Đó là những lời thốt ra tự đáy lòng cô gái bị ung thư, từng kề cận với cái chết. Khi gặp Nguyễn Thanh Hương, cô bảo không muốn chúng tôi viết về cô nhiều, mà chỉ muốn truyền đi thông điệp ấy.
"Khi tôi điều trị ung thư ở bệnh viện, tôi đã từng chứng kiến những bệnh nhân tuyệt vọng. Tôi không muốn ai tuyệt vọng như thế". Có lẽ chính vì không muốn ai mất đi hy vọng vào sự sống, nên Thanh Hương tự nhủ bản thân phải vượt qua tất cả, phải giành giật sự sống để mang đến hy vọng cho nhiều người cùng cảnh ngộ.
Trước đó, vào năm 2012, cô phóng viên của Đài phát thanh & truyền hình Bắc Giang mới tròn 23 tuổi, cái tuổi với nhiều mơ ước và tràn đầy nhiệt huyết, tiến bước về tương lai. Thế nhưng, căn bệnh ung thư lại bất ngờ ập đến khiến Thanh Hương bàng hoàng. Những người thân trong gia đình cô gái trẻ cũng không tin nổi chuyện đang xảy ra. Đó thực sự là những ngày u ám đối với cô và gia đình.
"Trước khi phát hiện ung thư, tôi cũng như nhiều cô gái khác ở tuổi này đều mới chớm bắt đầu sự nghiệp, đang còn nhiều hoài bão. Bên cạnh sự thất vọng còn có những lo lắng bản thân sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Từ đó, tôi không còn thiết tha gì nữa", Hương cho biết.
Với triệu chứng ban đầu là ho, sốt, khi khám tại bệnh viện đa khoa Bắc Giang thì được điều chuyển về Viện huyết học - Truyền máu TW. Tại đây, bác sỹ chẩn đoán Hương bị mắc lơxemi cấp dòng tủy (ung thư máu). Thanh Hương nằm trong nhóm bệnh tiên lượng xấu, có nguy cơ tử vong cao. Gác lại công việc yêu thích, cô buộc phải gắn bó với giường bệnh, những đợt truyền máu... Sự tàn phá của căn bệnh khiến cô có những giai đoạn bất lực vì không thể tự đi lại, không thể tự ăn uống hay sinh hoạt cá nhân.
"Sự đau đớn triền miên đến mức chai lỳ. Cho đến giờ, tôi không còn muốn nhớ lại cảm giác ấy nữa, không muồn nhìn lại nỗi đau ấy. Nó đã ăn sâu vào tâm hồn và cả những vết sẹo trên người giờ nhìn lại không muốn nhớ nữa. Đó là sự tàn phá cả về thể xác lẫn tinh thần".
Từ một cô gái hay mủi lòng, hay khóc, Thanh Hương bắt đầu cố gắng ăn uống, nôn ra thì lại tiếp tục ăn, ăn vào lại nôn… cứ thế cô kiên trì chiến đấu ngày này qua ngày khác. Ý chí muốn ở lại với cuộc đời, với những người thân đã vất vả lo lắng cho cô trỗi dậy mạnh mẽ, để "kể cả trong giấc mơ mình cũng phải là người muốn sống".
Năm 2013, Thanh Hương may mắn được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tiến hành ca ghép tủy. Cũng chính thời gian điều trị ghép tủy cô đơn và kéo dài ấy là cơ hội để Thanh Hương nghĩ về tương lai của mình. Cô còn biết bao dự định và hoài bão tươi đẹp chờ đợi ở phía trước. Thanh Hương đã từng chút, từng chút một vượt qua ranh giới khắc nghiệt giữa sự sống và cái chết. Cô dần hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường trong sự vui mừng của các bác sĩ và người thân.
"Cả tủy và máu của chị gái đều phù hợp. Chị chính là người 'đưa tôi về nhà'", Thanh Hương xúc động khi chia sẻ về những gì người thân đã làm vì cô. Chính họ là những người cứu sống cô để ngày hôm nay, cô có thể quay lại với cuộc đời và tiếp tục những mơ ước.
Với Thanh Hương, thời gian là món quà quý giá, thay vì u buồn thì hãy tận hưởng cuộc sống và nếu có cơ hội hãy thử sức mình ở những lĩnh vực mới. Cô muốn dành thời gian để khẳng định bản thân và làm nhiều điều tốt đẹp để tô điểm thêm cho cuộc đời thật ý nghĩa.
"Với tất cả những gì tôi làm cho đến hôm nay, đều muốn khẳng định rằng, ai cũng luôn có một cơ hội là "ngày mai". Dù trong giấc mơ cũng hãy chiến đấu để sống với những người mình yêu thương. Dù ngày mai, bạn có thể thức dậy hay không, thì bạn cũng không bao giờ phải nói "giá như" bởi chính bạn đã thật sự cố gắng.
Bản thân tôi có mặt trong cuộc sống của ngày hôm nay chỉ muốn chứng minh mình là nhân chứng của sự nỗ lực và không ngừng hy vọng. Mong những người bị ung thư hãy nhận được thông điệp này", Thanh Hương lạc quan chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn