Sáng tạo hơn khi chơi
Phụ huynh thường muốn tạo cho con một môi trường giải trí phong phú với nhiều loại đồ chơi khi ở nhà. Thế nhưng, một chút nhàm chán khi không có quá nhiều đồ chơi có thể là điều tốt với trẻ. Bởi điều này có thể tạo cảm hứng để trẻ sáng tạo với những đồ chơi mình đang sở hữu. Trẻ có thể tìm hiểu, khám phá kỹ hơn những công dụng của các món đồ và sử dụng trí tưởng tượng của mình khi chơi.
Trân trọng giá trị từng món đồ
Khi liên tục nhận được nhiều đồ chơi mới, trẻ khó có thể đánh giá cao giá trị của từng món đồ, dù chúng có thú vị đến đâu. Chỉ được phụ huynh mua cho một ít đồ chơi, tập trung vào chất lượng và thực sự nhắm đến sở thích của trẻ, như vậy trẻ mới biết trân trọng giá trị của những món đồ đó.
Học cách chia sẻ
Nếu trẻ có anh, chị em, việc có ít đồ chơi thực sự là bài học tuyệt vời dạy trẻ cách chia sẻ, đàm phán. Để tránh phải phân xử việc tranh giành đồ chơi, phụ huynh nên đặt ra một vài quy tắc đơn giản như quy định thời gian sử dụng món đồ chơi cho từng trẻ. Điều này khuyến khích trẻ tự thương lượng với anh, chị em của mình. Thêm nữa, việc phải chờ đợi để sử dụng món đồ chơi thú vị cũng khiến trẻ háo hức và biết quý món đồ chơi hơn.
Biết chăm chút, giữ gìn đồ chơi
Khi có đồ chơi ở khắp mọi nơi trong nhà, trẻ hầu như không để ý nếu có món đồ nào đó bị vỡ, bị gãy hỏng. Ngay cả yêu thích món đồ đó nhiều thế nào, trẻ cũng nghĩ sẽ nhanh chóng có đồ chơi mới thay thế. Bởi vậy, có ít đồ chơi giúp trẻ biết để ý chăm chút, giữ gìn hơn.
Trải nghiệm tập trung
Hầu hết trẻ đều bị choáng ngợp khi có quá nhiều đồ chơi xung quanh mình. Một khối lượng đồ chơi lớn có thể khiến trẻ phân tâm khi chơi. Trẻ có xu hướng chưa trải nghiệm hết món đồ này liền chuyển sang chơi món đồ khác mà không có sự tập trung thực sự. Khi có ít lựa chọn để chơi, trẻ dễ dàng chọn một món đồ, nghiền ngẫm và tập trung kỹ hơn mà không bị phân tâm. Điều này tránh cho trẻ thói quen "cả thèm chóng chán".
Ý thức gọn gàng, ngăn nắp
Nếu có quá nhiều đồ chơi, việc giữ cho mọi thứ gọn gàng thực sự khó với trẻ. Trẻ không thể nhớ hết nên đặt những món đồ chơi ở đâu và sự lộn xộn là khó tránh khỏi. Việc hạn chế số lượng đồ chơi sẽ giúp trẻ dễ dàng và ý thức hơn trong việc tự dọn dẹp, sắp xếp vị trí cho từng món đồ gọn gàng, ngăn nắp.
Tiết kiệm cho trải nghiệm khác
Tất nhiên việc mua ít đồ chơi hơn có lợi ích rõ ràng là tiết kiệm tiền. Điều này cũng có nghĩa phụ huynh có thêm kinh phí để chi tiêu cho các trải nghiệm khác của trẻ. Ví dụ, thay vì phung phí tiền mua những món đồ chơi mà trẻ chỉ chơi một lần rồi bỏ xó, phụ huynh nên dành tiền cho trẻ tham gia một lớp học ngoại khóa.
Suy nghĩ khi lựa chọn
Việc chỉ nhận được một vài món đồ chơi vào dịp sinh nhật hoặc dịp đặc biệt, trẻ sẽ cẩn thận hơn khi quyết định lựa chọn món đồ mình muốn. Trẻ biết tập trung nghĩ kỹ hơn về sở thích, về những gì mình cần thay vì đòi mua theo cảm hứng gây lãng phí.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn