Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm: tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn.
Triệu chứng tê bì đôi khi lan lên cẳng tay và cánh tay. Đau hoặc ngứa ran có thể đi lên cẳng tay về phía vai. Nặng hơn sẽ có tình trạng tay yếu và vụng về, đau cơ, chuột rút, có thể gây khó khăn cho việc thực hiện các động tác tinh của bàn tay, khó khăn khi cầm, nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách.
Trong hầu hết trường hợp, những triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể nào xảy ra trước đó. Đôi khi, các triệu chứng lại xảy ra ban đêm nếu người bệnh ngủ với cổ tay bị cong, gây ra áp lực lên dây thần kinh giữa.
Ban đầu, các triệu chứng chỉ thoáng qua, người bệnh đôi khi không nhận biết được. Chỉ đến khi tình trạng nặng lên, các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn, gây đau, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, họ mới đi khám. Lúc này, tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa tại ống cổ tay đã nặng nề.
Theo bác sĩ Việt Hà, các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay xảy ra do các bất thường trong giải phẫu ống cổ tay. Do bẩm sinh khi sinh ra, do di truyền hoặc ở một số chủng tộc, đường hầm ống cổ tay có kích thước nhỏ hơn hoặc có sự khác biệt về mặt giải phẫu làm thu hẹp không gian, khiến cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn.
Ngoài ra, hội chứng ống cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ và người già có tỷ lệ cao mắc phải bệnh lý này. Phụ nữ có thai thay đổi nội tiết gây viêm các thành phần trong ống cổ tay, ảnh hưởng đến dây thần kinh.
Những người có thể trạng béo phì, bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, suy thận và rối loạn chức năng tuyến giáp là những bệnh lý có liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
Người từng bị tổn thương cổ tay do viêm khớp, viêm dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hay cả các chấn thương cổ tay viêm khớp mạn tính, thoát vị bao hoạt dịch, rối loạn chức năng tuyến giáp, trật khớp, gãy xương… làm thay đổi không gian trong ống cổ tay nơi có thần kinh giữa đi qua, gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Bác sĩ Việt Hà khuyến cáo, ngay khi phát hiện, người bệnh cần điều chỉnh các hoạt động kích thích cổ tay, phù hợp với vận động bàn tay, giảm các hoạt động lặp đi lặp lại nếu có thể, điều chỉnh vận động và tư thế cổ bàn tay phù hợp. Có thể sử dụng đeo nẹp cổ tay ở tư thế trung gian.
Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như vật lý trị liệu, các bài tập vận động cổ bàn tay, bài tập kéo dãn gân gấp và duỗi cổ tay kết hợp điều trị bằng thuốc. Lưu ý việc sử dụng thuốc tiêm tại chỗ cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh biến chứng do sử dụng tiêm Corticoid có thể gây nhiễm trùng, chảy máu, giảm sắc tố da, teo da, thậm chí đứt gân và tổn thương thần kinh giữa.
Cân nhắc phẫu thuật đối với người bệnh không đáp ứng với các biện pháp bảo tồn hoặc có dấu hiệu chèn ép nghiêm trọng hơn của dây thần kinh giữa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn