Gần một tuần nay, sáng nào, bé Hương Mai, học sinh trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy (Hà Nội), cũng háo hức dậy sớm, giục mẹ đưa đến lớp thật nhanh để cùng các bạn pha trà, mời nước thầy cô. Đây là một trong những hoạt động thú vị mà trường của bé tổ chức. Trong đó, các con trở thành "nhân vật chính" nhằm thể hiện tình cảm của mình đến thầy cô trong tuần lễ đặc biệt này. "Con về nhà rất vui vẻ, kể cho tôi nghe việc mình làm ở lớp và cảm xúc của thầy cô khi nhận trên tay cốc nước từ học sinh vào đầu giờ sáng, khiến tôi cũng thấy lòng ấm áp!", chị Thu Cúc, mẹ bé Mai, chia sẻ.
Thầy Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, dịp này trường không tổ chức mit tinh mà thay vào đó là chia nhỏ thành các hoạt động ý nghĩa, thu hút học sinh tham gia như: Pha nước mời thầy cô, tự tay gấp hoa giấy tặng thầy cô, vẽ tranh chân dung thầy cô... Đặc biệt, mỗi lớp sẽ làm một tờ báo tường để triển lãm vào ngày 20/11. "Các hoạt động này đều ở quy mô nhỏ nhưng có sự tri ân không chỉ dành cho thầy cô mà còn là bác lái xe, bác bảo vệ, các cô, các bác làm việc ở nhà ăn... Tất cả những ai làm việc trong không gian giáo dục của nhà trường, đóng góp vào việc chăm sóc, dạy dỗ các con đều xứng đáng được tri ân. Có những tấm thiếp các con lớp 1 mới tập viết, tẩy đi rồi viết lại và mang tặng thầy cô rất đáng yêu, khiến nhiều thầy cô xúc động!", thầy Trần Vũ Quang cho biết.
Những ngày này dù ở phạm vi tổ chức thế nào cũng đều ý nghĩa và nêu bật được truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta mà người thầy được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Thực tế, ngày kỷ niệm này cũng không cần phải tổ chức quy mô lớn làm gì, bởi đây thực sự là ngày hội của nhà giáo, các thế hệ cùng tề tựu, chung vui. Nhất là những cựu giáo chức, họ rất háo hức trở về thăm lại nhà trường vào dịp này. Đối với phụ huynh, dịp này cũng nên hỏi thăm, động viên giáo viên, không cần nặng nề về quà cáp vật chất. Phụ huynh có thể hướng dẫn các con viết thư, tự làm quà tặng giáo viên để gửi lời cảm ơn đến các thầy cô đã vất vả dạy dỗ con”.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Còn tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), dịp 20/11 này cũng không diễn ra các hoạt động mang tính hình thức. Thay vào đó, nhà trường tổ chức tiết sinh hoạt chuyên đề. Tại tiết học này, thầy trò sẽ cùng nhau trò chuyện hoặc hát cùng nhau bài hát yêu thích. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là động viên thầy cô mà còn giáo dục học sinh lòng biết ơn người thầy đang và đã từng dạy mình trước đây.
Tại trường Tiểu học Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), nhà trường tổ chức các hoạt động tập thể nhằm tăng sự gắn kết cho các con sau một năm học đầy biến động bởi Covid-19 như: thi kéo co, thi đá bóng, biểu diễn văn nghệ... thu hút đông đảo các con tham gia. "Lớp con vô địch kéo co khối 2, con vui lắm ạ! Lúc đó con vui chảy cả nước mắt", bé Tùng Lâm, học sinh lớp 2A2 trường Tiểu học Nam Trung Yên, chia sẻ.
Và những tâm tư...
Ngày 20/11 là dịp để tri ân thầy cô, tôn vinh những giá trị to lớn của ngành giáo dục đối với nhiều thế hệ học trò. Nhưng trong bối cảnh ngành giáo dục còn nhiều băn khoăn, ngổn ngang trước thách thức đổi mới, trăn trở về nghề dường như nhiều hơn. Thầy Dương Quốc Khánh, giáo viên tiếng Anh tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), cho biết, việc đổi mới phương pháp dạy học môn tiếng Anh tại nơi thầy công tác là thách thức không nhỏ, bởi học trò nông thôn còn hạn chế trong việc tiếp cận ngoại ngữ. "Thiếu thốn nhiều thứ, từ học liệu đến các phương tiện công nghệ để các em học môn này. Những ngày này, các em mang hoa hoặc chục trứng, con gà tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà chúng tôi thấy se lòng vì những khát khao muốn các con được học tốt hơn!", thầy Khánh chia sẻ.
Với không ít thầy cô giáo, việc đổi mới phương pháp dạy để học sinh trở thành trung tâm, làm sao để các em học tập thật vui vẻ, tăng cường kỹ năng, là điều mong mỏi nhất. Nhà giáo Tùng Lâm chia sẻ, trường THPT Đinh Tiên Hoàng xem ngày 20/11 là dịp để trường tổ chức hoạt động chuyên môn, trong đó có việc xây dựng "trường học thông minh, lớp học hạnh phúc". "Chúng tôi tập trung vào mấy việc như: rèn tư duy cho học sinh, gắn kiến thức với thực tiễn, dùng công nghệ thông tin để học, phải làm sao để học sinh được trải nghiệm và trở thành trung tâm trong các hoạt động này", thầy Tùng Lâm chia sẻ. Với yêu cầu này, mỗi thầy cô đều phải tự đổi mới, cải tiến cách dạy học sau mỗi tháng, từ đó đến cuối kỳ xem sự chuyển biến của chính mình như thế nào. "Nhà trường không đặt nặng thành tích hay áp lực cho thầy cô mà để thầy cô tự nguyện. Làm sao để việc dạy học phải thực chất, tránh hình thức, xuất phát từ việc thầy cô cũng phải được hạnh phúc. Bởi thầy cô khổ sở thì học trò cũng khó mà được truyền cảm hứng", thầy Tùng Lâm nhìn nhận.
Mong muốn của thầy Nguyễn Tùng Lâm là làm sao giáo dục nước nhà sẽ có bước tiến để hòa nhập với giáo dục các nước tiên tiến, trong đó trước hết là sứ mệnh của giáo viên. Giáo viên phải đủ phẩm chất, năng lực để mang lại sự thay đổi; vừa là thầy, vừa là bạn, khích lệ được học sinh, làm sao cho học sinh thích học, học có kết quả. Kết quả ấy không phải là điểm số mà là sự trưởng thành, sau này vận dụng được kiến thức vào cuộc sống. "Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến đội ngũ người làm giáo dục. Bên cạnh khâu đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, tuyển chọn để sử dụng, lựa chọn được người phù hợp, có tâm huyết với nghề để tạo ra người giỏi, cần có chính sách tiền lương đột phá hơn cho đội ngũ này. Sự tôn vinh và chính sách cho nhà giáo phải đi liền với nhau thì mới có bước chuyển rõ nét trong chất lượng giáo viên", thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
"Nhà trường luôn chú trọng khía cạnh tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Trên cơ sở lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các con, chúng tôi thiết kế thành những hoạt động trải nghiệm, ở đó tất cả học sinh đều có cơ hội trải nghiệm. Không thể để một nhóm học sinh xuất sắc, mà phần lớn phải là các bạn học sinh chưa bao giờ trải nghiệm được tham gia. Các bạn sẽ có sự trưởng thành, từ đó có tinh thần trách nhiệm, kỹ năng làm việc nhóm, thậm chí chấp nhận thất bại... Quan trọng là các con được trải nghiệm và trưởng thành hơn".
Thầy Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học&THCS FPT Cầu Giấy, Hà Nội
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn