Những kỷ niệm đặc biệt trong đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

08:00 | 25/08/2021;
Cho đến bây giờ, sau 38 năm 3 tháng công tác, ngày 1/3/2021 tôi nhận quyết định nghỉ hưu, tôi vẫn thấy điều đặc biệt nhất trong cuộc đời, là tôi đã rất may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Đại tướng lừng danh, sinh ra ở quê hương Quảng Bình yêu dấu.

Đó là một buổi sáng cuối tháng 3 năm 1985, tôi được lãnh đạo Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế phân công dẫn đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi tham quan Huế, nhân dịp Đại tướng vào dự lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng Thành phố Huế. 

Nhận nhiệm vụ từ chiều hôm trước mà tôi cứ suy nghĩ không biết khi gặp Bác Giáp mình sẽ làm gì. Sáng hôm sau, tôi đạp xe về Khu biệt thự Thuận An, đúng giờ tôi bước vào phòng, vừa ngỡ ngàng, vừa xúc động khi thấy Bác Giáp gương mặt phúc hậu phương phi, mái tóc bạc, đang ngồi như một ông tiên. Tôi nhẹ nhàng bước đến gần, thưa Bác: Cháu được cơ quan phân công đến dẫn đoàn của Bác đi tham quan di tích Huế. Và tôi nhận được một câu nói rất ấm áp từ Bác: Cháu dẫn chị Hồng Anh đi tham quan nhé. 

Thế là đoàn của Bác Giáp chỉ có hai chị em, chúng tôi rong ruổi các di tích Huế cùng nhau suốt hai ngày rưỡi. Xong việc, tôi chào chị Võ Hồng Anh với tư cách một cán bộ hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao. Tôi không ngờ, từ cái duyên được gặp nhau lần đầu đó, chị em tôi luôn giữ liên lạc với nhau và chị gọi tôi bằng tên gọi thân thương "em gái quê hương". Cũng qua chị Hồng Anh tôi được gần gũi với Bác Giáp, bác Hà và các anh chị trong gia đình Bác. Năm 1992, tôi ra Hà Nội học 2 tháng nghiệp vụ công tác Hội, được chị Hồng Anh mời về nhà 30 Hoàng Diệu ăn cơm cùng chị, sau đó là nhiều lần tôi được gặp Bác Giáp ở 30 Hoàng Diệu và những lần Bác về thăm quê. Lần nào được gặp Bác, tôi cũng thấy thiêng liêng, xúc động như mới được gặp lần đầu.

Những kỷ niệm đặc biệt trong đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 1.

Tác giả với chị Võ Hồng Anh (bên trái) ngày 26/3/1985 Thành phố Huế


Khi tôi về công tác ở Hội LHPN tỉnh Quảng Bình tháng 12/1989, thì năm 1992 tôi được lãnh đạo Hội LHPN tỉnh phân công làm chủ nhiệm Đề tài khoa học "Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Quảng Bình 1930 -1975", để chuẩn bị cho kỷ niệm 65 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/1995). Năm 1995, đề tài hoàn thành, chuẩn bị in sách, chị em bàn nhau ra Hà Nội xin Bác Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu sách, muốn là vậy nhưng cũng lo không biết Bác có đồng ý không. Vậy mà, chị Từ Thị Biêm lúc đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, được phân công ra gặp Bác. Về, chúng tôi vô cùng vui sướng, vì không chỉ Bác vui vẻ nhận lời viết, mà còn tỏ lời khen ngợi, hoan nghênh.

Những kỷ niệm đặc biệt trong đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 2.

Đại tướng viết lời giới thiệu sách "Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Quảng bình 1930 - 1975" tại Hà Nội ngày 01 tháng 10 năm 1995

Nhớ một lần vào tháng 8 năm 2001, tôi được đi cùng đoàn của lãnh đạo tỉnh ra mừng thọ Bác tuổi 90, hôm đó đoàn đến nhà Bác vào cuối chiều, sau khi tiếp đoàn xong, đoàn chuẩn bị ra về thì Bác nói: Cháu Nhiên ở lại ăn cơm với Bác. Mâm cơm chiều hôm đó ở căn phòng tầng 1, nhà 30 Hoàng Diệu chỉ có Bác Giáp, bác Hà và tôi. Trong bữa ăn, Bác gần gũi, ân cần nên tôi cũng rất tự nhiên. Câu chuyện của Bác là hỏi về đời sống của bà con. Bác đặc biệt quan tâm các mẹ, các cháu, chị em phụ nữ và nhắc nhở phải đoàn kết, nỗ lực để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách... Rồi những lần tiếp theo được gặp Bác, nhất là vào dịp sinh nhật của Bác, lúc nào Bác cũng đau đáu với miền Trung, với quê hương. Đặc biệt hơn, Bác không chỉ dành tình cảm cho riêng tôi mà cả gia đình của tôi đều được Bác quan tâm, hỏi thăm, động viên, để rồi trở thành niềm tự hào, lời nhắc nhớ cho tất cả các thành viên gia đình chúng tôi trong cuộc sống, trong công tác, học tập.

Những kỷ niệm đặc biệt trong đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 3.

Cả gia đình thật vui được chụp ảnh với hai Bác và chị Võ Hồng Anh tại Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình

Lần cuối tôi được gặp Bác là cuối năm 2011, khi Bác đang được chăm sóc sức khỏe tại Viện Quân Y 108, lúc này sức khỏe của Bác đã yếu dần, việc vào thăm rất hạn chế. Vậy mà trên giường bệnh, Bác vẫn vẫy tay nhìn chúng tôi trìu mến. Trước lúc ra về, tôi cúi gần xuống nói: Bác còn nhớ cháu không? Trong phòng bệnh ngân lên hai tiếng "Quảng Bình", mặc dù giọng của Bác không còn rõ âm từ nhưng chúng tôi đều nghe rõ hai tiếng "Quảng Bình", Bác trả lời lại câu hỏi của tôi. Cảm nhận rất sâu sắc tình cảm của Bác, nhưng tôi không thể diễn tả hết được thành lời. 

Trong những ngày đau thương vì Bác mất, tôi đã viết bài "Vị Đại tướng nặng lòng với quê hương" đăng Báo Phụ nữ Việt Nam và bài "Hai tiếng cuối cùng tôi được nghe từ Đại tướng là Quảng Bình" đăng báo Quảng Bình vào tháng 10 năm 2013.

Những kỷ niệm đặc biệt trong đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 4.

Ảnh chụp ngày mừng thọ Đại tướng tuổi 90 ở Hà Nội (tháng 8/2001)

Một kỷ niệm vô cùng sâu sắc, mà sau này, cứ mỗi lần nhớ lại, nhất là mỗi lần đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng tại gia đình, hay thăm nơi an nghỉ của Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến, tôi lại vô cùng xúc động.

Khoảng gần 19h00 mùng 4 tháng 10 năm 2013, cả gia đình tôi bàng hoàng nghe tin Bác Võ Nguyên Giáp mất! Không biết phải làm gì trước tin choáng váng này, tôi gọi cho cháu Thắng lái xe cơ quan bảo: Cháu đến cho cô lên 30 Hoàng Diệu". 15 phút sau, tôi lên xe đến nhà Bác Giáp, khung cảnh ban đêm ở khu vườn 30 Hoàng Diệu càng đượm buồn, chúng tôi gặp nhau, nhìn nhau không ai nói với nhau lời nào. Đến hơn 22h00, tôi và anh Nguyễn Tấn Định, cháu gọi Bác Giáp bằng cậu ruột, rủ nhau ra về. Trên đoạn đường từ nhà ra cổng, anh Định bật lên với tôi điều mà cả buổi tối chúng tôi đều băn khoăn, nghĩ tới nhưng không ai dám hỏi ai. Giọng anh Định xúc động: "Cậu mất rồi, nhưng đến bây giờ chưa biết Cậu sẽ an nghỉ ở đâu".

Sáng hôm sau, 7h00 mùng 5/10/2013, tôi có mặt ở nhà Bác, 30 Hoàng Diệu, để giúp các anh chị việc đón khách. Đến gần 11h00 trưa, tôi thực sự bàng hoàng, cảm xúc lẫn lộn buồn, vui khi biết được tin, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng gia đình đã thống nhất rất nhanh việc đưa Đại tướng về an nghỉ tại quê nhà theo di nguyện của Đại tướng. Nỗi băn khoăn của mấy anh em tối hôm qua đã được giải tỏa bằng một quyết định chưa có tiền lệ. Tôi chạy vội ra sân, tâm trạng thảng thốt muốn tìm người chia sẻ, lúc đó trong không gian rộng rãi, tĩnh mịch, chỉ có nhà nhiếp ảnh Quân đội Trần Hồng, tôi nói như reo lên: Bác Giáp về quê, hai anh em cùng nhảy cẫng lên ôm lấy nhau, trong lòng ngập tràn cảm xúc về Đại tướng. Chúng tôi vui vì quê hương, vì miền Trung sắp được đón Đại tướng về và buồn vì các con, cháu, người thân của Đại tướng và chúng tôi cùng với mọi người đang chuẩn bị cho một cuộc chia ly - cuộc chia ly mà tất cả không ai muốn, dù lúc đó Bác Giáp của chúng ta đã bước sang 103 tuổi mụ. Thế rồi, không kìm nổi lòng mình, tôi đã dám phá lệ gọi cho người thân có trách nhiệm ở quê, nơi tôi dự cảm là Đại tướng sẽ về khi chưa có thông báo chính chính thức.

Khi có thông báo chính thức, Đại tướng về an nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yến, tôi nhớ lại, đã có lần chị Võ Hồng Anh và các anh chị có nói việc về làm dự án ở Quảng Bình, nhưng không ngờ Đại tướng lại về ở đó.

Những kỷ niệm đặc biệt trong đời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 5.

Trở lại thăm nhà Đại tướng ở làng An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) tháng 6/2020

Trong dòng người đưa tiễn Đại tướng về quê, có một xe ô tô 16 chỗ ngồi của Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam chở các bác đồng hương tỉnh nhà, và đi cùng xe với tôi có anh hùng LLVT Trương Thị Khuê, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, quê ở tỉnh Quảng Trị; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà Vật lý Nguyễn Hữu Đức, lúc đó là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và hai vợ chồng chúng tôi. 

Sau khi viếng Đại tướng ở Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (trưa 12/10), chúng tôi chạy về Quảng Bình. 7h00 sáng 13/10, dự Lễ truy điệu Đại tướng tại quê nhà, rồi cùng dòng người ra sân bay Đồng Hới đón linh cữu Đại tướng đưa tiễn ra Vũng Chùa. Hôm đó, mãi đến 18h00 tối, chúng tôi mới đến được để kính cẩn nghiêng mình bên Mộ phần của Đại tướng. Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp về quê chúng tôi lại cùng nhau đến Vũng Chùa - Đảo Yến, rồi lên làng An Xá, ngôi làng nhỏ, có ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng, để tưởng nhớ vị Đại tướng toàn năng, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là người Bác, người Ông rất đổi kính trọng, thân thương.

Vũng Chùa - Đảo Yến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi an giấc ngàn thu, nay đã trở thành tên gọi thân thương, trìu mến của nhiều người con đất Việt và du khách gần xa. Từ nhiều năm nay, nơi đây ngày ngày dòng người vẫn đổ về để dâng lên Đại tướng một nén tâm nhang với lòng tôn kính, biết ơn vô hạn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn