Khi một bệnh nhân mắc bệnh quai bị, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các chỉ định điều trị của bác sĩ đã đề ra để giúp bệnh nhanh khỏi hơn thì chăm sóc người bệnh cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, do bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây lan cao nên quá trình chăm sóc bệnh nhân quai bị cũng có một số lưu ý đặc biệt để vừa đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt và cũng vừa đảm bảo an toàn cho người thực hiện công việc chăm sóc.
Khi người nhà chăm sóc bệnh nhân quai bị, lưu ý đầu tiên đó chính là hãy có những tìm hiểu sơ lược về căn bệnh này để có thể hiểu được mức độ nguy hiểm cũng như cách thức lây truyền của bệnh.
Bệnh quai bị là căn bệnh do virus quai bị gây nên, thường lây lan dễ dàng từ người sang người thông qua các dịch tiết của đường hô hấp. Sau khi xâm nhập cơ thể, virus quai bị thường gây biểu hiện viêm tuyến mang tai, tuy nhiên cũng có rất nhiều các trường hợp virus quai bị còn gây bệnh ở các cơ quan khác như tinh hoàn, viêm não - màng não,... Đây là những biến chứng hết sức nguy hiểm của bệnh, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân nhanh chóng và để lại nhiều hậu quả nặng nề về cho sức khỏe về sau.
Đọc thêm: Cách phòng ngừa biến chứng quai bị diễn biến nặng
Hơn thế nữa, bệnh quai bị do gây ra bởi nguyên nhân virus nên có mức độ lây lan rất cao, đặc biệt là các đối tượng chưa có kháng thể (người chưa được tiêm phòng, người chưa từng mắc bệnh). Vì vậy, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, phòng chống lây nhiễm thì khả năng bị lây bệnh là rất lớn.
Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh quai bị, nhưng việc kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh sẽ giúp giảm bớt sự ảnh hưởng của bệnh lên sinh hoạt của bệnh nhân, đẩy nhanh quá trình hồi phục và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm.
Do đó, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân quai bị thì người nhà, người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân cần cho bệnh nhân sử dụng thuốc đúng theo các chỉ định mà bác sĩ đã đề ra đảm bảo theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng liều và đúng thời gian sử dụng.
Các loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân quai bị hiện nay là các loại thuốc giảm đau hạ sốt không kê đơn như (paracetamol, ibuprofen,...), thuốc corticoid,... Bạn cần nhớ Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị quai bị.
Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân quai bị, ngoài vấn đề sử dụng thuốc cho bệnh nhân đúng cách thì người nhà cũng cần lưu ý thực hiện tốt một số các biện pháp khác bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng: Nếu người bệnh quai bị bị viêm tuyến mang tai, nên cho bệnh nhân sử dụng các loại thực phẩm dễ ăn, thực phẩm mềm, tránh phải nhai quá nhiều khi ăn,... Nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin trong bữa ăn và khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước.
- Chế độ vận động: Bệnh nhân quai bị, đặc biệt là bệnh nhân bị viêm tinh hoàn, viêm tuyến mang tai được khuyên nên hạn chế vận động trong khoảng thời gian mà tình trạng viêm đang xảy ra mạnh, điều này sẽ hạn chế được các biến chứng của bệnh.
- Chế độ vệ sinh: Không nên kiêng tắm rửa cho bệnh nhân quai bị trong thời gian mắc bệnh, kiêng tắm rửa dễ gây ra mất vệ sinh và dẫn đến bội nhiễm trên bệnh nhân. Thay vào đó, cần thực hiện vệ sinh cho bệnh nhân thường xuyên để giữ vệ sinh cơ thể, tuy nhiên nên tránh dùng nước lạnh bởi có thể khiến tình trạng viêm diễn ra dữ dội hơn. Đặc biệt cần chú ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân.
Một trong các vấn đề quan trọng cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân quai bị chính là phải nắm được tình hình bệnh của bệnh nhân và phát hiện được các diễn tiến xấu của bệnh nhân. Phát hiện sớm được các diễn tiến xấu của bệnh và thông báo ngay cho bác sĩ, cơ quan y tế là cơ sở để phát hiện sớm các biến chứng, sự chuyển nặng của bệnh để có thể xử lý kịp thời, tránh các hậu quả lâu dài cho sức khỏe của bệnh nhân.
Các dấu hiệu xấu cần chú ý khi chăm sóc bệnh nhân quai bị bao gồm:
- Bệnh nhân sốt cao liên tục, hoặc sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường.
- Bệnh nhân có biểu hiện sưng, đỏ, đau ở tinh hoàn.
- Bệnh nhân có biểu hiện thần kinh như đau đầu, cứng cổ, sợ ánh sáng, tri giác giảm,...
- Hoặc có các biểu hiện tiêu hóa bất thường như nôn ói, đau bụng nhiều,...
Như đã nói, bệnh quai bị có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì thế khi chăm sóc bệnh nhân quai bị thì người chăm sóc bệnh nhân cần phải nắm được các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh quai bị từ người bệnh.
Các biện pháp chủ yếu để phòng chống lây nhiễm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân quai bị bao gồm:
- Khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị, cả bệnh nhân và người chăm sóc đều phải thực hiện đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm.
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với bệnh nhân.
- Vệ sinh, sát khuẩn các vật dụng cá nhân của bệnh nhân và phòng ở của bệnh nhân quai bị để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
- Nếu chưa từng tiêm phòng vaccine hoặc chưa từng mắc bệnh thì cần tiêm phòng vaccine trong vòng 72 tiếng kể từ khi tiếp xúc với bệnh quai bị để phòng chống lây nhiễm bệnh một cách chủ động.
Trên đây là một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân quai bị mà người nhà, người thân hoặc người trực tiếp thực hiện công việc chăm sóc cần nhớ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề chăm sóc bệnh nhân quai bị, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp chính xác và đầy đủ nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn