Những hệ lụy lâu dài với người mẹ khi mắc tiểu đường thai kỳ

11:57 | 13/11/2024;
Tiểu đường là “khắc tinh” của người mẹ khi mang thai, căn bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, đồng thời cũng gây hệ lụy lâu dài cho cuộc sống của người mẹ.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai, thường xảy ra từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Đây là tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu tăng lên trong thai kỳ, dẫn đến tăng đường huyết.

Những hệ lụy lâu dài với người mẹ khi mắc tiểu đường thai kỳ- Ảnh 1.

Bác sĩ CKII Lý Thị Hồng Vân - Khoa Phụ sản, Bệnh viện trung ương Quân đội 108

Bác sĩ CKII Lý Thị Hồng Vân - Khoa Phụ sản Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường thai kỳ là sự thay đổi hormone khi mang thai. Ở cơ thể phụ nữ có thai, bánh nhau thường tăng sản xuất một số loại hormone khiến đường huyết tăng cao hơn bình thường. Nếu tuyến tụy có thể sản xuất đủ insulin để xử lý lượng đường huyết này thì cơ thể mẹ bầu sẽ không xảy ra bất thường. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc cơ thể mẹ bầu có sự đề kháng với insulin sẽ gây ra tình trạng tăng đường huyết. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Bên cạnh đó, những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ như tiền sử bị bệnh tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước. Từng sinh em bé nặng hơn 4kg trước đó, tuổi trên 35 là yếu tố nguy cơ cao của tiểu đường thai kỳ; phụ nữ thừa cân, tiền sử gia đình có người bị tiểu đường, hội chứng buồng trứng đa nang, có tiền sử sản khoa bất thường,… đều có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ Hồng Vân cũng cho biết, người Châu Á có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao do đặc tính chủng tộc.

Tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho mẹ như sảy thai tự nhiên, dọa đẻ non và đẻ non (15%-20%). Thai chậm phát triển, suy thai, thai chết lưu trong tử cung thường kết hợp với đa ối. Dị dạng thai, thai to trên 4kg. Trong khi sinh, thai phụ bị tiểu đường có thể đẻ khó cơ học do thai to khó lọt hoặc khó đẻ do vai to - mắc vai; chảy máu vào giai đoạn bong rau, mổ lấy thai, chuyển sang tiểu đường tuýp 2 sau này.

Đồng thời, tiểu đường thai kỳ ở người mẹ có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh như: Thai nhi phát triển to hơn mức bình thường. Hội chứng suy hô hấp do tình trạng bất hoạt surfactant, chậm tiêu dịch phổi. Trẻ có nguy cơ bị hạ glucose huyết đột ngột sau sinh, bệnh vàng da, bệnh cơ tim.

Ngay sau khi sinh ra, những đứa trẻ có mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường gặp các biến chứng từ nhẹ tới nặng nếu không được kiểm soát và can thiệp kịp thời. Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng của tiểu đường thai kỳ với thai nhi là tình trạng thai tăng trưởng nhanh quá mức, thai to và gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé khi sinh.

Trẻ cũng có thể bị hạ glucose huyết tương, bệnh lý rối loạn chuyển hóa ở trẻ sơ sinh. Nguy cơ thai nhi hạ glucose huyết tương, mắc bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh là từ 15 đến 25% trong tổng số các ca bệnh tiểu đường thai kỳ. Đây là tỷ lệ khá cao và gây nhiều nguy hiểm đến trẻ.

Thai phụ tiểu đường còn dẫn đến nguy cơ trẻ bị hội chứng nguy kịch hô hấp ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến tử vong. Trẻ cũng có thể tử vong ngay sau khi sinh do nhiều nguyên nhân như thai to, khó sinh, tiền sản giật, sinh non... Tiểu đường thai kỳ còn gây tăng hủy hemoglobin dẫn đến tăng bilirubin và làm trẻ bị vàng da sơ sinh, tỷ lệ chiếm khoảng 25% đối với thai phụ tiểu đường thai kỳ.

Những đứa trẻ được sinh ra bởi bà mẹ tiểu đường thai kỳ nếu được chẩn đoán, điều trị và theo dõi kịp thời thì phần lớn các nguy cơ vừa nêu trên sẽ giảm hoặc sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với những sản phụ không được chẩn đoán sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Những hệ lụy lâu dài với người mẹ khi mắc tiểu đường thai kỳ- Ảnh 2.

Bác sĩ Hồng Vân khuyến cáo, ngay từ khi có thai, thai phụ phải được theo dõi bởi các bác sĩ sản khoa và bác sĩ chuyên ngành nội tiết - đái tháo đường

Với một em bé được sinh ra bởi bà mẹ tiểu đường thì tỷ lệ sau này lớn lên có nguy cơ bị bệnh tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa cao hơn so với các trẻ sinh ra bởi các bà mẹ không có bệnh tiểu đường.

Vì vậy, bác sĩ Hồng Vân khuyến cáo, ngay từ khi có thai, thai phụ phải được theo dõi bởi các bác sĩ sản khoa và bác sĩ chuyên ngành nội tiết - đái tháo đường. Tất cả thai phụ đều nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết uống 75gr glucose. Thời điểm tầm soát lần đầu phụ thuộc vào sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ thường là làm vào tuần thứ 24- 28 của thai kỳ.

Nếu thai phụ có kết quả tiểu đường cần điều trị thì chấp hành nghiêm ngặt chế độ điều trị theo y lệnh của bác sĩ có thể dùng thuốc insulin tiêm mỗi ngày. Thai phụ được theo dõi sát tình trạng thai nhi trong bụng bởi bác sĩ chuyên ngành sản và kiểm soát tình trạng glucose huyết tương bởi bác sĩ chuyên ngành nội tiết. Những phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ cần thực hiện xét nghiệm đường máu ít nhất mỗi 3 năm đề phòng chuyển sang tiểu đường tuýp 2.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn