Năm 2010, chàng kỹ sư cơ điện Trịnh Khắc Bắc (SN 1985, quê ở xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) vinh dự là một trong số hàng trăm thanh niên ưu tú được Tỉnh đoàn Thanh Hóa lựa chọn lên Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng xây dựng vùng kinh tế mới. Với khát vọng của tuổi trẻ, anh Bắc tin tưởng sẽ biến vùng đất hoang vu nằm bên đường Hồ Chí Minh thành nơi trù phú, giàu có.
Cầm tờ quyết định trong tay, chàng trai trẻ tuổi 25 đã lập tức lên đường đến "miền đất hứa". Cũng như nhiều thanh niên lúc đó, anh Bắc được giao 400m2 đất ở và khoảng 3ha đất rừng sản xuất tại Cụm 1, Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, giống… từ Tỉnh đoàn Thanh Hóa và các cấp ngành địa phương, anh Bắc lập tức bắt tay vào lao động sản xuất.
Sau khi khảo sát, nghiên cứu kỹ càng về thổ nhưỡng, mùa đầu tiên anh Bắc trồng mía. Trên vùng đất được xem là "rốn" gió Lào ở miền tây xứ Thanh, cây mía phát triển rất tốt. Thế nhưng, mía liên tục rớt giá khiến gần như thu không đủ bù chi buộc anh Bắc phải bỏ mía chuyển sang trồng cây cao su.
Chờ đợi, kỳ vọng và ngày thu hoạch mủ cao su cũng đến. Tuy nhiên, thêm một lần nữa anh Bắc lại buông tiếng thở dài não nề bởi cây cao su trên mảnh đất này cho mủ rất kém. Đã thế, giá thu mua cũng thấp. Một lần nữa anh Bắc lại "cắn răng" phá bỏ toàn bộ rừng cao su mới được 8 tuổi.
"Năm 2012 tôi lên lập nghiệp, một năm sau lấy vợ. Hai đứa con lần lượt ra đời, đó là niềm hạnh phúc rất lớn nhưng cũng là áp lực về kinh tế. Canh tác gặp khó, nhiều năm liền tôi phải đi làm thuê để nuôi sống gia đình. May mắn vợ tôi là giáo viên mầm non có nguồn thu nhập ổn định nếu không, cả gia đình đã rời Sông Chàng từ lâu", anh Bắc tâm sự.
Những năm tháng đầu tiền trên vùng kinh tế mới đầy gian truân, anh Bắc chán nản. Nhiều lần anh bàn vợ trở về quê nhưng anh là con cả trong gia đình có 3 anh em, ở quê đất chật người đông, quay về đồng nghĩa với thất bại. Được sự động viên của người thân, anh Bắc đã thay đổi ý định. Hiện giờ, anh chia diện tích đất ra làm đôi, một nửa anh trồng cây ăn trái, một nửa trồng keo.
"Giấc mộng ban đầu của tôi về phát triển kinh tế đã tan vỡ. Thế đường cùng mới phải trồng keo vì nó không mang lại nhiều giá trị kinh tế nhưng keo dễ trồng, công chăm sóc ít. Trồng cây ăn quả là để lấy ngắn nuôi dài nhưng mấy năm gần đây cây có múi cũng vỡ trận", anh Bắc cho biết.
Cạnh nhà anh Bắc là gia đình anh Lê Văn Ngọc (SN 1989) quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Anh Ngọc là bộ đội xuất ngũ và thuộc đối tượng con em cán bộ lâm trường Sông Chàng trước đây nên được lựa chọn lên Làng thanh niên lập nghiệp. Giống như anh Bắc, chặng đường khởi nghiệp trên vùng đất mới của anh Ngọc cũng đầy gian nan, vất vả.
Sau nhiều năm trồng rất nhiều loại cây nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn, bây giờ anh Ngọc đã chuyển gần hết diện tích sang trồng keo. "Trước đây tôi cho người khác thuê vườn rồi đi làm thuê. Giờ tôi đã lấy lại đất để trồng keo dù cây này không có nhiều giá trị kinh tế nhưng vùng này không biết trồng gì tốt hơn bởi sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên", anh Ngọc chia sẻ.
Không giống như anh Bắc, anh Ngọc, anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1990), quê ở Thiệu Hóa cũng lên làng thanh niên cùng thời điểm với anh Bắc. Cách đây khoảng 6-7 năm, nhận thấy "lập nghiệp" gặp khó, anh Hoàng, quyết định chuyển tất cả đất được giao sang trồng keo rồi đóng cửa đi làm thuê. Mỗi năm anh Hoàng chỉ về thăm vườn vài lần. Anh đi đâu, làm gì không ai biết. Nhà anh Hoàng bỏ hoang giờ đã đổ sập gần như hoàn toàn.
Được khởi công xây dựng năm 2008, Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng có vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng, dự kiến thu hút khoảng 150 hộ gia đình thanh niên đến sinh sống. Với nguồn kinh phí lớn, dự án được đầu tư hạ tầng rất bài bản. Nổi bật bên đường Hồ Chí Minh là tấm biển của dự án.
Phía trong có 3 dãy nhà lớn, nơi cán bộ của làng làm việc, nghỉ ngơi và chính giữa là nhà hội trường rộng hàng trăm m2. Thế nhưng, sau khi hàng chục gia đình rời làng, bỏ lại những ngôi nhà trống trơn, những công trình công cộng ngày nào giờ cũng hoang lạnh giữa rừng keo.
Anh Lê Ngọc Tân – Tổng đội phó Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng do Tổng đội TNXP quản lý nhưng do những khó khăn về mặt hành chính, ngày 5/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định thành lập thôn Thanh Niên thuộc xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) gồm 124 hộ với 320 nhân khẩu.
Dẫn chúng tôi đến thăm các cụm dân cư trong thôn Thanh Niên (thôn có 4 cụm), Trưởng thôn Trịnh Khắc Bắc buồn bã: "Các hộ dân lần lượt bỏ đi nên thôn giờ hoang vắng, nhiều dãy nhà hoang không một bóng người. Trong danh sách quản lý, tính đến năm 2023, thôn Thanh Niên có 131 hộ nhưng thực tế chỉ còn hơn 60 hộ dân bám trụ lại Sông Chàng. Riêng Cụm 2 có 51 hộ nhưng giờ chỉ còn lại 20 hộ đang ở".
Theo quan sát, khoảng 600 ha đất của Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (nay là thôn Thanh Niên) đều được phủ xanh cây cối, chủ yếu là keo. Tuy nhiên, có hộ dù không còn ở Sông Chàng nhưng vẫn trồng keo và đến lúc cần chăm sóc họ mới về một thời gian ngắn như trường hợp anh Hoàng. Số khác cho thuê lại đất với giá rất rẻ và đi biền biệt khiến việc xác minh nhân khẩu cũng vô cùng khó.
Theo anh Lê Ngọc Tân, toàn bộ cơ sở hạ tầng cũng như con người của Làng thanh niên lập nghiệp đã được được chuyển giao về xã Xuân Hòa. Thế nhưng, bất cập đến từ việc đất đai của người dân vẫn do Tổng đội TNXP quản lý.
"Tổng đội TNXP là mô hình khai hoang, xây dựng kinh tế mới, không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), điều người dân rất mong mỏi. Chúng tôi đã có nhiều đề xuất lên cấp trên và hiện đang phối hợp với Sở tài nguyên và Môi trường tiến hành làm xong các thủ tục, trình lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xem xét. Trong năm nay có thể người dân sẽ được cấp sổ", anh Tân khẳng định.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa – ông Lê Văn Tuyên: "Người dân rất trông chờ vào sổ đỏ, đây là mong muốn chính đáng để họ an cư. Tuy nhiên, theo Luật đất đai hiện hành, không có cơ sở nào để cấp sổ đỏ cho từng hộ dân. Không chỉ ở Sông Chàng, tất cả làng thanh niên lập nghiệp trên cả nước đều như thế. Đất làng thanh niên chỉ được cấp một sổ, tôi chưa thấy cấp sổ cho từng hộ dân bao giờ".
Cũng theo ông Tuyên, với việc xã Xuân Hòa chỉ quản lý về hành chính nhưng không quản lý về đất đai khiến cả chính quyền lẫn người dân đều gặp khó. "Chúng tôi muốn người dân phát triển một mô hình nào đó nhưng làm sao dám "đụng" đến đất của Tổng đội TNXP vì đụng đến là sai. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên với mong muốn tìm ra giải pháp nhưng đến nay mọi việc đến nay vẫn vậy", ông Tuyên nói.
Vị chủ tịch xã Xuân Hòa cũng thẳng thắn: "Với 3 ha đất sản xuất cho mỗi hộ, người dân thôn Thanh Niên nếu chỉ nhìn vào đó không sống được. Trồng keo 5-7 năm mới cho thu hoạch, trong khoảng thời gian này người dân không đi làm thuê sẽ sống bằng gì? Việc người dân rời làng là điều rất dễ hiểu".
Xã Xuân Hòa đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nhưng riêng thôn Thanh Niên đang rất bối rối bởi các hộ dân vắng mặt tại địa phương quá nhiều. Được biết, suốt một năm qua thôn Thanh Niên không thể tổ chức được một buổi họp nào.
"Muốn lắp đường điện chiếu sáng, muốn sơn lại hội trường..., đều phải có sự chung tay đóng góp của tất cả các hộ dân. Hơn một nửa số hộ đã rời khỏi thôn, việc đóng góp không thể dồn lên vai những hộ còn lại", trưởng thôn Bắc nói.
Mục đích của Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng là đưa lực lượng thanh niên xung kích lên vùng khó, biến nơi đây thành vùng đất trù phú. Thế nhưng, đã hơn 10 năm lứa thanh niên đặt chân đến Sông Chàng giờ đã ở tuổi trung niên nhưng vẫn loay hoay trước bài toán "lập nghiệp".
Theo lãnh đạo Tổng đội TNXP cũng như chính quyền xã Xuân Hòa, khó khăn nhất của người dân là vốn để sản xuất và chăn nuôi. Nếu giải quyết được vấn đề sổ đỏ, người dân sẽ có cơ hội tiếp cận với ngân hàng vay vốn làm ăn. Khi đó, khó khăn lớn nhất ở thôn Thanh Niên sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, trong bài toán này, bản thân mỗi hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng không giải được, họ đang đợi chờ chính sách.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn