Sau khi giá xăng dầu được Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh vào 15h chiều nay (11/3), lượng người đến đổ xăng tại các cây xăng trong tình trạng thưa thớt. Lý do này được cho là người dân đã biết trước xăng sẽ tăng giá và đã đi đổ từ tối qua hoặc sáng nay.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (tài xế taxi) cho biết, mấy ngày trước anh nghe được thông tin giá xăng sẽ tăng mạnh vào hôm nay. Do làm nghề dịch vụ phải di chuyển liên tục nên dù đã đổ xăng đầy bình vào tối qua nhưng hôm nay anh vẫn phải đổ thêm.
"Hôm qua tôi đổ đầy bình hết 1,1 triệu đồng. Còn đến chiều nay đổ đầy bình hết 1,3 triệu đồng", anh Tuấn nói và cho biết, giá dịch vụ cho mỗi cuốc xe vẫn không thay đổi mặc dù xăng tăng.
Nhân viên cây xăng trên đường Trần Quang Khải (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, sau khi giá xăng tăng chạm ngưỡng gần 30.000 đồng/lít, lượng khách đến mua giảm hẳn nên nhân viên đã chia nhau ra nghỉ ngơi vì tối qua và sáng nay phải phục vụ liên tục nên rất mệt mỏi.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trước xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như vậy, trong khi đó công cụ Quỹ bình ổn giá không còn nhiều, để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương và nhiều chuyên gia kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu.
Theo dự thảo, mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít, giảm 2.000 đồng so với mức hiện hành; dầu diesel, dầu madut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn