Những người chăm muỗi như con

14:09 | 10/03/2016;
Phản ứng đầu tiên của bạn khi thấy muỗi là gì ? Đập ngay. Nhưng có những cán bộ ở Việt Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng lại miệt mài chăm muỗi như nuôi con mọn, với tất cả sự tận tụy, mồ hôi và máu của mình, theo đúng nghĩa đen.
Công việc của nghiên cứu viên Trịnh Thị Kim Oanh tại Tổ nuôi côn trùng (Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Côn trùng và Ký sinh trùng trung ương) suốt 10 năm nay tỉ mẩn như nuôi con mọn: chọn trứng muỗi, thả trứng, bắt quăng, cho muỗi ăn và ... giao phối nhân tạo cho muỗi.
Ở phòng nuôi muỗi của chị Oanh có rất nhiều lồng nuôi cho từng chủng muỗi như Anopheles dirus, Anopheles minimus, Anopheles epiroticus... gây bệnh sốt rét.
Quy trình nuôi bắt đầu từ khâu chọn trứng. Đầu tiên, trứng được thả vào những khay nước sạch, được đánh số cẩn thận và sắp xếp theo từng thời kỳ phát triển từ quả trứng bé tí như đầu tăm nở thành cung quăng.
Khoảng 3-4 ngày sau, khi trứng nở thành cung quăng, người nuôi bắt đầu thả thức ăn tổng hợp gồm đậu xanh và một số loại vitamin để nuôi.
Việc nuôi cung quăng tùy theo loài và theo mật độ. Một khay chỉ nhốt trung bình 400-500 con.
Sau 10-15 ngày, quăng phát triển thành quăng trưởng thành, chúng sẽ được nhặt để đem nhốt vào lồng nuôi thành muỗi.
Người nuôi khi nhặt phải đếm số lượng để nắm được số con nhốt vào lồng. Khoảng 1-2 ngày sau, quăng nở thành muỗi.
Để sinh trưởng tốt, ban đầu đàn muỗi được cho hút đường gluco. Sau đó 3-5 ngày, muỗi được cho hút máu chuột. Tuy nhiên có một "món" không thể thiếu với muỗi là máu người. Những nghiên cứu viên như chị Oanh phải nuôi muỗi bằng máu của chính mình.
Ngồi cho muỗi đốt là công việc cực nhọc và đòi hỏi sự kiên trì. Mỗi "bữa ăn" của muỗi thường kéo dài 15 phút hoặc hơn. Người cho muỗi đốt lại không được làm chúng giật mình "bỏ bữa". Sau mỗi lần cho ăn, tay chị Oanh và các đồng nghiệp thường chi chít nốt muỗi đốt. Tuy ngứa nhưng không ai được gãi, mà dùng nước xà phòng rửa sạch rồi bôi kem cho dịu.
Thụ tinh nhân tạo cho muỗi là công đoạn rất kỳ công. Đầu tiên phải gây mê cho muỗi. Chị Oanh dùng một chiếc ống thủy tinh đưa vào lồng để bắt nhốt khoảng 10 muỗi đực rồi gây mê bằng bông tẩm ête. Sau đó, chị tiếp tục gây mê với 10 muỗi cái.
Dưới kính hiển vi, chị dùng chiếc kim phẫu thuật nhỏ giữ muỗi đực đưa lại gần muỗi cái để chúng giao phối. Một buổi, chị giúp giao phối nhân tạo được cho hơn chục cặp muỗi. Không phải thực hiện một lần đã thành công ngay mà có khi chị phải làm nhiều lần mới giúp việc thụ tinh cho muỗi thành công. Chị Oanh phải đảm bảo giao phối được hết cho số muỗi trong lồng. Những chủng muỗi bắt về có 15-20 thế hệ, trung bình mỗi thế hệ kéo dài trong 1 tháng để hoàn tất vòng quay giao phối - đẻ trứng - nở quăng - thành muỗi - giao phối.
Chị Trịnh Thị Kim Oanh chia sẻ về công việc đặc biệt của mình:

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn