Ông Giàng Sín Hòa, một người dân ở xã Xín Cái, cho biết, trong thôn có nhiều phụ nữ đi làm công nhân xa nhà, người thì đi Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội… Mỗi năm, họ chỉ về một, hai lần. Con cái để ở nhà với bố, hoặc nhà nào cả bố mẹ cùng đi làm ăn xa thì con gửi ở nhà cho ông bà trông.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Hòa bị cắt ngang, vì đứa cháu của ông Hòa là Giàng A Dùng, 8 tuổi, vừa đi học về đã chạy vào hỏi ông, "bao giờ mẹ với bố con về ăn Tết". Ông Hòa dỗ dành cháu rằng "bố mẹ sắp về rồi, ở nhà ngoan, học giỏi thì bố mẹ về mới vui, mới cho đi chợ mua quà Tết". Giàng A Dùng hớn hở khi nghe ông nói vậy.
Xín Cái là một xã vùng biên, do địa hình đồi núi dốc, nhiều núi đá nên diện tích có thể canh tác ruộng nương khá hạn hẹp. Thiếu việc làm nên hàng năm, có nhiều người lao động trong xã phải đi làm ăn xa. "Do điều kiện ở địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu đất canh tác, thiếu việc làm nên nhiều chị em trong xã phải đi làm xa để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Người thì vài tháng về thăm nhà một lần, người có khi cả năm mới về một lần. Vào dịp cuối năm này, nhiều đứa trẻ ngóng mẹ về ăn Tết lắm", bà Hoàng Thị Khuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Xín Cái, chia sẻ.
Vào những ngày cận Tết, không ít đứa trẻ bắt ông bà đưa ra sườn núi, nơi có con đường cái đi qua, để ngóng mẹ về. Anh Giàng A Páo kể: "Hiện nay, có điện thoại thông minh, bố mẹ đi làm ăn xa có thể gọi điện thoại video về nói chuyện với con nhưng cũng chỉ là nhìn qua điện thoại. Thấy con nhớ bố, nhớ mẹ quá, nhiều người không dám gọi video nói chuyện với con dịp sát Tết này. Nói là đứa trẻ cứ khóc đòi bố mẹ về nhà luôn. Chiều đến, đứa trẻ quấy khóc, bắt ông bà đưa ra đón mẹ ở ngoài đường. Ông bà chiều cháu và muốn giỗ cháu thôi khóc thì lại đưa ra cho cháu ngóng một lát rồi về".
Cứ đến dịp cuối năm, các gia đình ở vùng đất biên viễn này thường mổ lợn ăn Tết sớm, vì gia đình có con cháu đi làm ăn xa trở về. Và có lẽ, vui hơn cả chính là những đứa trẻ, vì chúng được ở trong vòng tay mẹ cha sau những tháng ngày đằng đẵng cách xa.
Sau những ngày quây quần bên gia đình đón Tết thì những người lao động lại phải khăn gói lên đường. Họ lại phải chia tay gia đình, con nhỏ để về nhà máy, xí nghiệp, tiếp tục công việc mưu sinh. Chị Phàn Thị Mây chia sẻ: "Lúc về nghỉ Tết, tôi được gặp gia đình, gặp con nhỏ thì vui lắm. Nhưng hết Tết đi làm trở lại, nhiều người phải trốn con đi, không thì con giữ mẹ, khóc không cho đi đâu. Để con khóc nhiều thì bố mẹ đi cũng không yên tâm, chỉ sợ con ở nhà bị ốm".
Bản thân chị Mây từng đi làm ở một nhà máy sữa trong tỉnh Nghệ An, mỗi năm chị chỉ về 2 lần, đó là dịp nghỉ lễ 30/4 và dịp Tết Nguyên đán. Sau này, vì bố mẹ chồng già yếu, chỉ có chồng chị đi làm xa, còn chị phải ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng và con cái nên cũng đỡ cảnh nước mắt lưng tròng chia tay con sau những ngày nghỉ Tết nhưng thu nhập của gia đình lại eo hẹp hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn