Chuột dũi trụi lông có tuổi thọ không kém gì cá voi
Thông thường theo quy tắc chung của tự nhiên, mọi động vật có kích thước lớn thường có xu hướng sống lâu, như cá voi sống tới hơn một trăm năm, nhưng sống thêm 3-4 năm ở loài chuột được xem là tương đương với động vật có kích thước khổng lồ. Đó chính là kỷ lục của loài chuột dũi trụi lông, trọng lượng chỉ khoảng bốn ounce (113gam) nhưng lại có tuổi thọ đạt hai con số, 30 năm có dư. Điều đáng chú ý hơn là loài gậm nhấm này không phải chịu tác động suy nhược của lão hóa giống như cách mà các loài động vật khác làm, thậm chí ở độ tuổi này chuột nữ hoàng vẫn có thể sinh con được bình thường.
Đầu thế kỷ 19, nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Đức, Eduard Ruppell đã trở thành nhà khoa học phương Tây đầu tiên ghi lại sự tồn tại của chuột dũi trụi lông. Sự xuất hiện kỳ lạ của con vật đã khiến Ruppell nghi ngờ nó có thể mắc những căn bệnh khủng khiếp. Nhưng thực tế, chuột dũi trụi lông lại hoàn toàn bình thường, chính vẻ ngoài kỳ quái đã giúp nó thích nghi hoàn hảo với môi trường xung quanh. Ví dụ, do trụi lông và da xệ, nhăn nheo nên chúng gần như “miễn nhiễm”, không bị ký sinh trùng tấn công.
Trụi lông còn cho phép chúng lăn lộn trong tất cả các môi trường, và khi bị tấn công có thể xoay 180 độ trong các đường hầm kín và nhỏ hẹp, chạy lùi nhanh giống như khi chạy tiến. Chưa hết, đôi mắt tròn xoe, nhỏ tí của chúng gần như là để trang trí và hoàn toàn vô dụng, thay vào đó, chúng có khả năng cảm nhận được môi trường của mùi thông qua khứu giác và thính giác cực kỳ nhạy bén bởi các “cảm biến” siêu nhạy ở răng nhô ra. Những chiếc răng này, tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời, không chỉ được dùng để làm công cụ đào bới thức ăn, làm tổ, thậm chí chúng có thể di chuyển độc lập với nhau, giống như một đôi đũa.
Chuột dũi trụi lông “miễn nhiễm” với ung thư
Hiện nay, có khoảng 7,6 triệu người chết vì ung thư mỗi năm, khiến ung thư trở thành một trong những kẻ giết người lớn nhất trên toàn thế giới. Hầu hết các loài động vật đều bị ung thư, thậm chí còn dễ mắc bệnh hơn cả con người. Tuy nhiên, chuột dũi trụi lông lại là một ngoại lệ. Khoa học đã nỗ lực hết sức để buộc loài vật này mắc bệnh như dùng phóng xạ, bôi chất gây ung thư lên da và nhiều cách khác nhưng đều không hiệu quả.
Nguyên nhân của sự kháng ung thư của chuột dũi thật đáng kinh ngạc, rất có thể là do chuột dũi trụi lông có mức độ một chất có tên HMW HA (Molecular weight hyaluronan) trong mô rất cao. Hợp chất mang đường này đã giúp chuột dũi có cơ thể dẻo dai, linh hoạt, đặt biệt là khả năng đàn hồi cơ thể rất cao, giúp chúng di chuyển trong các đường hầm hẹp, đồng thời giúp chúng chống lại ung thư hiệu quả. Gần đây người ta phát hiện thấy hai con chuột chũi thuộc hai địa danh khác nhau đã phát triển khối u, nhưng đây chỉ là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, song khả năng phục hồi của chúng vẫn là vô song trong các loài động vật nói chung là động vật có vú nói riêng.
Với sự trao đổi chất vượt trội, tuổi thọ và khả năng chống ung thư, chuột dũi còn là loài vật “miễn nhiễm với đau thể xác”. Trong một nghiên cứu năm 2008, axit được bôi trực tiếp lên da của một vài con chuột dũi trụi lông. Bất kỳ động vật có vú nào đều bị đau đớn, nhưng loài gặm nhấm này dường như vô sự, không hề thấy đau. Thật kỳ lạ, chuột dũi trụi lông sở hữu các thụ thể cảm nhận đau giống như các động vật có vú khác như chúng lại thiếu chất dẫn truyền thần kinh để đưa tín hiệu đau lên não bộ. Điều này giúp chúng miễn dịch với nhiều loại đau thể xác. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết cơ chế này một khi chúng phơi nhiễm trước môi trường nguy hiểm. Cuối cùng, khoa học cũng “bẻ khóa” được một phần bí mật. Hóa ra, chuột dũi trụi lông vẫn cảm thấy đau giống như các động vật có vú khác khi còn nhỏ nhưng đến khi trưởng thành thì khả năng này bỗng dưng biến mất.
Khả năng sinh sản và sinh tồn đặc biệt
Có hơn 80 loài chuột dũi khác nhau, nhưng chuột dũi trụi lông có liên quan khá mật thiết với loài nhím, sóc Nam Mỹ và chuột lang nhưng khả năng sinh tồn và sinh sản của chuột dũi trụi lông rất đặc biệt. Các nhà khoa học đã kiểm tra tinh trùng loài chuột này và phát hiện thấy có nhiều điểm kỳ lạ như chất lượng cực kỳ kém, số lượng thấp, nhiều tinh trùng lẻ bị biến dạng và chỉ có từ 1-15% tinh trùng có thể bơi được. Trong số những tinh trùng hoạt động này, chỉ có 1 % được xem là có khả năng bơi tương đối mạnh nhưng cũng chỉ đạt tốc độ 35 micromet/giây, chậm hơn so với bất kỳ tình trùng của các loài động vật có vú khác.Mặc dù chất lượng tinh trùng khá tệ, và có thể dẫn đến vô sinh nếu ở các loài khác, nhưng ở chuột dũi trụi lông lại vô sự, chúng vẫn sinh ra những con chuột non khỏe mạnh với số lượng đáng kể. Nữ hoàng chuột dũi trụi lông sẽ dành gần như toàn bộ cuộc đời của mình để mang thai, sinh con, có thể cho ra đời tới 30 con một lứa, và sẽ vẫn có khả năng sinh sản ngay cả khi đã già.
Giống như loài kiến, mối và ong, trong thế giới chuột dũi trụi lông cũng có nữ hoàng. Chúng được sinh ra để đảm nhận nhiệm vụ duy nhất là sinh đẻ, duy trì nòi giống. Mặc dù khi còn sống, khỏe mạnh, chuột dũi nữ hoàng không chỉ là thủ lĩnh, nhưng một khi chết, hoặc tỏ ra yếu đuối thì những con chuột cái khác sẽ giành ngôi vị ngay.
Đây là một cuộc chiến cực kỳ nguy hiểm. Theo đó, khi nữ hoàng sắp bị truất phế, một cuộc chiến của 3 con cái khỏe mạnh nhất đàn sẽ diễn ra để loại nhau. Bộ ba có thể bị thương nghiêm trọng, thậm chí chết cả nhưng nếu 1 còn sống thì nồng độ hoóc môn nữ hoàng mới sẽ tăng lên, cho phép nó trở thành máy đẻ cho tới hết đời.
Theo quy luật, con người sẽ gặp rắc rối chỉ sau 1-5 phút nếu không có oxy. Sau 10 phút, có thể tử vong hoặc tổn thương do não không hồi phục. Nhưng ở chuột dũi, nhu cầu oxy ít khẩn cấp hơn. Không khí được tạo thành từ khoảng 20% oxy, nhưng trong các đường hầm đông đúc, những con vật này vẫn sống khỏe. Ngay cả khi thiếu oxy hoàn toàn, chuột dũi vẫn tồn tại nhờ cơ thể nó chuyển vào trạng thái như thể bị thôi miên (catatonic), sống sót trong thời gian dài tới 18 phút, hồi phục hoàn toàn và không bị ảnh hưởng xấu trước khi oxy có trở lại.
Chuột dũi trụi lông sở hữu một cơ chế rất khác thường. Hệ thống cung cấp năng lượng dựa trên glucose đều phải cần tới oxy, nhưng chuột dũi chuyển sang hệ thống dựa trên fructose mà không cần tới oxy. Sử dụng fructose để sản xuất năng lượng là quy trình tiêu chuẩn cho cây trồng và trong vương quốc động vật không hề có cơ chế này, kể cả loài vật có vú, nhưng với chuột dũi lại có nên chúng có thể tồn tại trong môi trường thiếu oxy rất dài, bí ẩn này khoa học vẫn chưa hiểu hết.