nhân vi khuẩn hoặc bị bội nhiễm vi khuẩn).
Ngoài ho và khạc đờm, bệnh nhân mắc còn có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng khác như:
- Khó thở
- Sốt trung bình hoặc sốt nhẹ, sốt cao khi bệnh do vi khuẩn hoặc có bội nhiễm vi khuẩn
- Đau ngực do ho nhiều
- Cảm giác bỏng rát sau ngực do tình trạng viêm nhiễm
- Đau đầu, nhức mỏi toàn thân
- Nghẹt mũi, viêm họng, hắt xì
Nếu bệnh xảy ra ở những đối tượng bị suy giảm miễn dịch thì các triệu chứng khác có thể biểu hiện khá mờ nhạt và dễ bị bỏ sót nếu không chú ý kỹ.
Trong phần lớn trường hợp, người lớn bị viêm phế quản cấp tính có thể sẽ khỏi sau 7-10 ngày, tuy nhiên ho vẫn có thể kéo dài sau đó trong một khoảng thời gian ngắn.
Do bệnh chủ yếu gây nên do nguyên nhân virus, nên trong điều trị viêm phế quản cấp tính ở người lớn thuốc kháng sinh rất ít được sử dụng. Người ta chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho các trường hợp được xác định nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn.
Một số các loại thuốc điều trị triệu chứng hỗ trợ người bệnh có thể được sử dụng trong điều trị bệnh như:
- Thuốc thông mũi: giảm tình trạng sưng, viêm ở mũi khiến quá trình bài tiết dịch nhầy trở nên hiệu quả hơn và làm thông thoáng đường thở của người bệnh.
- Thuốc ho: bệnh nhân có thể được cho sử dụng một số loại thuốc ho giúp phản xạ ho của bệnh nhân diễn ra dễ dàng hơn, giúp bài xuất các loại dịch tiết bất thường hiệu quả hơn.
- Thuốc long đờm: Nếu trường hợp bệnh nhân có đờm nhiều thì người bệnh có thể được cho sử dụng thêm các loại thuốc long đờm.
- Thuốc giãn phế quản: Tình trạng viêm nhiễm có thể khiến phế quản của bệnh nhân bị thu hẹp, làm giảm thông khí gây khó thở. Do đó, nếu người bệnh bị khó thở nhiều thì có thể sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc giãn phế quản để làm thông thoáng đường thở.
- Thuốc hạ sốt: Các loại thuốc hạ sốt có thể được cho sử dụng khi người bệnh bị sốt trên 38,5oC, nếu chỉ sốt nhẹ hoặc trung bình người bệnh được khuyến cáo hạ sốt bằng các biện pháp vật lý như lau mát,...
Có thể thấy rằng, viêm phế quản cấp tính ở người lớn là bệnh lý nguy hiểm có tần suất mắc cao trong cộng đồng. Vì vậy, mỗi người cần có biện pháp thích hợp để tự bảo vệ bản thân, phòng tránh bệnh và đi khám ngay khi có triệu chứng để được điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn