Những gợi ý sát sườn cho thí sinh môn Sử, Địa

10:50 | 18/05/2017;
Sau đề thi minh họa lần thứ 3 môn Sử, Địa do Bộ GD&ĐT ban hành mới đây, nhiều giáo viên đã mổ xẻ tính chất đề thi, từ đó đưa ra những gợi ý sát sườn cho sĩ tử trong giai đoạn nước rút như kỹ năng đọc Atlat, chú ý đến lịch sử và các tổ chức quốc tế...

Địa lý: Chú trọng hơn kỹ năng đọc Atlat

Cô giáo Bùi Thị Hương Thu, giáo viên luyện thi đại học môn Địa lý tại Hà Nội nhận định, đề có cấu trúc tương tự đề min họa lần thứ 2 của Bộ GD&ĐT.

Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý 12 với đầy đủ các phần lý thuyết (kiến thức Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý ngành kinh tế, Địa lý vùng kinh tế) và kỹ năng (kỹ năng làm việc với biểu đồ, bảng số liệu và kỹ năng làm việc với Atlat).

 Học sinh ôn thi khối C cần tiếp thu ý kiến của giáo viên để có cách ôn tập hiệu quả hơn. Ảnh minh họa

“So với đề thử nghiệm lần 2, đề thi tham khảo môn Địa lý lần 3 câu hỏi cũng có sự phân hóa ở 4 mức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao). Tuy nhiên, đề thi lần này khá hay và có khả năng phân loại học sinh rõ ràng hơn” - cô Hương nhận xét.

Theo cô Hương, với độ khó của đề, học sinh trung bình có thể làm được những câu có thể đọc kiến thức Atlat. Không khó để học sinh phổ thông làm được 7 - 8 - 8,5 điểm.

Để ôn tập hiệu quả hơn, sĩ tử cần lưu ý một số điều sau:

- Những học sinh mới bắt đầu ôn tập môn Địa lý nên chú trọng hơn vào kĩ năng Atlat vì có thể khai thác khá nhiều kiến thức làm bài tập từ cuốn “tài liệu” này.

- Những học sinh đã nắm vững kiến thức cơ bản sách giáo khoa nên củng cố và rèn luyện thêm kĩ năng làm bài tập, luyện thêm đề thi thử để củng cố kiến thức, rèn luyện các bài tập khó cũng như có phản xạ nhanh hơn khi làm bài thi chính thức.

Môn Sử: Phải ôn kỹ kiến thức

Cô Trần Thị Lan, giáo viên luyện thi trực tuyến môn Lịch sử tại Hà Nội cho rằng, đề Sử lần 3 xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức.

Tuy nhiên, so với đề minh họa lần thứ hai, đề lần này chú trọng hơn đến tổ chức mang tính quốc tế như: Liên Hợp Quốc. Với số lượng câu hỏi của phần lịch sử thế giới (12 câu) và nội dung bao quát thì đề thi đảm bảo tính khoa học và hợp lí về nội dung, mức độ nhận thức.

Phần lịch sử Việt Nam với số lượng câu hỏi là 28 câu, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó, giai đoạn từ 1919 - 1945 chiếm 12 câu (30% đề thi), giai đoạn 1945 - 197 chiếm 12 câu (30% đề thi) và giai đoạn 1975 - 2000 chiếm 4 câu (10% đề thi).

“Nhìn chung, đề thi lần này khá hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình, có đầy đủ các mức độ nhận thức nhằm phân loại chất lượng học sinh” - cô Lan nhấn mạnh.

Theo cô, nếu không có sự ôn luyện kĩ càng thì khó có thể đạt được điểm khá. Vì thế, các em phải cố gắng để nắm kiến thức một cách toàn diện và thấu hiểu được bản chất của vấn đề. Nắm chắc kiến thức sẽ giúp học sinh có phản xạ nhanh hơn khi đọc câu hỏi.

Sĩ tử cần có phương pháp học khoa học, có tính hệ thống, giúp cho quá trình ôn luyện thu được nhiều hiệu quả hơn.

Xem đề thi minh họa môn Địa lý: tại đây

Xem đề thi minh họa môn Lịch sử: tại đây

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn