Những khoảnh khắc bất lực, tuyệt vọng khi chăm con tự kỷ mùa Covid-19

19:02 | 09/04/2020;
Đối với 1 đứa trẻ bình thường, dạy dỗ đã vất vả, huống chi là trẻ tự kỷ nghỉ học cả mùa Covid-19 quá lâu, con ở nhà phát sinh nhiều hành vi không làm chủ bản thân, khiến không ít cha mẹ cảm thấy bất lực, tuyệt vọng, có lúc muốn phát điên vì con.

Chị Nguyễn Thuý Hà (Lào Cai) tâm sự: "Con em 3 tuổi rồi vẫn chưa nói được từ nào, giờ con ở nhà với mẹ suốt ngày ăn vạ, không chịu hợp tác. Nếu không vừa ý chuyện gì là con bỏ chạy ra sân, ra vườn, ra cổng". Hà cho biết: "Trước đây, em đã cho con đi can thiệp được 7 tháng, con cũng có nhiều tiến bộ, nhưng đợt này con phải nghỉ dịch lâu quá, chắc em cũng sắp muốn phát điên vì phải nghỉ làm không lương ở nhà trông con". Chị Hà kể, mấy tuần đầu nghỉ dịch, chị còn cố gắng nhẫn nhịn mọi hành vi của con nhưng 2 - 3 tuần nay, chị cảm thấy quá sức chịu đựng với con. 

Phát điên vì chăm con tự kỷ mùa Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

"Đợt này em tự dưng sinh ra cái tính ném đồ mỗi lần con hư. Có hôm em ném vỡ cả cái đĩa sứ. Có hôm em đang rửa bát thì tiện tay ném cả bó đũa vào người con. Em không hiểu trước đây các cô ở trung tâm dạy và khen con tiến bộ thế nào, mà sao em là mẹ, lại quá chán nản khi cả ngày, cả đêm phải dạy bảo, chấn chỉnh con. Em biết mình sai, tại em căng thẳng quá khi ở nhà với con dài ngày, em chỉ mong hết dịch để con đi học lại thôi" – Hà nói.

Mẹ Lê Hằng (Hà Nam) chia sẻ: "Em lo quá, bé nhà em hơn 2 tuổi, có các dấu hiệu của tự kỷ. Em đã đi test cho con và có kế hoạch can thiệp cả ngày cho con ở trung tâm. Vậy mà chưa kịp đi can thiệp, con lại phải nghỉ dịch quá dài ngày. Điều em lo lắng nhất là đang dần mất đi giai đoạn vàng can thiệp của con. Hơn nữa, em rất sốt ruột vì muốn đi làm kiếm tiền cho con đi can thiệp, vậy mà hiện tại em vẫn ở nhà trông con, dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc. Công việc của em bấp bênh, không ổn định thì làm sao đủ tiền cứu con tự kỷ?". Hằng cho biết, có lần chị đã hỏi thuê một cô giáo về dạy con tại nhà, 1h mất 100 nghìn đồng, nhưng cô giáo chỉ dạy 1 giờ, thì các giờ khác ai trông con cho chị đi làm. "Em không biết phải làm gì để giúp con, vì đã cố gắng dành thời gian chơi với con, tìm hiểu cách dạy con, nhưng em thấy con không tiến bộ. Em cầu trời cho mau hết dịch, để cho con được đi can thiệp sớm, không bỏ lỡ giai đoạn vàng của con".

Với mẹ Bùi Hải Thương (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lại chỉ muốn kêu trời, khi chị nhiều lần phải khóc, rồi lại cười cùng con 4 tuổi bị tăng động nhiều suốt cả mùa dịch Covid-19. "Gần xóm có nhà phải cách ly tại nhà vì có người đi nước ngoài về, ai cũng e dè phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Thậm chí nhiều nhà chỉ giữ con ở trong nhà, nhưng con nhà em hễ cứ xểnh cái là mở cửa chạy ra sân, ra đường. Không ít lần em phải tìm con trong hoảng loạn, nhờ cả xóm hô hoán đi tìm, vừa lo con đi đâu mất, vừa lo con không hiểu gì về dịch Covid -19 để tránh. May là bác hàng xóm thấy con chạy theo một đám ma vừa đi ngang xóm, nên đã dắt con về giúp. Thật là hú hồn". 

Chị Hải Thương cho biết thêm: Đợt đầu mùa dịch, em vẫn chưa được nghỉ làm, nên phải đưa con về quê ngoại. Lúc bà đang cho con và cậu em họ ăn bữa chiều tối ở cổng, nhoằng cái đã không ai thấy con đâu. Mọi người hốt hoảng chia nhau ra tìm. Trời bắt đầu xẩm tối, xung quanh nhiều bụi cây, hố sâu, ao cá. Em nghe tin mà muốn rụng tim vì lo con mất tích. May lúc sau bác hàng xóm kêu lên thấy thằng bé đang nghịch ở gần ruộng nhà bà ấy. Về hỏi, hóa ra con chạy theo xe máy vừa đi qua cổng.

Phát điên vì chăm con tự kỷ mùa Covid-19 - Ảnh 2.

Hải Thương tâm sự: "Sau trận bà ngoại tìm con hụt hơi, lo cho an toàn của con, em về quê đón con về. Em giận con quá, nên đã nhiều lần đánh con rất đau. Con khóc, mẹ cùng khóc. Lúc bình tĩnh lại, em nghĩ thực ra đều là lỗi ở người lớn, chứ con vốn đã thế, có đánh đau mấy, chửi mắng mấy cũng vô ích, con vẫn không hề biết sợ".

Trên một diễn đàn xã hội dành cho cha mẹ VIP, rất nhiều người thừa nhận, chăm trẻ Vip trong mùa dịch thực sự quá tải với hầu hết các bậc cha mẹ. Bởi trẻ Vip không làm chủ được hành vi, lại chỉ loanh quanh không gian có hạn trong nhà để tránh dịch, nếu cha mẹ không tự trấn tĩnh, không có đủ bình tĩnh, tỉnh táo chăm con, thì sẽ còn nhiều lần muốn phát điên vì con. Hơn ai hết, các cha mẹ Vip cầu mong nhanh hết dịch để con được đi học, được can thiệp để tiến bộ từng ngày. Dẫu vậy, mọi sự vất vả đó cũng chẳng nhằm nhò gì khi các cha mẹ Vip nghĩ về tương lai của các con sau này. Song dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình thương và ước mơ của cha mẹ Vip vẫn là bước đệm vững chắc nhất, giúp các con hoàn thiện trên bước đường hoà nhập cùng bạn bè và xã hội.


Theo các chuyên gia thuộc dự án A365 - Chăm sóc thông minh cho trẻ, với những trẻ đã xác định có rối loạn phổ tự kỷ, biện pháp tốt nhất là kiên trì chăm sóc, giáo dục theo phương thức chuyên biệt do các chuyên gia về tự kỷ tư vấn. A365 cung cấp cho các gia đình có con nhỏ bộ công cụ theo dõi phát triển toàn diện cho mọi trẻ em từ 01 đến 66 tháng tuổi - ASQ-3 miễn phí trên website https://a365.vn/theo-doi-phat-trien cùng nhiều nội dung hữu ích, giúp cha mẹ cải thiện các giải pháp chăm sóc con hiệu quả để cha mẹ yên tâm, kiên trì đồng hành đúng cách cùng trẻ tự kỷ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn