Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (ngụ xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) gặp không ít khó khăn với nguồn thu nhập thấp từ việc bán đồ ăn sáng. Sau đó, được người thân giới thiệu về nghề làm hủ tiếu, bún gạo khô, chị Hiền đã mạnh dạn đăng ký với Hội LHPN xã khởi nghiệp với nghề này. Chị được Hội hỗ trợ vay vốn với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư máy móc phục vụ việc chế biến. Để có những sản phẩm đạt chất lượng cao, chị Hiền quyết định chọn nguyên liệu sản xuất là gạo Hàm Châu ở Cà Mau, không dùng phụ gia, chất làm dai, giòn… nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, đến nay, các sản phẩm do chị Hiền sản xuất được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Không chỉ tạo thu nhập cao cho gia đình, cơ sở của chị hiện còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Hiền cho biết, thời gian tới, chị sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất cũng như giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa.
Trong khi đó, được sự hỗ trợ của Hội LHPN cùng với các đơn vị về nguồn vốn, chị Nguyễn Thị Bích Phương (ngụ tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang) cũng đã khởi nghiệp thành công với nghề may gia công. Hiện cơ sở may của chị Phương có 17 máy may, tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá của Hội LHPN xã Đông Thạnh, xưởng may gia công của chị Phương làm việc rất hiệu quả. Hội luôn tạo điều kiện hỗ trợ chị về nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc cũng như kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hội LHPN tỉnh Kiên Giang cho biết, thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939), Hội đã phối hợp với các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cũng như hỗ trợ kết nối cung-cầu, tiêu thụ sản phẩm thông qua phối hợp tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, qua 6 năm triển khai Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã rút ra một số kinh nghiệm trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công. Cụ thể, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, phối hợp chặt chẽ trong triển khai tổ chức thực hiện, khảo sát nhu cầu của phụ nữ có ý tưởng kinh doanh và nhóm đối tượng phụ nữ tiềm năng. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh chú trọng các hoạt động tập huấn quán triệt sâu rộng trong các cấp Hội để nắm rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, định hướng rút kinh nghiệm. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong nhiều lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đa dạng hóa nguồn lực trong triển khai thực hiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…
Thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục tổ chức triển khai tới cán bộ Hội các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện Đề án 939; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về vấn đề việc làm, khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh do phụ nữ quản lý, làm chủ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn