Những lưu ý, hướng dẫn giám sát thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

18:14 | 27/04/2020;
Nhằm phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong giám sát chuyên đề nhằm phát hiện kịp thời, hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.

Chiều nay (27/4), Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai và giám sát thực hiện các chính sách Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Nhằm phát hiện kịp thời, hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có dự thảo Hướng dẫn việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ này.

Với giám sát việc lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng, trách nhiệm giám sát thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp huyện, nòng cốt là Liên đoàn Lao động cấp huyện phối hợp ngành LĐ-TB&XH giám sát.

"Gói 62.000 tỷ đồng cần triển khai kịp thời, đúng đối tượng không xảy ra bất cứ trường hợp nào có tiêu cực ở các cấp, các ngành, các địa phương. Kinh nghiệm rút ra từ việc tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng, vai trò giám sát của nhân dân quan trọng, ở cơ sở làm đúng, sai nhân dân biết cả, vấn đề biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh".

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Hồ sơ giám sát gồm: Bảng tổng hợp danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương do người sử dụng lao động lập và có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có), hoặc có xác nhận cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện đối với những cơ sở kinh doanh không có tổ chức công đoàn; Bản sao hợp đồng lao động và văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương; Đơn đề nghị của người lao động.

Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; hợp đồng hợp tác; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đối với người sử dụng lao động là cá nhân).

Những lưu ý, hướng dẫn giám sát thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Mặt trận, các tổ chức thành viên và người dân giám sát ngay từ đầu việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Với giám sát việc hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm tạm ngừng kinh doanh từ 01/4/2020, trách nhiệm giám sát thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành LĐ-TB&XH.

Trong đó, nội dung giám sát việc lập danh sách các hộ kinh doanh đề nghị hỗ trợ do UBND xã, phường, thị trấn lập (được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã trong 05 ngày làm việc để nhân dân giám sát) và giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.

Hồ sơ giám sát gồm: Danh sách các hộ kinh doanh đề nghị hỗ trợ do UBND xã, phường, thị trấn lập, đơn đề nghị hỗ trợ của hộ kinh doanh; Xác nhận 3 tháng trước khi phải ngừng kinh doanh của cơ quan thuế về doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; Bản sao đăng ký kinh doanh (nếu có), Bản sao nộp thuế hằng tháng của hộ kinh doanh.

Với giám sát việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, trách nhiệm giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành LĐ-TB&XH. Giám sát tập trung vào việc việc lập danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.

Hồ sơ giám sát gồm: Bản khai hoặc đơn xin trợ cấp (theo mẫu) của người lao động xin trợ cấp; Danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ do Thôn trưởng, Trưởng khu phố lập, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn và được niêm yết công khai trong 05 ngày làm việc tại các Nhà văn hóa thôn, khu phố và trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Đơn đề nghị; Bản sao hộ khẩu; Giấy chứng nhận tạm trú, tạm vắng do Công an xã, phường, thị trấn nơi cá nhân hiện cư trú cấp (trong trường hợp là người địa phương đi làm việc ở các địa phương khác).

Những lưu ý, hướng dẫn giám sát thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Danh sách người thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng được niêm yết công khai để người dân giám sát

Ngoài ra, văn bản hướng dẫn việc giám sát hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4 năm 2020; giám sát việc thực hiện hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và giám sát việc hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội…

Văn bản hướng dẫn cũng nêu rõ việc phát huy giám sát của người dân ở khu dân cư, nhất là nội dung giám sát việc lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42, giám sát việc niêm yết danh sách tại trụ sở UBND các xã phường đảm bảo thời gian nhằm không phát sinh khiếu kiện.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn