Nếu thấy biểu hiện bắt đầu có triệu chứng sốt cao, có thể lên đến 40,5 độ C trong vòng 4 -7 ngày kèm theo các biểu hiện như đau mắt, nhức đầu liên tục, đau khớp gối và các cơ trên cơ thể, phát ban vùng da, buồn nôn, ói mửa, thì có thể bị sốt xuất huyết thể nhẹ.
"Người lớn tuổi do đặc điểm sinh lý có nhiều thay đổi theo tuổi tác, sức đề kháng kém nên khi bị sốt, đặc biệt là sốt cao hoặc sốt rất cao, nếu không xử trí kịp thời thì có thể xảy ra một số biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng như suy thận, trụy tim mạch", bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà cảnh báo.
Bác sĩ Việt Hà cho biết thêm, đối với hệ tim mạch, tình trạng sốt cao do sốt xuất huyết có thể gây mạch nhanh, rối loạn nhịp tim hoặc gây trụy tim mạch, dẫn đến tụt huyết áp. Cơn tăng huyết áp với người bệnh có tiền sử tăng huyết áp cũng rất nguy hiểm.
Biến chứng do sốt xuất huyết hay gặp nhất là ở hệ thần kinh, nếu nhẹ thì nhức đầu, chóng mặt, nặng hơn thì lơ mơ, mê sảng. Sốt cũng có thể gây buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn hoặc ăn vào khó tiêu, làm cho người bệnh bị rối loạn nhịp thở, tiểu tiện ít, ảnh hưởng đến chức năng bài tiết của thận.
Về biện pháp ngăn ngừa sốt xuất huyết cho người cao tuổi, bác sĩ Việt Hà nhấn mạnh: "Hiện nay, Việt Nam chưa đưa vaccine tiêm phòng bệnh sốt xuất huyết vào sử dụng do chưa ghi nhận hiệu quả đặc hiệu phòng bệnh sốt xuất huyết.
Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh để muỗi đốt thông qua việc ngủ màn, tiêu diệt muỗi, không để cho muỗi có cơ hội sinh sôi. Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác, vì thế cần có các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết".
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh vì cơ thể dễ mệt, chóng mặt, nguy cơ bị té ngã… nên cần có người chăm sóc khi phải nhập viện. Bên cạnh đó, người bệnh cần uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung các loại trái cây, nước bù điện giải.
Nếu người bệnh khó ăn uống, nên chia bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ, nấu cháo loãng cho dễ ăn. Người bệnh nên được vệ sinh lau người, tắm rửa bằng nước ấm.
"Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu cần nhập viện. Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác sốt xuất huyết là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Tuyệt đối không được tự ý điều trị, đặc biệt là không tự truyền dịch tại nhà hoặc ở phòng khám không đủ điều kiện chăm sóc và cấp cứu", bác sĩ Việt Hà khuyến cáo.
So với những người trẻ tuổi, người cao tuổi tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng và sốc sốt xuất huyết. Điều này đã được báo cáo trong nhiều nghiên cứu ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết nặng và sốc sốt xuất huyết cao nhất ở những người từ 60 tuổi trở lên.
Một số lý do có thể gây ra diễn biến bệnh trầm trọng ở người cao tuổi khi mắc bệnh là do quá trình lão hóa làm suy giảm các chức năng sinh lý hệ cơ quan trong cơ thể và gây suy giảm chức năng miễn dịch. Xác suất mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ hai tăng lên theo độ tuổi.
Người mắc bệnh lần hai trong đời thường diễn biến nặng hơn lần đầu do phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Cùng với đó, người cao tuổi thường có bệnh nền, mạn tính, dẫn tới tăng nguy cơ tiến triển bệnh nặng
Bộ Y tế khuyến cáo, người từ 60 tuổi trở lên mắc sốt xuất huyết nên nhập viện, không nên tự điều trị tại nhà. Người bệnh cần được khám, xét nghiệm theo dõi hằng ngày tại cơ sở y tế để được chăm sóc, phát hiện sớm những biến chứng và xử trí kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn