Những mùa đào đơn đầy ắp hạnh phúc

10:00 | 20/02/2018;
Hôm nay, khi phác bức tranh để tặng mái ấm của đôi vợ chồng trẻ Hương và Đăng, thiền sư đã hỏi Hương về ký ức hạnh phúc. Hương đã kể rằng đó là về những mùa đào đơn trên một vùng núi xa và lạnh nhưng vẫn là những mùa hạnh phúc…

Hương là cô gái trẻ quê từ Cao Bằng xuống Hà Nội lập nghiệp. Hương có khả năng và tài năng nên chỉ mới 30 tuổi mà đã có một sự nghiệp khá thành công và ổn định ở Hà Nội. Hai vợ chồng họ chuyển đến căn hộ chung cư thơm mùi sơn mới và đầy những tiện nghi đắt tiền. Mẹ chồng cô theo Phật, hiểu những giá trị của phật giáo rồi truyền giá trị ấy cho những người con của mình. Bà mời đến nhà một thiền sư để các con có dịp chuyện trò, chia sẻ. Thiền sư nhìn căn hộ ấm, muốn vẽ một bức tranh trìu tượng tặng đôi bạn trẻ. Thiền sư đã hỏi người vợ - cũng là trái tim của ngôi nhà về ký ức hạnh phúc trước khi bắt đầu những nét vẽ của mình. Hương vốn là người nhạy cảm, cô để mình tuột theo dòng ký ức, ngay khi có cơ hội được tỏ bày.

thieu-nu-mong-mo-giua-vuon-dao-nhat-tan.jpg
Ảnh minh họa
 

Đó là những ngày lạnh, trong một ngôi nhà ở ven núi. Bà nhen bếp nấu cơm và không quên đặt cạnh bếp một củ khoai nhỏ. Bên bếp than hồng, nồi cơm gang dần chính. Mùi thơm của nước gạo bén với mùi than, mùi khói giống như mùi của gia đình. Lửa nhen lên, từ từ chín củ khoai nhỏ, vỏ khoai một phía xém đen, một phía teo lại. Khoai đào từ 2 tháng trước, rỉ ra từng giọt mật, mùi thơm của mật với mùi thơm của củi giống mùi của đủ đầy. Nồi cơm vừa được ủ thì cũng là lúc Hương được bà đặt vào lòng bàn tay củ khoai gói trong miếng lá chuối khô.

Ông bà thương chiều cô cháu nhỏ hết lòng vì cháu sớm phải sống xa mẹ cha. Cha công tác ở một xã vùng cao sát vùng biên giới. Mẹ thì đi học luật, học lý luận chính trị cao cấp tại Hà Nội ít khi về nhà. Vào những ngày vội vã, họ tranh thủ về thăm con gái. Thế nhưng cũng chỉ được chốc lát. Vậy mà Hương không thấy thiếu thốn bởi cô sống gần ông bà ngoại, nhận tình thương của ông bà ngoại mà lớn lên. Ông ngoại hay nói với Hương khi động viên cháu vượt qua những thiếu thốn thơ bé: “Gái nhỏ kiên cường, con cố lên!”. Hương còn nhớ những buổi chiều, sau giờ tan trường, sương bay mù mịt trên đường về thế nhưng cô không thấy cô đơn, ánh sương mỏng ban chiều và mùi khói bếp dẫn dắt cô về mái nhà ấy…

1-bb-baaabko2sl.jpg
Ảnh minh họa
 

“Cảnh nhà ông bà ngoại con đẹp lắm ạ”, cô gái bất giác reo lên khi nói với thiền sư. Con vẫn nhớ những đồi núi chập chùng với nương ngô, nương đậu, những cây đào to đến mùa xuân lại bung nở những cánh hoa đơn, những cây hoa mơ trắng muốt hoa nhiều hơn lá và cây gạo duy nhất trên đường đến tháng 3 lại nở đỏ chói, những bụi nhót rừng đến xuân lại đượm đầy màu quả chín… Cô gái bé nhỏ thường được mặc rất nhiều áo ấm, nhảy nhót trên những cung đường đầy đá hay lúi húi bắt giun, bắt dế ở gần bụi cây ven đường.

Trong câu chuyện của ký ức của Hương, có mùi thơm của khói, của thức ăn, có màu đào phai trên những con đường, có màu đỏ chói của hoa gạo, nhót rừng, có màu trắng tinh khiết của hoa mơ ở nơi góc núi… Quan trọng hơn cả đó là hương vị và màu sắc của hạnh phúc. Sống trong sự yêu thương, bao bọc, con người tự sinh ra sự yêu thương, vị tha, nhạy cảm. Cô yêu thương những người trong gia đình chồng vì họ sống gần cô.

vuon-dao-tet-huyen-trang11-1516276160984_pecz.jpg
Ảnh minh họa

 

Thiền sư nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của cô gái trẻ. Ông nói: “Hạt giống là khởi nguồn của những cái cây. Con người được nuôi dưỡng trong hạnh phúc nên con có hạnh phúc và sẽ hạnh phúc hơn nữa. Cảm ơn con đã chia sẻ để ta được bước vào vùng ký ức của con”. Ông vẽ rất nhanh bức tranh cho căn nhà ấy của đôi bạn trẻ. Vì đó là một bức tranh trừu tượng nên giàu ý nghĩa về sự nhắc nhở. Chồng Hương thì nói rằng: Nhìn bức tranh ấy, cậu thương cả vợ lẫn con mình. Bằng trách nhiệm của người cha, cậu sẽ luôn bên con và cho con cuộc sống đủ đầy. Còn Hương, cô bảo rằng, mỗi lần nhìn bức tranh, cô thấy xúc động trong sâu thẳm trái tim mình. Nó nhắc nhớ cô về hạnh phúc trong yên bình ở một miền xa… Từng nét màu huyền nhiệm của thiền sư như bao quát đến trọn vẹn tâm hồn những con người sống trong mái nhà ấy.

Bức tranh ấy được vợ chồng Hương - Đăng treo ở phòng khách, trung tâm của ngôi nhà. Họ gọi đó là bức tranh của ký ức.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn