Với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt, hướng về cơ sở, các phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm, cuộc vận động của Hội được triển khai sâu rộng, linh hoạt mang lại hiệu quả cao khi gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương như: cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với các tiêu chí của phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Các cấp Hội tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với “Sản xuất thực phẩm an toàn”, “Tiêu dùng sạch” thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người. Hằng năm, Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công trình/phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" bằng các hoạt động cụ thể xây dựng mô hình "Làng 3 sạch", "Khu dân cư không rác thải", “Ngày chủ nhật xanh”; nhận và thường xuyên quét dọn tại các “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, trồng cây thay thế cỏ dại ven đường, vẽ tranh tường kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, đặt các thùng rác phân loại rác thải tại các khu du lịch tâm linh; vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân đi chợ bằng làn...
Đặc biệt, nhân rộng “Chi hội phụ nữ phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO”, Hội góp phần mang lại lợi ích cho các gia đình từ việc tận dụng phế liệu tái chế góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác và mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., đồng thời làm giảm 40-50% lượng rác thải ra ngoài môi trường.
Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động hướng về phụ nữ đã tác động tích cực đến đông đảo cán bộ, hội viên, góp phần giúp phụ nữ ngày càng phát huy được vai trò trong gia đình và xã hội, các hoạt động thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước của phụ nữ Bắc Ninh ngày càng được lan tỏa.
“Để làm được điều này, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, tăng tính chủ động của các đơn vị trong xây dựng, lựa chọn nội dung ưu tiên, phù hợp với điều kiện địa phương; coi trọng xây dựng các mô hình mới, các công trình, phần việc thiết thực vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Mai cho biết.
Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, các cấp Hội đồng thời triển khai nhiều mô hình, phần việc hướng đến cộng đồng, xã hội. Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh thành lập mới các mô hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, lành mạnh cho chị em phụ nữ, tích cực thực hiện phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác trong phong trào rèn luyện đức, trí, thể, mỹ.
Hiện nay, 100% các cơ sở Hội duy trì được ít nhất một loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để luyện tập hàng ngày, trong đó có nhiều mô hình mới mang lại hiệu ứng xã hội, có sự lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ tại địa phương. Toàn tỉnh có 453 CLB Phụ nữ hát Dân ca Quan họ, 262 CLB Bóng chuyền hơi nữ, 152 CLB Khiêu vũ thể thao và 327 CLB Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút hàng chục nghìn lượt phụ nữ tham gia.
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, Hội vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể... Trong đó chú trọng hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hiện các cấp Hội đang quản lý ủy thác hơn 1.754 tỷ đồng, cho hơn 50.400 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 172 dự án được vay từ nguồn vốn Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh với số vốn lũy kế 128,28 tỷ đồng.
Các cấp Hội tiếp tục phát động chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, Duy trì “hũ gạo tiết kiệm/hũ gạo tình thương”, chương trình “Bánh chưng xanh cùng phụ nữ nghèo đón Tết”, “Đông ấm áp, Xuân yêu thương”... tới 100% cơ sở Hội và toàn thể cán bộ hội viên phụ nữ. Từ chương trình “Mẹ đỡ đầu- Kết nối yêu thương”, Hội kêu gọi sự chung tay, góp sức của cộng đồng cùng hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp các em vượt qua hoàn cảnh, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Đến nay đã có 83 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được Hội LHPN các cấp kết nối hỗ trợ, tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng.
Xác định mục tiêu “Nêu cao tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; huy động sự tham gia của toàn xã hội vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại”, các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức nhiều hoạt động đi vào chiều sâu, khơi dậy và phát huy tiềm năng, nội lực, làm rạng rỡ truyền thống cao đẹp của phụ nữ Bắc Ninh - Kinh Bắc, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn