Những đứa trẻ thành món hàng ngay từ trong bụng mẹ

14:56 | 29/01/2019;
Tình trạng mua bán bào thai tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An hiện đang là vấn đề nóng bỏng. Với nhận thức còn hạn chế, cái nghèo đeo bám quanh năm, một số phụ nữ người Khơ Mú nơi đây nhanh chóng trở thành mục tiêu của bọn buôn người. Những đứa trẻ bị biến thành món hàng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

“Không ai ngờ là có thể kiếm tiền nhanh và nhiều bằng cách như vậy cả” 

Vào một ngày mưa tầm tã đầu năm 2019, khi cái rét nơi miền biên viễn đã đến ở độ lạnh căm, theo chân một công an viên xã Hữu Kiệm, chúng tôi đến bản làng nơi rẻo cao huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) để tìm hiểu về thực trạng này.

mua-ban-bao-thai-3.JPG
Lo Thị M. kể lại chuyến đi vượt biên bán con của mình

 

Sau khi mất hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe máy từ  thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), vượt qua những con dốc thẳng đứng và rất nhiều khe suối dọc đường đi, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những ngôi nhà sàn không kín gió nằm san sát nhau, những đứa trẻ mặt mũi lấm lem tự chơi đùa ở khoảng đất trống trước nhà.

 

Dù không có gì xác thực nhưng chị Mạc Thị H. (SN 1980, bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) được xem như người tiên phong của phong trào tự phát này. Khi trò chuyện với chúng tôi, chị H. không hề giấu giếm, thậm chí còn luôn “tự hào” khi mình là một trong những người đã mở đầu cho phong trào đi bán con thoát nghèo ở vùng cao này. 

Trong căn nhà lụp xụp cùng với 3 đứa trẻ đang léo nhéo với nồi cơm nguội, chị H. trò chuyện khá cởi mở về việc chị vượt biên bán con để có một nguồn thu nhập “lớn”. Theo lời kể của chị, vài năm trước, khi đang mang bầu đứa thứ 4, chị nhận được điện thoại của một quen ở bên Trung Quốc nêu vấn đề muốn mua lại đứa con trong bụng chị. Ít ngày sau cuộc điện thoại đó, H. nghe theo hướng dẫn của “người quen” trốn chồng, một mình bắt xe khách ra Quảng Ninh rồi được đón qua Trung Quốc. 

Sau khi sinh bé gái, chị H. được “người quen” trả 30 triệu đồng rồi đưa lên xe khách quay trở lại Việt Nam. “Lúc đó ở đây chỉ mới ít ỏi một số người qua Trung Quốc bán con thôi, không ai ngờ là có thể kiếm tiền nhanh và nhiều bằng cách như vậy cả”, chị H. thật thà kể. 

Cũng theo lời chị H., ban đầu, chị có bàn chuyện với chồng nhưng người chồng không đồng ý. Bởi vậy, chị bèn trốn chồng đi theo hướng dẫn của “người quen” bên Trung Quốc. “Sau khi em đi sang Trung Quốc rồi quay về đưa tiền cho chồng, chồng rất vui. Mọi người thấy em kiếm được tiền dễ thì dần dần biết và làm theo, rồi có cả những người làm môi giới dẫn người đi nữa”, chị H. nói. 

“Chào mời” bán thai qua điện thoại 

Chúng tôi gặp chị Moong Thị K. (SN 1992, trú ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) vừa vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai trở về. Chị K. bán con sau khi được mời chào từ một số điện thoại lạ. 

Như những cô gái khác trong bản, lớn lên bên nương rẫy, chưa bao giờ K. rời khỏi bản, cái chữ cũng chẳng kịp biết hết thì xúng xắng lấy chồng. Kết hôn sớm và cũng không có kế hoạch nên vợ chồng K. nhanh chóng sinh được 2 con. Cuộc sống hai vợ chồng chị K. quanh năm bên nương rẫy nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. 

Cách đây 2 năm, chị lại tiếp tục mang thai đứa con thứ 3. Theo như chị nhớ lại, vào năm 2018, khi chị đang ngồi nhà sau buổi làm trên rẫy trở về, chị nhận được một cuộc điện thoại lạ “hỏi thăm” và “mời chào” bằng những lời lẽ rất nhẹ nhàng khiến chị bị cuốn theo. 

“Người này nói gia cảnh tôi khó khăn vậy sinh con nữa cũng không nuôi được. Nếu sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con cho họ, con sẽ có cuộc sống tốt hơn và mình có một khoản tiền lớn để về nhà làm được nhiều chuyện. Mình chỉ việc lên xe rồi sang đẻ và cầm tiền về chi tiêu mua sắm, mọi chi phí đi lại họ lo cả”, chị K. kể. Về hỏi ý kiến chồng, chẳng cần suy nghĩ nhiều, người chồng nhanh chóng gật đầu. Khoảng một tuần sau đó, có người đến dẫn chị K. ra Quốc lộ 7 bắt xe sang Trung Quốc. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hành trình vượt biên bán bào thai của những phụ nữ nơi đây đều theo tuyến: Xuất phát từ Kỳ Sơn bằng xe khách đến Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó được môi giới chuyển sang đường thủy rồi được một người Trung Quốc chờ sẵn và đón lên thuyền vượt sông, qua bên kia biên giới. 

“Ngồi thuyền khoảng vài tiếng thì đến Trung Quốc. Sau đó tiếp tục bắt xe khách 2 chặng nữa mới tới nơi”, chị K. kể lại hành trình đi bán con của mình. Hành trình đó kéo dài 3 ngày 3 đêm và kết thúc ở một vùng nông thôn hẻo lánh, sâu trong nội địa Trung Quốc mà chị cũng không biết là tỉnh nào. 

Từ đây, chị K. được chăm sóc chờ đến ngày sinh nở. “Ở đó đến bữa họ mang cơm đến, em không được tiếp xúc với bên ngoài”, K. kể. Đến ngày sinh, họ đưa chị K. đến bệnh viện nhưng khi sinh xong là họ mang con đi luôn, chị K. cũng không được nhìn thấy mặt con, cũng chẳng kịp cho con bú sữa mẹ. Sau khi sinh nở, chị K. ở lại nghỉ ngơi ít ngày rồi phải nhanh chóng lên xe khách quay trở lại Việt Nam.

 

mua-ban-bao-thai-1.JPG
Chị K. kể lại với PV rằng chị bán con sau khi được mời chào từ một số điện thoại lạ.

 

Đông con, nghèo đói và thiếu chế tài 

Với chị Lo Thị M. (SN 1984, trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), dù đã bán con lấy tiền tiêu xài từ 2 năm trước nhưng người mẹ này vẫn đinh ninh rằng con mình chỉ gửi họ nuôi hộ. Trò chuyện cùng những vị khách lạ, chị M. vẫn vui vẻ nói: “Năm ngoái, người bà con sống bên Trung Quốc gọi điện cho tôi bảo gia đình tôi nghèo thế, đẻ ra nuôi không nổi nữa, đi sang bên Trung Quốc sinh nở rồi để con lại, cầm tiền về chăm lo cho những đứa con ở nhà”. 

Rồi chị M. khoe khoang đống gỗ mới dựng trước túp lều rách nát cùng chiếc ti vi mới toanh mà vợ chồng chị vừa mua về bằng số tiền bán con. Cạnh chiếc ti vi, những đứa con của chị mùi dán mắt không ngớt bởi từ trước đến nay chưa bao giờ được thấy, được xem. 

Chị M. cho biết, vào thời điểm chị mang thai tháng thứ 8 thì có một người em gái họ hàng lấy chồng ở Trung Quốc gọi điện về. Chị em tâm sự qua lại. Sau đó “người em họ” đặt vấn đề sang Trung Quốc sinh con rồi để nuôi bên này, con chị sẽ có cuộc sống sung túc. Biết được hoàn cảnh của chị nên, “người em họ” tỉ tê bảo sang bên đó sinh con, rồi để lại người bên này nuôi giúp cho. Con được sống sung túc, mẹ lại có 80 triệu đồng mang về để sắm sửa, tiêu xài. 

Nghe đến việc sinh con không phải nuôi, lại có số tiền lớn đến mức mà trong đời chị mới nghe được lần đầu tiên. Không suy nghĩ, cũng chẳng cần hỏi ý kiến chồng, chị M. lặng lẽ vượt biên theo hướng dẫn của “người họ hàng” để sinh con và kiếm khoản tiền về trang trải cuộc sống. 

Rứt lòng bỏ đứa con nơi xứ người, cho đến thời điểm hiện nay, chị M. vẫn không tỏ ra hối hận với việc mình làm. Trong thâm tâm, chị vẫn nghĩ rằng, con mình đang được một người nào đó bên Trung Quốc nuôi hộ chứ không phải mình bán con. 

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng mua bán bào thai ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm - cho biết: Hiện tượng này diễn ra khoảng 3 năm trở lại đây ở huyện Kỳ Sơn (khu vực giáp biên giới Lào của tỉnh Nghệ An) và tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Hữu Kiệm. Theo thống kê, trên địa bàn xã Hữu Kiệm có 22 trường hợp là phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc để bán bào thai, trong đó chiếm số đông tại hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây cũng là hai bản khó khăn nhất của xã. “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với những trường hợp này và họ đều thừa nhận. Có những trường hợp nói rằng có phần day dứt, song cũng có người thể hiện thái độ thờ ơ. Có 3 nguyên nhân dẫn đến việc này: Thứ nhất là trình độ dân trí người dân còn thấp, kinh tế khó khăn nên họ bán con; Thứ hai là việc sinh đẻ quá nhiều, tình mẫu tử không được coi trọng; Thứ ba là chưa có chế tài xử lý khiến chính quyền vô cùng lúng túng. Vì vậy, việc làm duy nhất của xã chỉ có thể là tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu. Sau đó, các cán bộ sẽ đề nghị người dân ký cam kết không thực hiện hành vi bán con nữa”, ông Lượng cho biết.

 

Bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn, cho biết, qua thống kê, những trường hợp sang Trung Quốc thì trung bình mỗi bào thai bán được có giá từ 40 – 50 triệu đồng đối với bé trai và 70 – 80 triệu đồng đối với bé gái, thậm chí một số trường hợp giá còn cao hơn. Đối với người dân, số tiền trên là cả gia tài mà làm hàng chục năm nương rẫy cũng không thể nào kiếm được. Chính vì vậy, khi có tiền thì ngoài việc trả nợ, họ lập tức sắm sửa những vật dụng trong nhà và tiêu xài hoang phí. 

Những người phụ nữ ở Hữu Kiệm, ra đi với bụng bầu sắp sinh nhưng khi trở về đã để lại đứa con nhỏ nơi đất khách quê người để đổi lấy những đồng tiền bán con theo thỏa thuận. Khi được chúng tôi hỏi đến, ai cũng đều có những lý do rất riêng và hành trình vượt biên của họ cũng không giống nhau nhưng tựu chung đều bắt nguồn từ mong muốn “thoát nghèo”. 

Thế nhưng, những người phụ nữ đã liều mình bụng mang dạ chửa vượt biên sang Trung Quốc bán con từ lúc chưa sinh mà chúng tôi gặp thì chưa thấy ai thoát nghèo. Ngôi nhà như túp lều vẫn nằm đó. Con cái vẫn bị bỏ học giữa chừng. Cái nghèo vẫn đeo bám. 

Trong những ngôi nhà lụp sụp ấy, người phụ nữ vẫn cúm núm bên bếp lửa cùng những đứa con thơ dại bởi cái rét, cái nghèo, người chồng nát rượu vẫn nằm co rúm nơi góc giường chật hẹp. Chỉ có chiếc tivi màn hình phẳng ngày ngày vẫn được bật lên và những đứa trẻ bỏ học cứ dán mắt vào đó...

(Còn nữa)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn