Những khả năng cần có với trẻ chuẩn bị vào lớp 1 khi học chương trình mới

20:58 | 24/02/2020;
Trẻ 6 tuổi năm nay bắt đầu được tiếp xúc với chương trình mới khiến nhiều cha mẹ lo lắng không biết dạy con thế nào. Theo TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội), để trẻ có thể tiếp thu được chương trình mới, chắc chắn các con cần có những năng lực sẵn có.

TS Vũ Thu Hương cho biết, trong chương trình mới, một trong những khác biệt là trẻ sẽ được đánh giá năng lực chứ không chỉ kiểm tra khả năng hiểu bài. Năng lực là thứ gì đó hết sức mới mẻ. Để trẻ có thể tiếp thu được chương trình mới, chắc chắn các con cần những năng lực sẵn có.

Trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 nhất định phải có năng lực tự chăm sóc bản thân. Ảnh minh họa

Trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 nhất định phải có năng lực tự chăm sóc bản thân. Ảnh minh họa

1. Năng lực tự chăm sóc bản thân khi ở nhà. Cha mẹ cần nghiêm túc kiểm điểm lại xem các con có khả năng tự chăm sóc bản thân hay chưa: Tự xúc ăn, đói biết lấy đồ ăn ra, biết tắm, biết vệ sinh, biết tự lấy quần áo ra mặc, biết tránh các vật dụng nguy hiểm khi ở nhà một mình...

2. Năng lực phòng tránh và ứng phó khi gặp hiểm nguy. Các bậc cha mẹ chú ý dạy con thoát hiểm. Đây là nội dung vô cùng quan trọng và không thể thiếu được. Dưới đây 1 loạt tình huống khẩn cấp mà cha mẹ cần phải lưu tâm khi dạy con: Bắt cóc xâm hại; Hỏa hoạn; Đuối nước; Bỏng, tai nạn thương tích; Động đất sóng thần; Lũ lụt…

3. Năng lực tự học. Các giáo viên sẽ đánh giá khả năng tự học của con. Nếu con không thể ngồi yên để làm 1 việc gì đó theo kế hoạch trong 1 khoảng thời gian, các bậc cha mẹ nên lập tức dạy con điều này.

4. Năng lực phòng tránh thảm họa. Phòng tránh khác thoát hiểm, vì vậy các bậc cha mẹ cần dạy con tránh luôn khỏi điều xấu có thể đến. Con cần biết ứng xử phù hợp khi bị ai đó đe dọa, bị đeo bám, bị dồn ép… Đừng dạy con phản kháng dữ dội bằng bạo lực. Cha mẹ dạy con khéo léo thoát ra. Cha mẹ đừng xui con mách cô, hãy nói con tự thể hiện sức mạnh của bản thân sao cho kẻ đó hoảng sợ là tốt nhất. 

Ví dụ: Nếu đang đi trên đường mà thấy ai đó đeo bám, con chỉ cần đi thẳng đến chỗ có công an gần nhất con gặp và hỏi đường hoặc kể là con đang thấy có chú/cô kia đi theo con, chú có thể cho con mượn điện thoại để con gọi cho mẹ được không ạ?

Cha mẹ cần dạy con năng lực phòng tránh và ứng phó khi gặp hiểm nguy. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần dạy con năng lực phòng tránh và ứng phó khi gặp hiểm nguy. Ảnh minh họa

5. Năng lực giao tiếp. Các bé đến tuổi đi học là rất cần phải biết giao tiếp lịch sự. Cha mẹ cần kiểm điểm xem cha mẹ đã là tấm gương nghiêm túc về việc này chưa.

6. Thuộc các số điện thoại khẩn cấp. Ngoài số điện thoại của mẹ/ bố/ông/bà… các con cần học thêm các số điện thoại khẩn cấp nữa như: 114 cứu hỏa, 115 cấp cứu, 113 cảnh sát…

7. Khả năng xác định vị trí: Xem bản đồ. Con chưa biết chữ nhưng cha mẹ có thể cho con tập làm quen với bản đồ tối giản có các kí hiệu rõ nét. Đánh dấu nhà mình lại và chỉ cho con cách xác định phương hướng. Cách này vừa phát triển khả năng cảm nhận không gian, vừa giúp trẻ rất nhiều trong khi tìm đường về nhà nếu bị lạc.

8. Năng lực xử lý tình huống. Đó là biết hỏi đường, nhờ vả khi gặp khó khăn. Hoặc khi bị bạn bắt nạt, con giải quyết thế nào. Nếu không có năng lực giải quyết vấn đề, con sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vào lớp 1.

Dạy con hoàn thành công việc được giao là điều vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa

Dạy con hoàn thành công việc được giao là điều vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa

9. Năng lực hoàn thành công việc được giao. Các bậc cha mẹ nên tập cho con thói quen phải hoàn thành tốt công việc được giao. Tuyệt đối không giúp con làm để con quen với việc sẽ có những trách nhiệm phải tự làm một mình và sau này sẽ không mè nheo bố mẹ.

10. Năng lực xã hội thể hiện ở chỗ chơi hòa đồng với bạn bè. Vào lớp 1, con phải làm việc nhóm rất nhiều, học tập thể suốt ngày. Nếu con luôn ích kỉ, đồ chơi không chia sẻ bao giờ, tính nết hay cáu gắt, nhăn nhó, khi vào lớp chắc chắn sẽ bị các bạn tẩy chay. Vì thế, hãy chuẩn bị sẵn cho con những kĩ năng chơi hòa đồng, nhường nhịn bạn bè.

11. Năng lực tự làm các công việc của mình. Năng lực này thể hiện ở khả năng tự thức dậy khi có tiếng chuông đồng hồ. Cha mẹ cần tập cho con dậy sớm và đi ngủ sớm. Thói quen này sẽ vô cùng có lợi cho con khi con bước vào tiểu học.

Cha mẹ hãy chuẩn bị sẵn cho con những kĩ năng chơi hòa đồng, nhường nhịn bạn bè. Ảnh minh họa

Cha mẹ hãy chuẩn bị sẵn cho con những kĩ năng chơi hòa đồng, nhường nhịn bạn bè. Ảnh minh họa

12. Khả năng bảo quản đồ dùng của chính mình. Cha mẹ có thể dạy con kĩ năng chăm sóc đồ bằng việc yêu cầu con tự đeo balo (không mang giúp con), tự sắp đồ trong balo, tự kiểm đồ và nếu mất đồ sẽ bị phạt. Sau vài lần con sẽ rút ra kinh nghiệm và biết cách bảo quản đồ đạc tốt hơn.

13. Năng lực thực hiện những công việc bắt buộc mà mình không yêu thích. Cha mẹ cũng cần yêu cầu con phải thực hiện những gì con phải làm chứ không phải thích làm. Sự khó chịu, bực bội do bị ép buộc sẽ làm trẻ dễ nổi cáu. Giúp trẻ bình tĩnh và kiên nhẫn thực hiện nhiệm vụ khó chịu là cách hay nhất để con chống lại cảm giác chán học sau này.

14. Năng lực vận động. Duy trì 1 môn thể thao yêu thích cho con là cách hay nhất để con phát triển cơ thể hoàn chỉnh, khỏe mạnh. Đồng thời thể thao giúp con xả stress.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn