Dưới đây là một số khoảnh khắc đã giúp thúc đẩy bình đẳng của phụ nữ trong hơn 100 năm qua.
Amelia Earhart đã phá vỡ rào cản vô hình cho phụ nữ trong ngành hàng không khi bà lần đầu tiên bay lên bầu trời. Chưa đầy 1 năm sau khi nhận bằng phi công, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên một mình vượt qua độ cao 14.000 feet (hơn 4.000m). Năm 1932, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên và là phi công thứ 2 một mình thực hiện chuyến bay qua Đại Tây Dương. Earhart cũng giúp đấu tranh cho bình đẳng giới trên thực địa, là chủ tịch đầu tiên của Ninety-Nines, một tổ chức quốc tế dành cho các nữ phi công. Ảnh: Getty Images
Những phụ nữ thuộc Quân đoàn Phụ nữ chờ xe ở trung tâm thành phố Des Moines, Iowa, 5 tháng sau khi Quốc hội thông qua dự luật cho phép phụ nữ thực hiện nghĩa vụ quân sự không tham chiến. Đạo luật năm 1942 cho phép phụ nữ tham gia chiến tranh một cách hiệu quả trong các vai trò như điều hành viên vô tuyến điện và kiểm soát viên không lưu. Ảnh: AP
Ngày 19/10/1943, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Hattie Caraway đã làm nên lịch sử khi là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức Chủ tọa Thượng viện. Caraway là người đại diện cho bang Arkansas, lần đầu tiên vào Thượng viện sau khi chồng bà, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Thad Caraway, qua đời. Sau khi làm việc ở vị trí của chồng, Caraway đã khiến các nhà lãnh đạo đảng ngạc nhiên trước tuyên bố sẽ ứng cử toàn bộ nhiệm kỳ. Bà đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử "long trời lở đất", trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Thượng viện. Ảnh: AP
Thiếu tướng quân đội Charity Adams kiểm tra các thành viên của 6888th Central Postal Directory Battalion (tạm dịch: Tiểu đoàn Bưu điện Trung ương 6888) khi họ đến Anh vào tháng 2/1945. "Six Triple Eight" là đơn vị Quân đoàn toàn phụ nữ da đen duy nhất phục vụ ở châu Âu trong Thế chiến thứ hai. Ảnh: Getty Images
Marguerite Higgins là người tiên phong cho các nữ nhà báo và phóng viên ở chiến trường. Bà đã đưa tin về việc giải phóng Dachau cho tờ New York Herald Tribune trong Thế chiến thứ hai và bà là một trong số ít phụ nữ trên tiền tuyến trong Chiến tranh Triều Tiên. Trong hình, bà đang cùng Đại tá John "Mike" Michaelis ghi chép và trao đổi khi nhận nhiệm vụ vào năm 1950. Một năm sau, Higgins trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Pulitzer. Ảnh: Getty Images
Cựu Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đến thăm triển lãm Vote for Women tại Bảo tàng Lịch sử New York vào năm 1952. Thường được ca ngợi là "Đệ nhất phu nhân của thế giới", Roosevelt là một trong những đệ nhất phu nhân hoạt động chính trị tích cực nhất khi bước chân vào Nhà Trắng. Bà phục vụ trong Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và khuyến khích chồng bà, Tổng thống Franklin Roosevelt, bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí ở liên bang. Bà đã viết trong chuyên mục ‘My day’: "Cuộc chiến vì quyền của phụ nữ là một cuộc chiến lâu dài và không ai trong chúng ta không thể cho phép bất cứ điều gì làm cản trở nó". Ảnh: Getty Images
Rosa Parks trở thành một trong những nhà lãnh đạo lớn nhất của phong trào dân quyền sau khi cô bị bắt vì từ chối nhường ghế xe buýt cho một hành khách da trắng vào năm 1955. Vụ bắt giữ Parks là tiền đề cho Jo Ann Robinson và Hội đồng Chính trị Phụ nữ của Montgomery (Alabama) đưa ra kế hoạch tẩy chay xe buýt. Cuộc Tẩy chay Xe buýt Montgomery kéo dài 381 ngày và thu hút sự chú ý của cả nước về vấn đề phân biệt đối xử. Ảnh: Getty Images
Vào năm 1956, nhà sinh vật học biển kiêm tác giả Rachel Carson trở thành người phụ nữ thứ hai được làm việc ở Cục Thủy sản Hoa Kỳ. Mặc dù đã xuất bản nhiều quyển sách trong cuộc đời mình nhưng cuốn "Silent Spring" (Mùa xuân vắng lặng) của bà mới thật sự đột phá và đã trở thành bước đệm cho phong trào môi trường toàn cầu. Ngoài ra, nghiên cứu của bà về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đã dẫn đến việc cấm sử dụng DDT (một chất hữu cơ cao phân tử tổng hợp, có chứa clo) ở Mỹ. Ảnh: Getty Images
Nhà toán học tiên phong Katherine Johnson làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA ở Hampton, Virginia vào năm 1962. Johnson là thành viên của một nhóm các nhà toán học đóng góp vào thành công chuyến bay không gian đầu tiên của NASA. Công việc của bà và công việc của một số phụ nữ đen khác là giúp khởi động chuyến du hành có người lái đầu tiên của Mỹ vào vũ trụ. Không ai biết đến công việc của họ cho đến khi cuốn tiểu thuyết và bộ phim "Hidden Figures" (tựa Việt "Số liệu ẩn") năm 2016 đưa câu chuyện trở thành tâm điểm. Ảnh: Getty Images
Đạo luật Trả lương ngang bằng được Tổng thống John Kennedy ký tại Nhà Trắng và trở thành luật vào năm 1963. Luật quy định nam giới và phụ nữ phải nhận lương như nhau cho công việc bình đẳng, không phân biệt giới tính. Ảnh: Getty Images
Nhà văn và nhà hoạt động chính trị xã hội Gloria Steinem đã trở thành một trong những cây bút tiêu biểu ở Mỹ trong những năm 1960 -1970. Steinem cùng với Betty Friedan và Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Bella Abzug đã đấu tranh để thông qua Tu chính án Quyền bình đẳng, một đề nghị sửa đổi Hiến pháp đảm bảo bình đẳng giới hợp pháp cho tất cả công dân Hoa Kỳ không phân biệt giới tính. Viết trên mặt sau trang xã luận Thời báo Los Angeles, bà cho hay "Nữ quyền chưa bao giờ là việc của một người phụ nữ. Đó là việc làm cho phụ nữ ở mọi nơi có một cuộc sống công bằng hơn". Ảnh: Getty Images
Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Patsy Mink treo một bảng tên tự làm trên cửa văn phòng mới của mình sau khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên và là người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên được bầu vào Quốc hội năm 1965. Trong suốt nhiệm kỳ, Mink tập trung vào đấu tranh cho bình đẳng giới và chủng tộc. Bà đã ủng hộ Title IX, một đạo luật cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong các chương trình và hoạt động giáo dục do liên bang tài trợ. Ảnh: Getty Images
Dorothy Height, Chủ tịch của Hội đồng phụ nữ quốc gia Negro, là một người đại diện cho quyền công dân trong những năm 1960. Height là người đi đầu trong "Wednesday in Mississippi", một dự án đưa các nhóm phụ nữ miền Bắc thuộc chủng tộc và tín ngưỡng khác nhau đến Jackson, Mississippi với mong muốn nâng cao khả năng thấu hiểu của phụ nữ da đen và da trắng. Tổng thống Barack Obama sau này gọi bà là "mẹ đỡ đầu" của các quyền công dân, nhấn mạnh rằng bà "là người phụ nữ duy nhất và ở mức cao nhất" của phong trào. Ảnh: AP
Vào ngày 7/6/1965, Tòa án Tối cao đã hủy bỏ một đạo luật cấm sử dụng các biện pháp tránh thai ở Connecticut và phán quyết rằng luật này không thể thi hành vì Hiến pháp bảo vệ quyền riêng tư của hôn nhân. Cũng từ đây, trường hợp Griswold kiện Connecticut trở thành cơ sở cho các quyết định trong tương lai về quyền sinh sản ở Hoa Kỳ. Trong hình, Estelle Griswold (trái) và Cornelia Jahncke thể hiện chiến thắng khi thấy tin tức về phán quyết trên một tờ báo địa phương. Griswold là giám đốc điều hành của Planned Parenthood League Connecticut còn Jahncke là chủ tịch. Ảnh: Getty Images
Trong hình là nhà báo truyền hình Barbara Walters đánh giá phim âm bản tại NBC Studios năm 1966. Walters đã làm nên lịch sử vào năm 1976 sau khi trở thành người phụ nữ đầu tiên đồng dẫn chương trình tin tức mạng vào buổi tối. Trước khi từ giã nghề báo vào năm 2014, Walters đã phỏng vấn các tổng thống Mỹ và đệ nhất phu nhân từ Nixon đến Obama. Ảnh: Getty Images
Phụ nữ tuần hành ở Thành phố New York như một hoạt động của Cuộc đình công vì Bình đẳng của Phụ nữ vào ngày 26/8/1970. Sự kiện này do nhà hoạt động và tác giả Betty Friedan lãnh đạo để kỷ niệm 50 năm Tu chính án thứ 19 và kêu gọi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vì quyền bình đẳng cho phụ nữ. Friedan nói trong một cuộc biểu tình: "Đây không phải là một cuộc chiến trong phòng ngủ. Đây là một phong trào chính trị. Con người không phải là kẻ thù. Con người là đồng loại của nhau". Ảnh: Getty Images
Hạ nghị sĩ Shirley Chisholm công bố chiến dịch tranh cử tổng thống của mình ở Brooklyn, New York, vào năm 1972. Chisholm đã đặt ra nhiều tiền lệ chính trị, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên trong Quốc hội và là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ. Ảnh: Getty Images
Nhà vô địch quần vợt Billie Jean King và cũng là người ủng hộ LGBTQ (viết tắt của người đồng tính, song tính, chuyển giới và đa dạng giới hoặc người vẫn còn đang trong giai đoạn tìm hiểu về mình) đã giúp mở đường cho cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao. Năm 1973, cô giúp thành lập Hiệp hội quần vợt nữ và đe dọa tẩy chay Giải quần vợt Mỹ Mở rộng nếu người giành danh hiệu đơn nữ không nhận được tiền thưởng bằng với nam giới. Trong bức hình, King được 4 người đàn ông khiêng đến sân tennis trong trận đấu nổi tiếng "Battle of the Sexes" của cô với Bobby Riggs. Ảnh: Getty Images
Năm 1973, Án lệ Rose v. Wade là một quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ - bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ được theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp. Mặc dù quyết định đã hợp pháp hóa việc phá thai, các tiểu bang vẫn được phép quy định phá thai trong quý 2 và quý 3 của thai kỳ. Trong hình, 3 thế hệ phụ nữ đang tham gia dòng người để phản đối Thị trưởng St. Louis John Poelker sau khi ông này không cho phép các bệnh viện thành phố thực hiện bất kỳ ca phá thai nào sau phán quyết của Tòa án Tối cao. Ảnh: Getty Images
Năm 1966, Barbara Jordan được bầu vào Thượng viện ở Texas và trở thành thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên ở Hoa Kỳ kể từ năm 1883. Jordan được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ năm 1972 và trở nên nổi tiếng hơn sau phát biểu mở đầu của cuộc luận tội chống lại Tổng thống Richard Nixon. Hình ảnh này là vào năm 1976, khi Jordan có bài phát biểu quan trọng đầu tiên với tư cách là một phụ nữ Mỹ gốc Phi trình bày tại Đại hội Quốc gia Đảng Dân chủ. "Sự hiện diện của tôi ở đây là một bằng chứng cho thấy Giấc mơ Mỹ mãi mãi không còn bị trì hoãn nữa", bà nói trước công chúng. Ảnh: AP
Nhà hoạt động dân quyền Coretta Scott King cầm micro và thảo luận một nghị quyết về quyền của phụ nữ thiểu số được đề xuất trong Hội nghị Phụ nữ Quốc gia năm 1977 ở Houston. Từ việc tổ chức các cuộc tuần hành cùng chồng - ông Martin Luther King Jr. - đến việc thành lập một số hiệp hội, Coretta Scott King đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh bình đẳng chủng tộc, giới tính và kinh tế. "Trong cuộc chiến về bình đẳng giới, những bước đi của bà ấy lặng lẽ nhưng đầy sức mạnh. Bà ấy đứng về hòa bình trong tình thế rối loạn", Đức Cha Joseph Lowery đã cảm thán sau khi bà qua đời năm 2006. Ảnh: Getty Images
Muriel Siebert, thường được gọi là "Đệ nhất phu nhân Phố Wall" đã phá vỡ rào cản giới tính trong giới tài chính sau khi bà mua được một chỗ ngồi trên Sở giao dịch chứng khoán New York với giá gần nửa triệu đô la, phá vỡ thế độc quyền của nam giới khi mà trước thời điểm đó, phụ nữ chỉ làm việc trên sàn giao dịch trong vị trí nhân viên. Sau đó, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc Sở Ngân hàng tiểu bang New York vào năm 1977. Ảnh: AP
Năm 1979, Marcella Ng là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành phi công trong Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Marcella Ng đã phục vụ 22 năm trong quân đội trước khi nghỉ hưu vào năm 2000. Nguồn ảnh: US Armed Forces (Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ)
(còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn