Cô Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng trường mầm non xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, từ chối "nhận quà" ngay khi đoàn thiện nguyện Hà Nội liên hệ để chuẩn bị cho chuyến hành trình tri ân, động viên các thầy, cô giáo mầm non ở biên giới tỉnh Lai Châu, nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam.
Trường mầm non xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn được phân bố ở 6 điểm trường, những ngày này đều bận rộn với các hoạt động hướng về ngày 20/11. Cô giáo Nguyễn Thị Đào vui vẻ cho biết: "Vừa có 4 cô giáo của trường đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đều đạt giải, đặc biệt có 2 cô còn đạt giải 'giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp huyện', vì thế không khí đón mừng ngày Nhà giáo Việt Nam ở các điểm trường càng vui hơn".
Ngày cuối tuần, dẫu được nghỉ học, nhưng khi biết có đoàn thiện nguyện từ Hà Nội lên trao tặng quà, các em nhỏ được bố mẹ, ông bà đưa đến trường từ sớm. Có mặt trong số những phụ huynh đưa con cháu đến trường, bà Tảo Mế Xưởng, dân tộc Mảng, là bà nội của một cháu nhỏ học mầm non ở điểm trường Nậm Nó 2 cười suốt, bà không thể nói tiếng Kinh, phải nhờ cô giáo phiên dịch lại. Bà Xưởng cho biết: "Con trai tôi đi làm xa, con dâu mới sinh cháu thứ 4, nên tôi thường đưa đón cháu nội đến trường hàng ngày. Nhà tôi nghèo lắm, nay được nhận quà, nên bà cháu tôi đến trường từ sớm".
Đứng cách bà Xưởng không xa là chị Vàng Thị Pà, dân tộc Mông, nhà ở bản Nậm Sẻ, xã Trung Chải, cũng đưa con đến trường đợi đoàn từ rất sớm. Cô con gái nhỏ quấy khóc, chị liên tục phải dỗ dành con. Nhưng khi được nhận quà là đồ dùng học tập, nhất là khi được nhận gói xôi xéo còn nóng hổi và xúc xích được đoàn cẩn thận bảo quản từ Hà Nội lên, được các cô giáo chiên giòn giúp, cô bé được nhận quà đã nín khóc ngay, ăn ngon lành trước ánh nhìn hạnh phúc của người mẹ.
Còn chị Lý Thị Xi, ở bản Nậm Sò 2, dân tộc Mông cũng địu con nhỏ trên lưng, cười ngượng nghịu bảo: "Hôm nay chồng tôi đi chợ bán rau và con gà, kiếm tiền mua gạo về ăn. Thấy con được nhận quà, còn được ăn xôi và xúc xích ngon quá, ở nhà không có nhiều đồ ăn, tôi chỉ mong con được ăn no, không bị đói".
Theo cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Đào, cuộc sống nói chung của gần 200 học sinh, học tại 6 điểm trường trên địa bàn xã biên giới Trung Chải đa số rất khó khăn. Các điểm trường nằm rải rác ở các bản giáp biên giới, giao thông đi lại vất vả, trong đó điểm trường khó nhất ở bản Nậm Nó 1 và Nậm Sẻ, cách trung tâm xã Trung Chải gần 40 km đường rừng.
Trong số gần 200 học sinh của trường, nhiều học sinh có hoàn cảnh rất éo le, các thầy, cô giáo dành nhiều thời gian đến nhà học sinh thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ mọi mặt để các em yên tâm đến lớp.
Trong đó, có cháu Vàng A Ký (SN 2018), con vợ chồng anh Vàng A Tủa và chị Thào Thị Gánh, dân tộc Mông, ở bản Trung Chải, sinh ra đã bị khuyết tật vận động. Nhiều năm liền vợ chồng chị Gánh lo chăm con bệnh tật, số tiền đi làm thuê vốn đã ít ỏi, lại càng cạn kiệt. Để cháu Vàng A Ký có thể đến lớp chung vui cùng các bạn, cô giáo đã dành nhiều buổi đến nhà hỗ trợ, giúp đỡ gia đình sinh hoạt và đưa bé Ký đến lớp.
Hay em Giàng Thiên Minh Sử (SN 2019), là dân tộc Mông, hoàn cảnh cũng không khá hơn nhà em Vàng A Ký. Em Sử bị câm điếc bẩm sinh, nhận thức hạn chế, nên vợ chồng anh Giàng A Lềnh và chị Thào Thị Súng cũng không thể lo làm ăn kiếm sống, nhiều năm vẫn là hộ nghèo.
Gia đình em Lò Thanh Nhi (SN 2018), ở bản Nậm Nó 2 cũng đặc biệt khó khăn. Bé Nhi mồ côi mẹ từ nhỏ, bé ở với bà nội già yếu vì bố là Lò A Thành đi làm thuê xa nhà, thi thoảng mới về thăm con.
"Những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo đều được các thầy, cô giáo ở trường dành sự chăm sóc đặc biệt. Để làm sao các con được đến trường mỗi ngày, được vui chơi, học tập như các bạn khác, bớt đi thiệt thòi cho các con", cô giáo Nguyễn Thị Đào chia sẻ.
"Cái khó ở các điểm trường mầm non ở đây là hầu hết các bé đều phải học ghép, mỗi điểm trường chỉ có 1 lớp học chung các độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi, nên rất khó cho việc giáo dục theo đúng độ tuổi các cháu. Chỉ riêng 4 lớp mầm non tại điểm trường trung tâm xã Trung Chải là các con được học theo lớp đúng độ tuổi. Đây cũng là một điểm bất cập từ nhiều năm nay, trường cũng chưa có giải pháp tháo gỡ", cô giáo Nguyễn Thị Đào bày tỏ.
Một số hoạt động của cô và trò trường mầm non Trung Chải
Cô Vũ Thị Hải Bình, chủ nhiệm lớp mầm non ở điểm trường Nậm Nó 2 là người quê gốc ở Hải Dương, cô sinh ra và lớn lên ở Lai Châu một mình chăm sóc 28 cháu nhỏ, ở các độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi trong 1 lớp. Cô Bình tâm sự: "Cứ khoảng 10 giờ sáng, sau khi hướng dẫn các con học và tự chơi, tôi đi cắm cơm, chuẩn bị bữa trưa cho các con. Khi cho các con ngủ trưa xong, lại lo dọn rửa bát đĩa, nồi niêu. Buổi chiều khi các con được cha mẹ, người thân đón về, tôi lại tranh thủ lau dọn lớp học, quét sân trường sạch sẽ để ngày mai đón các con trở lại".
Cứ ngày đầu tuần không thấy học sinh đến lớp, cô giáo lại gọi điện thoại và nhờ nhắn giúp gia đình đưa con đến trường, vì nhiều hộ gia đình không có điện thoại. Nếu không nhắn được ai, cô giáo tranh thủ lúc hết giờ học, đến tận nhà học sinh vận động gia đình và đưa các em trở lại trường.
Hơn 10 cô giáo của trường mầm non Trung Chải, có 7 thầy, cô là người miền xuôi tình nguyện lên biên giới "cắm bản", còn có 4 cô giáo gia đình ở xa, hàng năm chỉ được về thăm nhà 2 lần vào dịp nghỉ hè và Tết.
Hơn nữa, các học sinh đều là người dân tộc Mông và dân tộc Mảng, nên để dạy và hiểu được tập quán văn hoá, tâm lý của trẻ em, các thầy, cô giáo ở đây đều phải tự học tiếng bản địa.
Lần này, đoàn thiện nguyện Hà Nội trao tặng trường mầm non Trung Chải những món quà ý nghĩa, gồm 100 chăn lông mầm non, hàng trăm gối bông, bàn, ghế mầm non, bát ăn inox, thìa, khăn mặt, áo cờ đỏ sao vàng, balo, gạo, sữa, bánh kẹo… với tổng trị giá 90 triệu đồng.
Đồng thời, để động viên, tri ân tấm lòng của những người thầy vùng cao, đoàn đã dành tặng các thầy, cô giáo những tấm áo dài (cho cô giáo) và áo sơ mi (cho thầy giáo)...
Với các thầy cô giáo đều có hơn 10 năm cắm bản trở lên ở nơi này, niềm hạnh phúc càng đong đầy, vì đây là lần đầu tiên họ được nhận món quà ý nghĩa, ấm tình người vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Vì yêu nghề, yêu trẻ, các thầy, cô giáo mầm non Trung Chải luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, mang tấm lòng nhiệt huyết của nghề, những bài học tình người, bằng sự bền bỉ giáo dục kỹ năng sống mỗi ngày cho trẻ em- bù đắp thiệt thòi cho những tâm hồn trẻ thơ ở biên giới Lai Châu...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn