Những đứa trẻ ngơ ngơ vì sản phẩm công nghệ

22:10 | 13/07/2017;
Suốt ngày cắm mặt vào điện thoại khiến cậu bé 17 tuổi lúc nào cũng lơ ngơ, thiếu sức sống, thiếu kĩ năng giao tiếp, ứng phó...
nghiendt3.jpg
Nghiện điện thoại gây rất nhiều tác hại với trẻ. Ảnh minh họa

 

Tổ chức cho các con đi học trại hè, học kỹ năng sống xa nhà, TS Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) nhận thấy có không ít những đứa trẻ ngơ ngơ. Như cậu bé 17 tuổi, đi đâu, làm gì cũng thẫn thờ. Cậu bé này rất hay than phiền, kêu ca, ít hoạt động và thích ỉ lại vào người khác. Cậu bé còn ngơ ngơ đến mức những câu hỏi đơn giản cũng không trả lời được. Sau một tuần tham gia chương trình, trong khi các bạn nhỏ khác thuộc hết mọi thứ thì cậu bé này không biết gì.

Tương tự, cậu bé khác mới 10 tuổi còn có những biểu hiện nghiêm trọng hơn khi không có phản ứng trước các câu hỏi tập thể, ngơ ngẩn lao xuống đường mà không để ý nguy hiểm phía trước.

TS Vũ Thu Hương cho biết, 2 cậu bé này đều có một bệnh chung rất nặng: Nghiện đồ công nghệ. Chúng có thói quen dán mắt vào ti vi, máy tính, điện thoại suốt ngày. “Nhiều cha mẹ biết “bệnh” này rất hại não, tuy nhiên không hiểu rõ được tác hại nó lớn đến mức nào. Các bạn này có thể học giỏi nhưng phản ứng với cuộc sống thì vô cùng chậm chạp và ngơ ngác. Điều này thực sự không tốt cho tương lai của trẻ”.

nghiendt2.jpg
Không nên cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi sử dụng đồ công nghệ. Ảnh minh họa

Theo TS Vũ Thu Hương, nếu các bố mẹ không thức tỉnh sớm, vẫn nghĩ công nghệ là thứ gì đó hiện đại mà cho con sử dụng thì có ngày phải trả giá rất đắt. Chính vì vậy, bố mẹ cần biết cách phòng chống và xử lý tình trạng nghiện công nghệ của con theo cách sau:

1. Công nghệ có hại với sự phát triển não. Vì thế, với trẻ nhỏ, dưới 4 tuổi, cần phải cấm 100%. Theo các chuyên gia giáo dục trẻ Đức, với trẻ dưới 4 tuổi thì cấm tiếp xúc 100%, từ 4 đến 6 tuổi là 15 phút/ngày hay 2 tiếng/tuần. Những chương trình máy tính, điện thoại hấp dẫn đến đâu cũng không thể bù nổi sự mất mát con gặp phải nếu con nghiện điện thoại, ipad. 

2. Khi con lớn hơn, buộc phải cho con sử dụng thì cần có cam kết rõ ràng giữa cha mẹ và con: Thời gian sử dụng trong ngày, những trang mạng, phần mềm bị cấm sử dụng.... nếu vi phạm sẽ phạt thế nào... Khi có cam kết rõ ràng, các cha mẹ cho con sử dụng theo đúng cam kết. Nếu 1 trong 2 bên vi phạm cần bị xử lý theo đúng quy định của cam kết.

3. Cha mẹ cần làm gương bằng cách tránh xa việc “dính mắt” vào điện thoại. Cha mẹ cần chia sẻ, nói chuyện, dạy dỗ con, giúp con hình thành tính cách và biết ứng xử phù hợp trong cuộc sống.

4. Tuyệt đối không để con rảnh rỗi. Các cha mẹ hiện nay chiều con quá nên trẻ có rất nhiều thời gian rỗi mà không có trách nhiệm với việc gì ở nhà. Cần dạy con tự lập, chăm chỉ và để con thực sự bận rộn với việc nhà khiến con có trách nhiệm hơn trong cuộc sống và bớt ham thích với công nghệ.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn