Phụ nữ và chuyện tiền nong luôn là 1 vấn đề "nóng" mà lúc nào cũng cần được quan tâm mà trong đó, việc chi tiêu thế nào cho hợp lý vốn dĩ chẳng bao giờ là đơn giản; dù rằng sau đó chúng ta có thể "hiện thực hoá" được vô vàn những ước mơ, hoài bão nhờ có tiền.
Có những người phụ nữ bị cảm xúc chi phối mà dẫn tới thói quen mua sắm bốc đồng. Cũng có những người phụ nữ vì "tính nhầm 1 ly" mà "bay luôn tiền triệu". Hãy cùng trò chuyện với các nhân vật dưới đây để lắng nghe về những lần chi tiền khiến họ cảm thấy vô cùng hối hận kể từ đầu năm 2022 đến giờ.
- Hải My (31 tuổi, đã có gia đình, hiện đang là nhân viên ngân hàng tại TP.HCM): 20 triệu đồng để mua gấu handmade.
- Thanh Mai (28 tuổi, độc thân, hiện đang là chuyên viên truyền thông, Nghệ An): 10 triệu đồng mua nến thơm.
- Hồng Hạnh (28 tuổi, đã có gia đình, hiện đang là nhân viên văn phòng, Hải Dương): 5 triệu đồng để mua bình sữa cho con.
- Linh Chi (34 tuổi, đã có gia đình, hiện đang là nhân viên kinh doanh, Hòa Bình): "Không tính hết được" đã chi bao nhiêu tiền để mua quần áo.
- Hải My (31 tuổi, nhân viên ngân hàng tại TP.HCM): Vì đam mê những món đồ nhỏ xinh để trang trí nhà cửa, phòng ốc, Hải My đã chi 20 triệu đồng chỉ để mua những chú gấu handmade như thế này.
Lúc mua thì thích, nhưng mua về lại thấy không có tác dụng gì ngoài sự xinh xắn là lý do khiến My cảm thấy hối tiếc khi nhìn lại số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.
"Tôi thích những thứ nhỏ xinh, càng yêu những món đồ handmade. Vì chúng độc lạ, mà người bán còn làm theo sở thích của mình nữa. Mỗi chú gấu như thế này có giá từ 150 đến 250k, có con đắt hơn 1 chút. Thực ra, nếu chỉ mua 1 vài con thì không thấy có vấn đề gì cả. Nhưng không hiểu sao càng mua tôi lại càng thích, riết rồi nhà đầy ắp 1 tủ lúc nào không biết. Cứ bày khắp trên mặt bàn làm việc rồi tủ kính, kệ đựng đồ ngay đầu giường nhìn trông cũng xinh xắn lắm!" - Hải My nói.
Dù chỉ để ở trong nhà nhưng được 1 thời gian thì bụi bám không thể làm sạch như ban đầu nên My bắt đầu suy nghĩ về số tiền đã bỏ ra để sở hữu những chú gấu này.
- Thanh Mai (28 tuổi, chuyên viên truyền thông, Nghệ An): Yêu mùi hương và hơi ấm của nến, đặc biệt trong những ngày đông nên Mai không tiếc tiền mua rất nhiều nến, của các thương hiệu khác nhau.
"Hình thành thói quen từ khi còn đi du học ở Canada, đến giờ đã về Việt Nam được hơn 1 năm nhưng tôi vẫn thường xuyên mua nến. Mỗi mùi hương của mỗi hãng lại có 1 đặc trưng riêng, chưa kể còn có hình dáng khác nhau, phù hợp cho từng dịp, từng ngày luôn.
Vì thế mà mình thích và mua nến nhiều lắm. Có đợt đi 1 lần mua luôn 4 triệu tiền nến và các dụng cụ để "phục vụ" sở thích này, tôi vẫn cảm thấy muốn mua tiếp.
Nhưng cũng bởi mua nhiều thế nên có những cây nến vẫn còn nằm nguyên trong hộc tủ. Thế rồi, cho đến 1 hôm dọn nhà để chuyển phòng, nhìn lại đống nến ngổn ngang, hộp thì đang đốt dở, hộp còn nguyên, bám bụi và mùi hương cũng nhạt dần, chẳng còn thấy gì hết.
Phải vứt bỏ để lấy chỗ mang theo những đồ khác khi chuyển phòng cho đỡ cực mới thấy lãng phí tiền của dã man!" - Mai chia sẻ.
Hồng Hạnh (28 tuổi, nhân viên văn phòng, Hải Dương): Là mẹ bỉm sữa, sở thích cũng như sự quan tâm của Hạnh chỉ xoay vần quanh những vấn đề về con cái.
"Kể từ khi lập gia đình, tôi bắt đầu biết tính toán và học cách tiết kiệm chi tiêu hơn. 2 vợ chồng mới có con nên những tháng đầu cũng chật vật với hành trình này lắm.
Tôi nhớ có lần định mua bình sữa có mức giá trung bình cho con để tiết kiệm. Thiết nghĩ, chỉ cần vậy là đủ. Nhưng không, con tôi không thích, nó nhất quyết không chịu dùng bình đó. Thế là lại đổi sang 1 loại khác, nhưng vẫn không dám "xuống tiền" mua loại xịn hơn.
Thoắt 1 cái bay luôn 5 triệu mới tìm ra bình sữa phù hợp cho con. Khoảnh khắc đó, tôi biết mình đã chi tiêu sai lầm, lãng phí tiền bạc rồi!" - Hồng Hạnh tâm sự.
Giống như nhiều người phụ nữ có đam mê mua sắm, Linh Chi (34 tuổi, nhân viên kinh doanh, Hòa Bình) cũng mạnh tay chi tiền mua quần áo liên tục: Chi đi shopping hàng tuần, nhưng vẫn liên tục "chốt đơn" mỗi ngày trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Cứ có đồ xinh là "múc".
"Thực sự tôi không nhớ được từ đầu năm đến giờ mình đã chi bao nhiêu tiền cho việc mua quần áo. Thế nhưng, có 1 điều lạ là dù quần áo đầy chặt các ngăn tủ với đủ thể loại từ style công sở cho tới quyến rũ, chỉ hợp đi tiệc... Nhiều đến nỗi có cố gắng xếp gọn lại đến mấy cũng không thể vì cứ trống chỗ nào tôi lại nhét đồ vào chỗ đó. Ấy thế nhưng, mỗi lần cần đi đâu đó, tôi vẫn cảm thấy dường như... chẳng có gì để mặc.
Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn vào những lúc túng thiếu, không đủ tiền chi cho các khoản thật sự cần thiết. Đỉnh điểm, có hôm lục trong tủ quần áo mới thấy còn rất nhiều quần áo thậm chí còn chưa cắt tem mác đang nằm nguyên dưới đáy tủ..." - Linh Chi nói.
Tủ quần áo của Linh Chi.
Niềm vui từ mua sắm bốc đồng là thực, nhưng nó sẽ nhanh qua một khi ta nhận ra mình vừa lãng phí tiền mồ hôi nước mắt cho những điều phù phiếm. Nhưng gần như, chỉ có khi nào chúng ta thực sự mắc phải sai lầm này, chúng ta mới có thể thức tỉnh để rút ra cho mình những bài học "xương máu".
Với 4 người phụ nữ trong các câu chuyện kể trên cũng thế, cả 4 đều đã có nhiều sự thay đổi đáng kể cho việc quản lý tài chính và chi tiêu cá nhân.
Cụ thể, Hồng Hạnh cho biết, ngay từ sau lần đó, Hạnh đã học cách tính toán và tìm hiểu kỹ hơn về mọi thông tin liên quan đến sản phẩm trước khi mua (không chỉ còn là giá cả).
"Có những thứ mình có thể mua rẻ được, ví dụ như vài ba đôi tất, bịch giấy lau tay. Nhưng có những thứ thì không, nhất là những đồ dành cho trẻ em." - Hạnh nhấn mạnh.
Còn Linh Chi thì khác, cô bạn cho rằng vẫn duy trì đam mê mua sắm nhưng đã biết giữ chừng mực hơn. Để đảm bảo có khoản dư, phòng bất trắc, cô bạn cũng học cách duy trì thói quen gửi tiết kiệm ngân hàng mỗi tháng.
Vài tháng trở lại đây, mỗi khi nhận lương, Linh Chi lập tức chuyển 40% vào tài khoản tiết kiệm. 60% giữ nguyên trong tài khoản dùng để chi tiêu cho các chi phí sinh hoạt, bao gồm: ăn uống, xăng xe và mua sắm cho gia đình...
Hiện tại, cô cũng đang cân nhắc dành thêm 1 khoản cho dự định kinh doanh sắp tới.
Bên cạnh đó, Thanh Mai cũng hạn chế tới mức tối đa việc chi tiền để mua nến.
"Khác với trước đây, bây giờ tôi chỉ ưu tiên mua nến khi có dịp nào đó hoặc mùi hương nào đó khiến mình rất yêu thích. Tôi bắt đầu chuyển qua ưu tiên tính ứng dụng của món đồ mình mua thay vì đam mê phù phiếm như trước. Tính ra, bây giờ tôi chỉ dành tối đa 500k để mua nến. Có những tháng tôi không mua thêm nếu nến cũ chưa hết." - Mai chia sẻ.
* Bài viết ghi lại theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn