Những “lò” đại học đã đào tạo ra loạt tỷ phú công nghệ hàng đầu Trung Quốc

13:14 | 05/06/2020;
Trung Quốc đang là quốc gia “sản xuất” tỷ phú nhanh hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng từ một quốc gia mới nổi sang nền kinh tế thị trường bùng nổ hơn, đã giúp Trung Quốc ngày càng có một “làn sóng” công dân giàu kỷ lục nổi lên. Từ đó, nhiều gia đình và những người trẻ tuổi cũng khát khao đeo đuổi giấc mộng làm giàu bằng cách lựa chọn “xuất phát điểm” đại học giống như những nhà tỷ phú.

Hiệp hội cựu sinh viên Trung Quốc đã thử thống kê và biên soạn ra một bảng Billionaire Ranking (xếp hạng tỷ phú) theo thứ tự các trường nơi đã “sản xuất” ra các nhà tài phiệt giới công nghệ.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 1.

Jack Ma - Mã Vân

Jack Ma, một cái tên quá “quen mặt” trên toàn cầu, là người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba - một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Với tính cách hướng ngoại, Jack Ma lựa chọn nghề nghiệp “thuở ban đầu” rất khiêm tốn là làm giáo viên tiếng Anh. Vì vậy, anh đã theo học ở trường Cao đẳng Sư phạm Hàng Châu (hiện là Đại học Sư phạm Hàng Châu). Đây là một ngôi trường đại học công lập ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Sau đó, anh tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Cử nhân Tiếng Anh năm 1988.

Bên cạnh đó, Jack Ma còn có lần tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn video được tổ chức vào năm 2015, anh từng nộp đơn đến 10 lần vào Trường Kinh doanh Harvard nhưng cả thảy lần nào cũng bị từ chối.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 2.

Robin Li - Lý Ngạn Hoành

Khi nhắc đến Baidu, hầu như bất kỳ người dân Trung Quốc nào cũng biết, nó phổ biến và quen thuộc như ta so sánh với Google vậy. Đúng vậy, Baidu là một công cụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc và là một trong những trang web phổ biến nhất thế giới.

Robin Li chính là CEO và cũng là đồng sáng lập của doanh nghiệp tỷ đô này. Ghi danh tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng, anh đã theo học quản lý thông tin và ra trường cùng tấm bằng Cử Nhân Khoa Học. Đến năm 1991, người đàn ông tự lập này lại khăn gói lên đường sang Mỹ để tiếp tục con đường học vấn ở Đại học Buffalo. Sau đó 3 năm với quyết định không tiếp tục học lên tiến sĩ, Robin Li đạt được học vị thạc sĩ về khoa học máy tính.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 3.

Lei Jun - Lôi Quân

Không khó để thấy sản phẩm từ tập đoàn của Lei Jun được sử dụng cũng ít nhiều tại Việt Nam. Xiaomi - một thương hiệu điện thoại thông minh và sản phẩm điện tử nổi tiếng trên thế giới.

Đồng sáng lập và cũng là chủ tịch hiện nay của Xiaomi, Lei Jun tốt nghiệp trường trung học Mianyang ở tỉnh Tứ Xuyên và theo học Đại học Vũ Hán trong cùng năm. Với năng lực xuất sắc và sự chịu khó, anh đã vượt qua tất cả các tín chỉ môn học chỉ trong vòng duy nhất hai năm và rồi tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Máy tính.

Thậm chí trong năm cuối cùng ở trường đại học, anh ấy còn xúc tiến thành lập Gundugoms, nơi đây chính là công ty đầu tiên của Lei Jun.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 4.

Ma Huateng - Mã Hóa Đằng

Còn được gọi với cái tên khác là Pony Ma, Ma Huateng là chủ tịch và CEO của tập đoàn internet khổng lồ của Trung Quốc. Tencent Holdings được xếp hạng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất quốc gia theo thị phần thị trường. Tính đến tháng 4 năm 2020, anh trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ròng trị giá 46,9 tỷ USD theo Forbes.

Ma Huateng đã tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến năm 1993 với bằng Cử nhân về Khoa học Máy tính. Có thể là do xuất phát từ ngành học “khô khan” này, anh được đánh giá là trầm tính và sống nội tâm hơn người “anh em” tỷ phú hướng ngoại Jack Ma.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 5.

Liu Chuanzhi - Liễu Truyền Chí

Là người sáng lập Tập đoàn Lenovo, Liu Chuanzhi đã tuyên bố nghỉ hưu ở độ tuổi 75. Hiện nay, ông nhường bước cho lớp trẻ thay thế và trở thành chủ tịch danh dự của công ty, cố vấn cao cấp và thành viên của ủy ban chiến lược của hội đồng quản trị.

Năm 1962, Liu Chuanzhi đã lựa chọn học tập tại Học viện Kỹ thuật Viễn thông Quân đội Giải phóng Nhân dân, nay được gọi là Đại học Xidian. Đây là một trường đại học nghiên cứu công lập ở Tây An, với chương trình khoa học máy tính được xếp hạng thứ 8 trên toàn quốc và thứ 22 trên toàn cầu theo US News & World Report năm 2020.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 6.

Liu Qiangdong - Lưu Cường Đông

Được biết đến với cái tên là “Jeff Bezos của Trung Quốc”, Liu Qiangdong là người sáng lập kiêm chủ tịch của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com.

Với hứng thú với chính trị, Liu Qiangdong thoạt đầu đăng ký vào Đại học Renmin Trung Quốc để đi theo ngành Xã hội học, nhưng đồng thời cũng đầu tư thời gian rảnh rỗi để học thêm về lập trình máy tính sau khi nghĩ rằng con đường này sẽ bảo đảm cho bản thân cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.

Doanh nhân này tốt nghiệp Cử nhân Xã hội học năm 1996, rồi tiếp tục sau này có thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại China Europe International Business School.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 7.

Yang Huiyan - Dương Huệ Nghiên

Với tài sản ròng trị giá 20,3 tỷ USD tính đến tháng 4 năm 2020, Yang Huiyan được xếp hạng người giàu thứ năm ở Trung Quốc và là người phụ nữ giàu nhất châu Á theo Forbes.

Cô theo học tại Đại học bang Ohio và nhận bằng Cử nhân năm 2003. Nhận được phần tài sản thừa kế khổng lồ trong tập đoàn bất động sản Country Garden Holdings từ cha mình Yeung Kwok Keung vào năm 2017, nữ tỷ phú hiện nay sở hữu 57% cổ phần. Ngoài ra, Yang Huiyan cũng là chủ tịch của Bright Scholar Education Holdings, một công ty giáo dục Trung Quốc đã được công bố trên thị trường chứng khoán New York.

Các “lò” đại học nào đã đào tạo ra các tỷ phú ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay? - Ảnh 8.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn