Suốt quá trình trưởng thành, một đứa trẻ sẽ trải qua nhiều giai đoạn. Có lúc con tự nhiên bướng bỉnh, khó bảo, thay đổi tính cách đột ngột, hoặc có những khi con bất ngờ cãi lại bố mẹ, sẵn sàng nói ''không'' với tất cả mọi thứ. Với người lớn, biểu hiện của trẻ như vậy được cho là hư đốn, không nghe lời, cũng từ đây, không ít phụ huynh phản ứng bằng cách dùng đòn roi, quát mắng để trừng phạt con cái.
Trên thực tế, đòn roi chỉ thể hiện sự bất lực của bố mẹ trong việc giáo dục con. Khi người lớn tự đặt ra các quy tắc (mà trẻ con chưa thể hiểu) nhưng nếu những đứa trẻ không làm theo thì họ cho đó là trái lời. Người lớn đã tự cho mình cái quyền làm cha làm mẹ thì được đánh chửi con. Hay nói cách khác bố mẹ đã ỷ vào sức mạnh của kẻ to xác hơn, nhiều tuổi hơn để ''bắt nạt'' con.
Có bố mẹ nào hình dung ra cảnh chính mình bị người khác to khỏe hơn đánh đập, ức hiếp để thấu hiểu cảm xúc của con chưa? Đôi khi cũng có thể sẽ phải đánh vài roi cảnh cáo. Nhưng cảnh cáo khác với đánh cho hả giận. Nếu bố mẹ đánh con cho hả giận và mất kiểm soát thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Đánh chửi con chỉ để giải tỏa cảm xúc của cá nhân mình chứ không phải vì sự tiến bộ của con. Làm như thế là chỉ vì mình, là ích kỷ, nhưng lại tự khoác cho mình cái áo mĩ miều ''là để dạy con''. Vượt ra khỏi mục đích ban đầu của bố mẹ là giúp con ngoan hơn, sau mỗi trận đòn roi, trẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề về tâm lý và thể chất, thậm chí là cả tính mạng.
Chuyện đánh đập con vẫn xảy ra trong không ít gia đình, khi bố mẹ không đủ bình tĩnh để kiềm chế, khi con trót gây ra một việc gì đó trái ý bố mẹ mà đúng lúc bố mẹ đang nóng giận, bận rộn... Tuy nhiên, có những bộ phận trên cơ thể bố mẹ tuyệt đối không được đánh vào, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Từ góc nhìn khoa học, các chuyên gia sức khỏe cho biết những bộ phận dưới đây trên cơ thể trẻ được xem là "tử huyệt", nếu đánh trẻ vào những nơi này, bố mẹ có thể phải trả giá đắt bằng chính tính mạng của con mình.
Huyệt thái dương trên khu vực đầu là nơi rất mong manh, có rất nhiều huyệt đạo. Vì thế, nếu đánh trẻ vào huyệt thái dương, trẻ có thể bị tổn thương đến mức mù lòa, mất tầm nhìn, thậm chí tổn thương đến cả não bộ.
Trẻ bị đánh lực mạnh vào đầu hoặc va đập mặt phẳng cứng có thể gây chấn thương sọ não. Đây là nguyên nhân tử vong cao, để lại di chứng nặng nề. Tùy vào lực đánh mạnh hay nhẹ, trẻ có hình thái tổn thương như chấn động não (nhẹ nhất), nứt sọ (tổn thương mạnh đến mức nứt sọ), dập não (tổn thương vào não bên trong hộp sọ), tụ máu não (tình trạng đứt các mạch máu trong não gây chảy máu tạo máu tụ).
Khi thấy bé bị bất tỉnh, quấy khóc, nôn ói, đau đầu, co giật, hôn mê, lỗ tai chảy máu, mũi chảy máu, yếu liệt tay chân... cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức, tránh trường hợp nghĩ bé ăn vạ mà bỏ mặc con, đến khi bé tử vong thì có ân hận cũng đã muộn. Trường hợp bé có thể giữ được mạng sống cũng có thể chịu di chứng nặng nề về sau.
Khi đánh vào cổ con, bé có thể bị tổn thương:
- Trẻ bị ảnh hưởng sụn thanh quản, cản trở hô hấp, thiếu oxy lên não có thể khiến xảy ra tình trạng chết não.
- Trẻ khó thở.
- Trẻ có thể bị bại não nếu bị người lớn sử dụng lực vào cổ quá 3 phút.
Trong cơn nóng giận do không kiểm soát được cảm xúc và hành vi nên nhiều bố mẹ đã đánh luôn vào mặt con. Không chỉ bị tổn thương, bầm tím khuôn mặt mà khi đánh vào mặt quá nặng, trẻ có thể bị gẫy răng, ù tai, chảy máu trong tai.
Nếu cha mẹ không kiềm chế được mà đánh vào quai hàm của trẻ có thể sẽ khiến phần xương này bị lệch. Hậu quả là khuôn mặt phát triển không đều nhau.
Đánh vào mặt còn để lại một hậu quả vô cùng tai hại khác là khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài. Một đứa trẻ bị đánh vào mặt nhiều lần chúng sẽ tự ti, hay sợ hãi, sống thu mình lại hơn, luôn trong tư thế phòng vệ.
Khi tức giận, người lớn thường có thói quen véo vào tai, tát vào tai trẻ mà không biết rằng đây là nơi dễ gây tổn thương nhất. Cũng giống như huyệt thái dương, khi trẻ bị đánh vào tai quá mạnh có thể gây tổn thương mô mềm dưới da, chấn động não, chảy hoặc tụ máu não, dây thần kinh tai bị hỏng. Thực tế cho thấy đã có trẻ từng bị ngất do hành động vặn/ véo tai con của bố mẹ.
Ngực là trung tâm xương và hệ thống hô hấp. Khi bị đánh vào ngực, trẻ có thể bị suy hô hấp, nặng hơn là tử vong ngay lập tức.
Khu vực bụng chứa lục phủ ngũ tạng nên cũng là bộ phận vô cùng nhạy cảm. Với lực tác động mạnh từ bên ngoài, trẻ sẽ bị tổn thương ruột, gan, lá lách và có thể mất mạng nếu không cấp cứu kịp thời vì xuất huyết nội tạng.
Bố mẹ thường nghĩ rằng đánh vào mông sẽ không nguy hiểm cho trẻ bởi mông nhiều mô mỡ nhưng đây lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Các chuyên gia cho biết mông trẻ nhỏ chứa nhiều mạch máu nên khi bị đánh vào mông, trẻ sẽ bị tác động mạnh về thể chất, làm mông bị thâm tím, thậm chí gây xuất huyết, tuần hoàn máu kém. Nặng nề nhất khi đánh con vào mông là gây ra hậu quả vỡ tế bào, suy thận cấp, nguy hiểm tính mạng.
Đặc biệt với các bé trai, những đòn roi hướng vào mông trẻ còn ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, có thể gây tổn thương tinh hoàn và thậm chí là tác động đến cả khả năng sinh sản sau này.
Khi quá giận dữ, bố mẹ hãy tự tìm cách làm cho bản thân bình tĩnh, có thể đi ra ngoài làm một việc gì khác để bớt giận, tuyệt đối không được phép đánh đòn con. Sau khi cơn giận qua đi, bố mẹ và con nên ngồi xuống và trò chuyện trực tiếp vì vấn đề tại sao con không nghe lời, là do bé chưa ngoan hay do bố mẹ đã kì vọng quá nhiều vào con.
Trẻ nhỏ khi bị đánh sẽ càng trở nên lì lợm, hung dữ do bản chất con không hiểu lý do vì sao mình sai. Tất cả những gì bé cảm nhận là sợ chiếc roi và ghét luôn cả người đánh chúng. Lúc này con cần lời giải thích thoả đáng, thậm chí là tự gánh chịu hậu quả nếu phạm sai lầm lần tới... nhưng vì như vậy con mới cần sự đồng hành và yêu thương từ bố mẹ.
Nhiều khi chỉ muốn răn dạy con nhưng bố mẹ vô tình dùng roi đánh vào những bộ phận nhạy cảm sẽ khiến bé gặp nguy hiểm. Đừng để một phút nóng giận mà gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tương lai về sau của con.
(Tổng hợp)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn