Sốt virus là bệnh lý khá phổ biến do virus xâm nhập vào cơ thể gây nên. Thường có biểu hiện cấp tính bằng sốt cao liên tục (có thể lên đến 40-41oC), kèm theo đó là triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi toàn thân, hắt hơi, sổ mũi trong, đỏ mắt, ngứa mắt,... Thông thường người bệnh sốt virus sẽ khỏi sau khoảng 1 tuần kể từ khi khởi phát bệnh.
Hiện nay, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để tiêu diệt tác nhân gây bệnh là virus, vì thế việc điều trị sốt virus vẫn chủ yếu là sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng và các phương pháp nâng cao thể trạng người bệnh và phòng chống bội nhiễm thứ phát.
Hai nhóm thuốc chính được sử dụng hiện nay trong điều trị sốt virus là các thuốc hạ sốt và các thuốc có tác dụng bù nước, điện giải.
Do sốt trong sốt virus là sốt cao, sốt liên tục, đôi khi nhiệt độ có thể tăng cao lên tới 40-41oC nên việc hạ sốt khi điều trị sốt virus là nội dung quan trọng hàng đầu.
Để hạ sốt cho bệnh nhân, thuốc thường được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là paracetamol. Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số thuốc được dùng ít phổ biến hơn cho mục đích hạ sốt như ibuprofen, naproxen,...
Đối với việc sử dụng paracetamol cho mục đích hạ sốt, các khuyến cáo hiện nay cho ràng không nên sử dụng quá 4g/24h và chỉ dùng khi nhiệt độ của bệnh nhân lớn hơn 38,5oC. Nếu nhiệt độ của bệnh nhân thấp hơn 38,5oC, việc sử dụng thuốc hạ sốt là không cần thiết và hoàn toàn có thể hạ sốt bằng các biện pháp vật lý như lau mát,...
Nhóm thuốc thứ 2 thường được sử dụng trong điều trị sốt virus là các thuốc có tác dụng bù nước và điện giải cho người bệnh.
Đối với các bệnh nhân mất nước độ 1 và ăn uống tốt thì bệnh nhân có thể được sử dụng oresol để bù nước và điện giải đã mất do sốt virus, hoặc sử dụng các viên hydrat pha trong nước để bù nước. Đây cũng là loại thuốc bổ sung nước và điện giải được dùng phổ biến nhất trên bệnh nhân sốt virus.
Tuy nhiên đối với các bệnh nhân có mất nước độ 2 trở lên hoặc các bệnh nhân mất nước độ 1 nhưng ăn uống kém, các loại dịch truyền đẳng trương như ringer lactat, natri clorid 0,9% có thể được xem xét sử dụng để bổ sung nước cho bệnh nhân.
"Dùng hay không dùng thuốc kháng sinh trong điều trị sốt virus" là vấn đề được quan tâm rất nhiều hiện nay.
Thực tế, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị sốt virus là điều không cần thiết. Bởi kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, chứ hoàn toàn không có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt virus. Vì thế thuốc kháng sinh không đem lại hiệu quả điều trị trên bệnh nhân sốt virus.
Nhưng nếu bệnh nhân sốt virus có bội nhiễm thứ cấp xảy ra trong quá trình điều trị hoặc mắc một bệnh lý do vi khuẩn gây ra trong cùng thời gian mắc sốt virus thì kháng sinh vẫn sẽ được sử dụng để điều trị nguyên nhân vi khuẩn... Và tùy thuộc loại vi khuẩn gây bệnh là gì mà sẽ lựa chọn sử dụng các nhóm thuốc kháng sinh thích hợp nhất.
Có thể thấy rằng, việc lựa chọn thuốc điều trị sốt virus như thế nào cho hợp lý, đạt được hiệu quả cao nhất và hạn chế tối đa tác dụng phụ do thuốc gây nên là điều không hề dễ dàng, phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Do đó, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị sốt virus khi chưa có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn