Những kết quả khả quan trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

11:21 | 08/12/2023;
Triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc "Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2023.

Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã có hơn 12 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; xây dựng các mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian nhằm duy trì, phát triển các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy văn hóa truyền thống và phong trào văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng; Chủ trì, phối hợp với các địa phương khảo sát và mở các lớp tập huấn và truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số. Các lớp truyền dạy do chính các nghệ nhân - chủ thể nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Những kết quả khả quan trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ chính sách chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được cụ thể hóa bằng những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động, dịch vụ thư viện cho trẻ em và phát triển văn hóa đọc, đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ khoa học Di sản văn hóa hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia…

Các địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ thuộc dự án 6. Các tỉnh đã thực hiện 20 dự án bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống của các dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số; Việc triển khai các nhiệm vụ thuộc dự án 6, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tổ chức Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có công trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số có số dân dưới dưới 10.000 người tại các Ngày hội, liên hoan. Trong khuôn khổ Hội nghị còn có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung ương và địa phương để cùng nhau bàn luận và đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của những dân tộc có số dân rất ít người; qua đó tạo điều kiện cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc dưới 10.000 người đề xuất, góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp với dân tộc mình trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Những kết quả khả quan trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc Nùng bảo tồn nghề truyền thống

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, thông qua đó xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Trên thực tế, hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước nói chung, và vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn nói riêng đã luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội bằng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị phi vật thể của các dân tộc thiểu số Việt Nam được cụ thể hóa bằng những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đồng thời, hướng dẫn các địa phương này xây dựng hồ sơ khoa học Di sản văn hóa hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến nay, 2 Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được UNESCO ghi danh (Thực hành Then Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm). Đối với hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, Cục Di sản văn hóa cũng đang trong quá trình phối hợp, hương dẫn các địa phương có di sản hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong giai đoạn 2019-2023, đã có 121 Di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại 29 tỉnh/thành phố được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được xây dựng Đề án, Dự án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách của UNESCO cũng như Danh mục quốc gia.

Ban hành các văn bản thẩm định, góp ý dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gắn với đồng bào dân tộc thiểu số: Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, các địa điểm di tích phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), đền Quan Trấn Ải và đền Tả Phủ (Lạng Sơn), Công viên Hồ Chí Minh và nhà Hoàng A Tưởng (Lào Cai), Ao Bà Om và chùa Âng (Trà Vinh), Hiệp Thiên Cung (Cần Thơ), Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu và đình An Trạch (Bạc Liêu), tháp Bánh Ít (Bình Định), Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo (Đồng Tháp), Hội quán Hà Chương (Thành phố Hồ Chí Minh), tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận), tháp Chăm Khương Mỹ (Quảng Nam)... - Triển khai thực hiện Dự án tu bổ các nhóm tháp K, H, A thuộc Di sản thế giới Khu Đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 do Chính phủ Ấn Độ tài trợ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, Bộ thường xuyên đôn đốc các cơ sở đào tạo thực hiện mọi chế độ, chính sách dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số như: chế độ cử tuyển, chi trả học phí, học bổng, kinh phí hỗ trợ đi lại trong năm học và học sinh, sinh viên ở lại trường trong dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm tới công tác hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ nguồn lực thông tin cho các tủ sách đồn biên phòng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ hỗ trợ xây dựng tủ sách cho nhiều địa phương ở các tỉnh miền núi có nhiều khó khăn như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Quảng Nam…

Đây là những thành tích rất đáng khích lệ, được cộng đồng người dân tộc thiểu số hưởng ứng và đón nhận rất tích cực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn