Làm người thứ 3 lương thiện
Làm người thứ 3 là một nghề lạ lùng đang nổi lên tại Trung Quốc với mức thu nhập khủng lên tới khoảng 1 triệu nhân dân tệ (xấp xỉ 3,5 tỷ đồng)/năm. Nhiệm vụ của kẻ thứ 3 này là thuyết phục nhân tình của mình quay trở lại với tổ ấm theo yêu cầu của khách hàng. Đây chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Thông thường sẽ mất ít nhất 6 tháng và 300.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng) để đào tạo một “kẻ thứ 3” có đủ trình độ hành nghề.
Dịch vụ này bắt nguồn từ Thượng Hải, Thành Đô, Thâm Quyến nhưng nó đã lan rộng ra khắp Trung Quốc, trở thành một đề tài nóng được bàn tán xôn xao trên các phương tiện truyền thông.
Hầu hết các ý kiến đều tỏ ra lo ngại rằng dịch vụ này sẽ vi phạm một số luật và các quy tắc đạo đức, làm nảy sinh các vấn đề tiêu cực. Một số người cũng không giấu sự nghi ngờ của họ về tính hiệu quả của dịch vụ này. Họ cho rằng đây chỉ là một giải pháp tạm thời.
Trước những ý kiến trái chiều, Hiệp hội hôn nhân và gia đình Trung Quốc đang kêu gọi các chuyên gia đưa ra những hướng dẫn và quy định cụ thể cho những người làm nghề này, đồng thời mở một đường dây nóng trên phạm vi cả nước để giám sát chất lượng dịch vụ.
Chuyển phát nhanh sữa mẹ
Xuất phát điểm là một người đưa thư, tuy nhiên khi lập gia đình, có con và nhận thấy sự cần thiết của sữa mẹ, khi vợ hàng ngày phải hút sữa tại văn phòng rồi chuyển về nhà cho con, anh Nauval, đến từ Indonexia, đã nảy ra ý tưởng vận chuyển nhanh sữa mẹ. Cuối năm 2010, anh bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển sữa mẹ cho bạn bè mình. Đến tháng 1/2011, anh chính thức đưa công ty chuyên chuyển phát nhanh sữa mẹ Arga Nirwana Express vào hoạt động.
Nhân viên công ty Arga Nirwana Express được trang bị một túi làm lạnh có thể chứa được tới 8 bình sữa và mỗi người có thể chuyển sữa tới 3 địa chỉ/ngày. Người chuyển sữa được trang bị xe máy và thiết bị dò đường GPS. Giá của mỗi lượt chuyển phát khoảng 3,3-4,4 đô la.
Sứ giả thân thiện của thần chết
Không phải bác sĩ, cũng không phải y tá, “Death doula” là những người hỗ trợ và giảm nhẹ nỗi đau tinh thần cho người sắp chết, giúp họ ra đi trong yên bình. Cũng vì vậy mà không có cơ quan quốc gia hay quốc tế nào giám sát các yêu cầu để cấp chứng chỉ làm doula.
Trừ những trường hợp ra đi đột ngột, doula sẽ đến bên giường, ở bên bệnh nhân những giây phút cuối của cuộc đời.
Ngoài ra, doula còn chuẩn bị tinh thần cho thân nhân, giúp họ tập hợp di sản của người sắp chết như sách ảnh, các đoạn phim hay băng ghi âm và giúp họ hiểu quá trình ra đi diễn ra như thế nào.
“Bất cứ ai có một trái tim rộng lượng và tận đáy lòng muốn làm đều có thể trở thành doula... Các doula phải thực sự hiểu người sắp lìa cõi đời để lập kế hoạch làm những điều họ muốn trong những ngày, những tuần, những tháng cuối cùng của cuộc đời”, bà Janie, Chủ tịch Hiệp hội International End of Life Doula (INELDA), một trong các tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề “death doula” tại Mỹ, chia sẻ.
Những người bạn dốc bầu tâm sự
Nhật Bản đang phải vật lộn với các vấn đề về cô lập xã hội, đặc biệt là hiện tượng hikikomori (tự cô lập mình với thế giới bên ngoài) khi mà mọi người, đặc biệt là những người trẻ tự nhốt mình trong nhà thay vì bước ra ngoài xã hội. Vì vậy nhiều người đã tìm đến dịch vụ “cho thuê ossan” (người đàn ông từ 45 tới 55 tuổi) để giúp họ quên đi những kỳ vọng của gia đình, bạn bè và giải tỏa mọi áp lực một cách thoải mái.
Dịch vụ trên ra đời từ năm 2014 từ ý tưởng của ông Nishimoto. Vào 2 năm trước, đội ngũ của ông Nishimoto đã có khoảng 60 người đàn ông trung tiên hoạt động trên khắp nước Nhật.
Bất cứ ai có nhu cầu cần tâm sự đều có thể đăng ký dịch vụ trực tuyến của ông với mức giá khoảng 1.000 yên/giờ.
Ông Nishimoto cho biết mỗi tháng, ông thường nhận được yêu cầu từ 30-40 khách hàng và khoảng 70% trong số đó là phụ nữ. Đối tượng khách hàng của ông cũng vô cùng đa dạng, có thể là một thợ câu cá quá buồn chán vì phải ngồi một mình đợi cá cắn câu, một sinh viên đại học đam mê kinh doanh nhưng không được gia đình ủng hộ, một nhân viên trẻ vụng về không biết cách cư xử với những giám sát viên trực tiếp...
“Những người thuê tôi chỉ yêu cầu tôi ngồi với họ khoảng 1-2 giờ, chủ yếu là lắng nghe họ nói”, ông Nishimoto chia sẻ.
(Còn nữa)