Chuyển màu nước từ thượng nguồn
Không chỉ ở vùng hạ lưu nước sông mới chuyển màu xanh trong, mà ngay cả trên thượng lưu ở Lào Cai, nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt" cũng thường xuyên có những khoảng thời gian nước sông chuyển từ màu hồng đất, sang màu xanh trong.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, cho biết: "Hiện nay nước sông Hồng không còn nhiều phù sa như trước nữa, có những lúc cả chục ngày liền màu nước sông chuyển màu xanh trong đến bất thường, không còn mang màu nước như chính cái tên của nó nữa. Đây là hiện tượng lạ, mà xưa kia không thấy bao giờ. Ở ngay phía giáp thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc, nơi ngã 3 sông Hồng và sông Nậm Thi, xưa kia luôn phân biệt giữa 2 con nước bằng màu xanh trong của Nậm Thi và màu đỏ đục của sông Hồng rất rõ ràng. Nhưng bây giờ nhiều khi không còn phân biệt được nữa, vì màu nước của sông Hồng đã chuyển màu xanh trong".
Hiện nay, chỉ vào mùa mưa lũ thì sông Hồng mới có màu nước đục đỏ như tên gọi của nó - đó là thời điểm mưa lũ, nước từ núi đồi đổ về, mang nhiều phù sa thì mới như vậy. Còn mùa cuối năm thì nước đều trong xanh với khoảng thời gian dài.
Theo ông Trần Văn Hậu, ở phường Cốc Lếu, Lào Cai: "Nước sông Hồng chảy qua Lào Cai rồi đổ về hạ lưu có màu xanh trong, có thể do nguyên nhân phía thượng nguồn bên nước bạn làm nhiều thủy điện, các hồ chứa nước đã lưu giữ nước lại để hoạt động khai thác điện năng. Vậy nên phù sa không còn chảy về vùng hạ lưu như trước, bởi khi nước bị tích lại sẽ gây ra sự lắng đọng phù sa ở các hồ chứa nước thủy điện".
Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nước sông Hồng chảy qua địa bàn TP Lào Cai trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 có hàm lượng TSS (tổng chất rắn lơ lửng) giảm mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến nước trở nên trong vắt.
Sông Hồng có tổng chiều dài 1.149 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và chảy vào địa phận Việt Nam bắt đầu từ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Đoạn sông Hồng chảy trên đất Việt Nam dài 510 km. Nước sông Hồng thường có màu đỏ hồng đặc trưng do phù sa mà nó mang theo. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm, tức là gần 1,5 kg phù sa/mét khối nước.
Nhưng đến nay, lượng phù sa trên sông hồng đã giảm đi rất nhiều, dẫn đến hiện tượng nước sông chuyển màu trong xanh, thay vì màu đục đỏ truyền thống.
Nước sông chuyển màu gây hệ lụy cho sản xuất canh tác nông nghiệp
Hiện tượng nước sông Hồng không còn phù sa như xưa kia đã tác động trực tiếp tới các khu vực sản xuất canh tác nông nghiệp dọc hai bên lưu vực sông Hồng.
Bà Bàn Thị Ngay, ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, Lào Cai, cho biết: "Cách đây khoảng chục năm, chúng tôi trồng trọt cây hoa màu lương thực ở ruộng bãi sông Hồng, không cần sử dụng nhiều phân bón như hiện nay. Nhưng bây giờ đất không tốt như ngày xưa nữa. Nước sông Hồng không còn phù sa nên năng suất cây trồng bị giảm đi, do vậy phải sử dụng các loại phân bón nhiều hơn, cũng phát sinh chi phí sản xuất lớn hơn".
Chị Triệu Thị Hin, ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai, chia sẻ: "Nước sông không mang phù sa về như xưa kia, nên cán bộ cũng tuyên truyền cho người dân chúng tôi phải chuyển đổi cây trồng, xen canh tăng vụ và bón các loại phân bón hữu cơ, để tạo ra năng suất và tạo màu mỡ cho đất ruộng".
Ở vùng thượng lưu sông Hồng như vậy, nên vùng hạ lưu sông Hồng cũng chung cảnh ngộ nước chuyển màu xanh trong.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực bãi giữa sông Hồng ở Hà Nội, về mùa cuối năm, màu nước chuyển sang trạng thái trong xanh đến mức có thể dễ dàng nhìn thấy các mảng váng dầu loang trên mặt nước.
Bà Nguyễn Thị Hà, một cư dân sinh sống và canh tác nông nghiệp ở bãi giữa sông Hồng, thuộc phường Ngọc Thụy, Q.Long Biên, Hà Nội, chia sẻ: Nước sông hồng bây giờ không còn màu "hồng" như xưa, và cũng ít có lũ to như xưa. Ngày xưa về mùa mưa lũ, nước ngập cả khu bãi giữa, sau khi qua mùa lũ thì việc trồng trọt rất thuận lợi, cây trồng phát triển rất tốt vì có lớp đất phù sa do nước đưa về. Nhưng bây giờ thì không còn điều đó, nên trồng trọt bị tốn kém chi phí phân bón hơn xưa rất nhiều.
Có khá nhiều thủy điện được xây dựng trên các nhánh phụ lưu đổ vào sông Hồng
Ông Hoàng Thế Anh, Kỹ sư thủy lợi, ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Ngoài dòng chính từ thượng nguồn đổ vào Việt Nam thì suốt chặng đường đi của sông Hồng còn rất nhiều dòng phụ lưu đổ vào. Nhưng ngày nay, hệ thống mạng lưới thủy điện phát triển nhiều quá, nên dẫn đến sự tích trữ nước ở các nguồn phụ lưu. Từ đó dẫn đến việc mất phù sa, khiến sông Hồng không còn màu nước hồng đặc trưng như xưa cũng là điều đương nhiên".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn