- Những năm qua, nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc đảm bảo cơ hội cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý; tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- TS Phan Thuận: Bằng sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, hoạt động xây dựng ban hành và thực thi chính sách bình đẳng giới được triển khai một cách nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả, như tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy từ cấp tỉnh trở xuống là tăng so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026 là cao nhất từ sau năm 1976; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp chiếm dưới 30% nhưng đang có xu hướng tăng lên so với nhiệm kỳ trước.
Mặc dù vậy, thực hiện chính sách bình đẳng giới trong chính trị còn một số khoảng trống, cụ thể:
Về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhiều chỉ tiêu về đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được quy định cụ thể tại Nghị quyết 11-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030. Luật bình đẳng giới (2006) cũng đã quy định nam nữ bình đẳng trong lĩnh vực chính trị. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới trong tham chính. Đảng ta cũng đã chỉ đạo là phải "tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia vào cấp uỷ và bộ máy quản lý nhà nước".
Thực tế của kết quả thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa được như kỳ vọng. Nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp còn hạn chế; vẫn còn sự khác biệt giới trong việc hỗ trợ nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Nhìn chung, vẫn còn khoảng trống giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách quy hoạch, bổ nhiệm, cho nên phụ nữ bất lợi hơn trong bố trí các vị trí chủ chốt.
Theo TS Phan Thuận, các vị trí lãnh đạo, cán bộ lãnh đạo và cấp uỷ có nữ tham gia... vẫn chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, tại nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng ở cấp Trung ương là 8,5%; cấp tỉnh là 16,0%; cấp huyện là 20,1% và cấp xã là 25,6%. Nhìn chung, tỷ lệ này tăng so với các nhiệm kỳ trước đó.
Bên cạnh đó, còn khoảng trống trong đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ. Từ thực tế như ở Kiên Giang, trong 10 năm (2007-2017), chỉ có 37,19% cán bộ nữ được đào tạo lý luận chính trị. Càng ở bậc đào tạo lý luận chính trị càng cao thì tỷ lệ nữ được đào tạo càng thấp (cao cấp, cử nhân chiếm 21,70%; trung cấp chiếm 36,04%; sơ cấp chiếm 42,17%. Tỷ lệ cán bộ nữ ở thành phố Cần Thơ tham gia các khóa đào tạo các lớp cao cấp lý luận chính trị chỉ đạt 32,96% trên tổng số cán bộ được cử đi học. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước, cán bộ nữ ít tham gia bồi dưỡng ở ngạch quản lý nhà nước được qua đào tạo bồi dưỡng lại càng thấp.
Trong đó, tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn thì cán bộ nữ có nhiều cơ hội hơn; trong khi đó, đào tạo chuyên môn nước ngoài thì rất ít cơ hội; bậc đào tạo lý luận chính trị càng cao thì cán bộ nữ thấp hơn so với nam giới. Như vậy, thực tiễn cho thấy trong quá trình thực hiện chính sách và thực thi chính sách đối với cơ hội đào tạo của cán bộ nữ vẫn còn khoảng trống. Đây chính là yếu tố ảnh hưởng đến sự thăng tiến trên con đường chức nghiệp của nữ giới hiện nay.
- Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì và cần có những giải pháp căn cơ nào để nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ?
- TS Phan Thuận: Có một số nguyên nhân như: Sự bất cập của các quy định đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Một trong những quy định đã tạo ra rào cản đối với sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ là quy định tuổi hưu. Bởi lẽ, mọi quy định trong công tác cán bộ liên quan đến tuổi hưu.
Theo TS Phan Thuận, khoảng cách giới trong các ủy ban Quốc hội cho thấy cán cân quyền lực vẫn thuộc về nam giới. Nữ giới tham gia vào các Hội đồng Dân tộc (51,4%), và Ủy ban xã hội (43,9%), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng (48,6%).
Trong khi đó, các ủy ban quyền lực hơn như Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính và Ngân sách thì ít tham gia, tỷ lệ này lần lượt là 6,25%, 8,8% và 15,2%. Về các vị trí lãnh đạo các Ủy ban, 8/10 ủy ban do nam giới lãnh đạo (trừ Ủy ban Tư pháp và UBXH) và đa số nam giới giữ vị trí Phó Chủ nhiệm của các ủy ban (Autralian Aid, ADB, ILO và UW, 2021: tr 159).
Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp vẫn chưa đạt được so với chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
Các quy định vẫn chưa thể hiện sự nhạy cảm giới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển; các tiêu chí vẫn còn mang tính định tính; các tiêu chí chưa thể hiện tính quyết tâm trong thực hiện như vẫn còn sử dụng các cụm từ rất mềm "phấn đấu"; sự bất cập giữa quy định trong Luật bầu cử hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội với kết quả thực hiện tỷ lệ nữ trong các cơ quan này.
Đặc biệt, định kiến giới về năng lực của nữ giới vẫn còn hiệu hữu trong nhận thức của bộ phận người dân và cán bộ, đây là rào cản đối với cán bộ nữ, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu.
Ngoài ra còn có nguyên nhân từ nguồn lực thúc đẩy bình đẳng giới chưa đủ mạnh để thực hiện chính sách liên quan đến bình đẳng giới và chủ thế thực hiện bình đẳng giới có tính chịu trách nhiệm vẫn còn hạn chế. Đồng thời, cấp ủy Đảng các cấp thiếu sự thống nhất về quyết tâm chính trị, quyền địa phương và nhận thức của cộng đồng về tăng cường tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới còn hạn chế.
Từ thực trạng trên, tôi đề xuất một số nội dung để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bình đẳng giới trong thời gian tới, góp phần đảm bảo quyền tham chính của phụ nữ, cụ thể:
Thứ nhất, phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các quy định đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Sự quan tâm hoặc thiếu quan tâm của người đứng đầu đều tác động mạnh mẽ đến kết quả thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Do đó, cần đưa các "tiêu chí kiến thức bình đẳng giới trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch là rất cần thiết", qua đó khiến lãnh đạo, người đứng đầu hiểu và quan tâm đến bình đẳng giới hơn.
Thứ hai, cần thể hiện qua các kế hoạch hành động và việc làm cụ thể đối với sự tham chính của nữ giới thông qua cụ thể hóa của việc thực hiện các cam kết chính trị. Trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước. Các cấp, các ngành xây dựng các chương trình, hành động về thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện cơ quan đơn vị, địa phương của mình. Các kế hoạch, chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cần được tích cực lồng ghép giới
Thứ ba, rà soát và hoàn thiện các quy định thiếu tính nhạy cảm giới. Để làm được điều này, trước hết nghiên cứu một cách nghiêm túc các quy định liên quan đến bình đẳng giới và đánh giá tác động của quy định đó đến thực hiện đảm bảo cơ hội cho cán bộ nữ. Rà soát những quy định chưa thể hiện tính quyết tâm trong thực hiện bình đẳng giới; tăng cường phối hợp giữa các bên có liên quan trong xây dựng và thực hiện các quy định liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Tích cực lồng ghép giới trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Các tiêu chí liên quan bình đẳng giới cần được cụ thể và lượng hóa hơn.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ. Phát huy vai trò của các tổ chức có liên quan có chức năng giám sát trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Thứ năm, truyền thông bình đẳng giới để xóa bỏ định kiến giới. Đa dạng hóa các phương thức truyền thông bình đẳng giới đến với mọi tầng lớp nhân dân, bởi định kiến giới của cử tri là rào cản đối với sự tham gia vào các cơ quan dân cử của phụ nữ.
- Xin cảm ơn ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn