Phật giáo ở Việt Nam có cả 2 hệ phái: Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa, nguyên thủy) và Phật giáo Bắc Tông (Đại thừa, phát triển). Vì vậy, trong việc ăn chay, Phật tử theo phái Bắc Tông ăn chay hoàn toàn, còn những người theo Phật giáo Nam Tông vẫn có dùng thực phẩm mặn tùy hoàn cảnh. Tuy vậy, vào ngày Phật Đản, tất cả những người theo đạo Phật đều ăn chay.
Tắm Phật là nghi thức long trọng nhất trong lễ Phật Đản. |
Một trong những nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ Phật Đản là tắm Phật. Việc tắm Phật trong ngày lễ Phật Đản là để những người con Phật tưởng nhớ lại ngày Đức Phật ra đời. Không chỉ thế, tắm Phật còn có ý nghĩa xóa bỏ những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc. Nghi thức tắm Phật được tiến hành bằng cách tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh. Đây là nghi thức được phổ biến ở nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau, đã xuất hiện từ lâu ở các nước Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc,… và được xem là một trong những nghi thức cao đẹp nhất để nói lên lòng tôn kính của những người cơn nhà Phật đối với đấng Giác Ngộ đã cứu vớt chúng sinh.
Ở Việt Nam, khi làm lễ tắm Phật, Phật tử nên đọc bài chú tắm sau:
Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh tịnh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp thân
Tỳ Gia thành lý vị tằng sanh
Sa La thọ gian vị tằng diệt
Bất sanh bất diệt lão Cồ Đàm
Nhãn trung khán kiến trùng thiên tiết
Kim triêu chính thị tứ ngoạt bát
Tịnh Phạn vương cung sanh Tất Đạt
Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai
Bỗng túc Liên Hoa tùng địa phá
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát phạ ha.
Thực hiện phóng sinh trong lễ Phật Đản. |
Trong ngày này, các Phật tử không sát sinh, nhiều người còn thực hiện phóng sinh nhằm tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài. Họ thường vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp để chào đón ngày Đức Phật ra đời. Bên cạnh đó, Phật tử thường đến chùa gần nơi mình sinh sống để làm việc thiện giúp nhà chùa vào ngày này, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để tâm hồn được thanh tịnh.
Ngày lễ Phật Đản hằng năm luôn được giới tăng ni, Phật tử và nhân dân ta tổ chức long trọng. Lòng kính Phật được người dân Việt Nam thể hiện rất rõ nét bởi từ thời Lý, Phật giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tôn giáo ở nước ta.
Các Phật tử ăn chay, không sát sinh vào ngày Đại lễ Phật Đản. |
Sau khi đất nước thống nhất, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm 1981 đều tổ chức đại lễ Phật đản hằng năm vào ngày Rằm tháng 4 một cách trang trọng, thành kính. Với lễ đài được trang trí trang nghiêm, các tăng ni, Phật tử dâng hương tưởng nhớ, tôn kính Đức Phật và thực hiện nghi lễ tắm Phật với sự cầu mong thân thể và tâm hồn luôn được trong sạch.
Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố, làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa… với hàng nghìn tăng ni, Phật tử tham dự. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không phung phí, tốn kém mà thể hiện bằng tấm lòng thành, vốn là đạo lý nhà Phật.
Các thiền sư tổ chức giảng kinh cho các Phật tử trong ngày lễ Phật Đản. |
Trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với đạo pháp hoặc những gia đình Phật tử có thành tích trong xây dựng Phật pháp, xây dựng địa phương… thực hiện ghi công, tri ân và báo ân theo tinh thần Phật giáo.
Còn tại một số nước châu Á, vào ngày Phật Đản, để không ai bị đói, nhà nào cũng để mâm cơm ở trước cửa và ai cũng được mời ăn.