Lời khen tặng - liều vitamin cho tâm hồn con mỗi ngày

10:12 | 15/01/2021;
Lời khen tặng, nhẹ nhàng, thái độ hết sức trân trọng và nhẫn nại lắng nghe một đứa trẻ - dù sự “lắng nghe” có khi chỉ là bằng ánh mắt thấu hiểu vì cậu bé nhất định không nói năng, chia sẻ gì có phải là “liều thuốc tinh thần” tốt hay không? Với người khắt khe sẽ cho rằng khen tặng, nhẹ nhàng với con sẽ dễ khiến con hư. Với người thấu hiểu, họ cho rằng đó là vitamin cho tâm hồn.

Chồng tôi luôn tự hào vì mẹ chồng chưa bao giờ dùng một roi để đánh 4 anh chị em mà các con vẫn trưởng thành, ngoan ngoãn. Bà cũng không mấy khi nặng lời. Lâu lâu bị con nhỏ quấy chân, áp lực quá, bà lại than thân: "Giời ạ, sao tôi khổ thế. Giời cho tôi chết đi còn hơn chứ cứ con cái quậy phá thế này sao sống nổi?". Và chỉ cần có thế, các anh chị em và chồng sẽ im thin thít nghe ngóng vì sợ... mẹ chết mất.

Anh chị em bên chồng tôi sống khá hòa thuận và có một sự gần gũi, yêu thương, kiêng nể mẹ tuyệt đối. Cho tới đám cháu chắt đứa lớn đứa bé ra đời, vẫn luôn được bà dạy dỗ yêu thương bằng tất cả sự nâng niu chiều chuộng một người bà có thể dành cho cháu. Khi con gái tôi ra đời, những tháng đầu tiên bà vẫn ẵm ngửa cháu trò chuyện, nựng nịu cứ như thể bé hiểu được hết. Bà nói, cứ sinh ra trên đời là có nhu cầu được yêu thương, nhu cầu ấy cũng như nhu cầu ăn, ngủ vậy. Có lúc cháu gái khóc mấy bận mỗi đêm, bà nội vẫn luôn nhẹ nhàng: "Ôi ai làm cháu tôi khó chịu đấy, ai đấy... cháu ngoan, ngoan, bà thương...". Và cứ thế, một chốc con bé lại ọ ọe một lúc như hờn mát, dễ chịu dần khi được bà ôm ấp, xoa nựng. Ai đó nói, bà cưng cháu quá nó đòi bế, nó "hư", nhõng nhẽo... bà nói ngay: "Ơ hay, cháu bé tí thì phải ôm ấp, bồng bế cháu chứ. Mai mốt nó lớn có muốn bế nó cũng nào cho bế".

Những liều vitamin cho tâm hồn con mỗi ngày - Ảnh 1.

Hãy cho con được nhõng nhẽo trong vòng tay cha mẹ- Ảnh minh hoạ

Mẹ chồng tôi luôn có ánh nhìn ấm áp khi mỗi đứa nhỏ trong nhà nhõng nhẽo. Mẹ cho rằng, nhõng nhẽo, đòi hỏi sẽ phát triển tư duy của em bé. Từ từ, mỗi giai đoạn con lớn, mình có cách giải thích, điều chỉnh để con có ý thức sẽ hết nhõng nhẽo. Sợ nhất là nó nằm ì ra không nhõng nhẽo, không đòi hỏi gì. Chứng tỏ "ông" không biết gì, không có nhu cầu gì hoặc có bệnh trong người, mệt hết sức không muốn nhõng nhẽo. Hơn nữa, khi con nhõng nhẽo với mình, là có nhu cầu chia sẻ, được mình chia sẻ, con sẽ tự tin và gần gũi hơn. Muốn dạy trẻ, trước hết phải gần gũi nó đã.

Trái lại, ông nội đối với con cái lẫn cháu chắt luôn bằng "kỷ luật quân đội". Thời gian ông ở chiến trường nhiều hơn ở nhà nên lẽ dĩ nhiên những kỷ cương thấm trong máu ông tới mức ông nói câu trước, ra lệnh câu sau. Chồng kể, vì thế mà hồi nhỏ, thấy bố cổng trước con cái đã lẻn ra cửa sau. Đơn giản vì càng tránh gặp mặt bố càng đỡ bị "ăn" mắng, càng dễ chịu. Cho tới lớn giữa bố và các con vẫn ít khi nói chuyện lâu với nhau được, dù ai cũng hiểu bố thương con, bố có la mắng cũng là để con tốt hơn.

* * * * *

Trong bộ phim "Cậu bé đặc biệt" của Ấn Độ, tôi luôn nhớ mãi một chi tiết rất sắc sảo. Khi bố mẹ nói với con - một cậu bé đặc biệt siêu quậy và đáng ghét trong mắt nhiều người lớn rằng mày vô tích sự, mày chẳng làm được gì, mày làm phiền tao... Họ nói cho hả lòng cho tới khi một thầy giáo dạy vẽ của con kể cho nghe về việc đốn hạ một cái cây. Cách một bộ lạc ở một vùng hoang đảo nọ muốn chặt bỏ một cái cây nhưng không có công cụ gì, họ liền đi vòng quanh cái cây chửi rủa, xúc phạm nó. Họ không thèm quan tâm chăm sóc gì... và quả thực, một thời gian ngắn sau đó cái cây lụi tàn, mất sức sống. Họ tin rằng cái cây đã bị hạ bằng lời chửi rủa, xúc phạm. Câu chuyện khiến ông bố lặng đi, bà mẹ bật khóc vì thương con. Tôi đã khóc theo từng cơn nức nở của người mẹ ấy.

Lời khen tặng, nhẹ nhàng, thái độ hết sức trân trọng và nhẫn nại lắng một đứa trẻ - dù sự "lắng nghe" có khi chỉ là bằng ánh mắt thấu hiểu vì cậu bé nhất định không nói năng, chia sẻ gì có phải là "liều thuốc tinh thần" tốt hay không? Với người khắt khe sẽ cho rằng khen tặng, nhẹ nhàng với con sẽ dễ khiến con hư. Với người thấu hiểu, họ cho rằng đó là vitamin cho tâm hồn. Kết bộ phim, cậu bé đáng ghét trong mắt bố mẹ sau khi được đặt niềm tin và dành cho những lời dịu dàng đã xứng đáng với niềm tin ấy khi vượt qua tất cả học sinh lẫn giáo viên, đạt giải nhất cuộc thi hội họa toàn trường - điều mà không ai có thể ngờ tới. Niềm tin và sự ngọt ngào được trao đi sẽ nhận về những quả ngọt - đó là một ý niệm có thực chứ không phải là giấc mơ để mỗi ông bố, bà mẹ có thể tin tưởng, nắm tay con bước qua những chông gai.

Cũng như nhiều bà mẹ trẻ khác, tôi đọc khá nhiều sách tham khảo về nuôi dạy con kiểu Nhật, Do Thái, Trung Quốc... Tôi vẫn luôn nghĩ rằng không có cách nào là bài học tuyệt đối đúng và phù hợp dành riêng cho mình vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt. Chưa kể tới bố, mẹ, ông bà, gia đình mỗi người một khác. Nhưng "để con nhõng nhẽo" như lời mẹ chồng tôi khuyên thì tôi vẫn tin và cố gắng học theo mẹ. Nói cố gắng vì sự thực là bên cạnh những stress công việc, cuộc sống đôi khi bất thình lình ập xuống thì việc con nhõng nhẽo ngay lúc ấy chẳng khác gì việc đổ dầu vào lửa là mấy. Nhưng cứ tin rằng, trao ngọt ngào sẽ nhận ngọt ngào và đúng như mẹ nói, mai này có lúc muốn nghe tiếng con nhõng nhẽo, muốn nghe con mè nheo thì nó cũng đã trưởng thành rồi, mình chẳng có "cơ may" ấy nữa đâu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn