Rời bản Cà Moong từ lúc tờ mờ sáng để ra trung tâm xã Lượng Minh giải quyết công việc, ông Moong Văn Hợi, Trưởng bản, trở về nhà khi trời đã tối nhọ mặt người. "Không hiểu sao, hơn 10 năm trước, những bậc cao niên trong bản lại chọn đỉnh núi này để ở. Nơi đây không điện, không đường, không sóng điện thoại và không có đất sản xuất khiến người dân khổ trăm bề", ông Hợi nói.
Theo ông Hợi, bản Cà Moong trước đây thuộc xã Kim Đa. Khi xây dựng thủy điện Bản Vẽ, có 4 bản chuyển về huyện Thanh Chương tái định cư nhưng bản Cà Moong "định cư tại chỗ" bằng cách di chuyển lên ngọn núi cao và sáp nhập về xã Lượng Minh.
"Thời điểm đó, Nhà nước rất quan tâm, mời các vị già làng xuống Thanh Chương để tham quan khu đất dự kiến sẽ về tái định cư nhưng các cụ không ưng nên đã chọn nơi ở hiện tại. Bây giờ, vùng tái định cư ở Thanh Chương rất phát triển, cuộc sống khác hẳn với trên này. Chúng tôi chỉ biết tiếc nuối", ông Hợi nói.
Thời điểm bản Cà Moong di chuyển từ lòng hồ lên đỉnh núi, để chuyển vật liệu làm nhà cho các hộ dân, một con đường được mở xuyên núi từ bản Côi vào. Thế nhưng theo thời gian, con đường đã bị sạt lở, xói mòn và nhiều năm nay, người dân không thể đi lại trên con đường đó. Không còn cách nào khác, dân bản Cà Moong phải sắm thuyền và chọn cách di chuyển trên lòng hồ thủy điện mỗi khi có việc cần ra ngoài.
"Từ bản Cà Moong muốn ra UBND xã Lượng Minh phải đi 3 chặng. Chặng đầu tiên là di chuyển từ bản xuống lòng hồ, sau đó đi thuyền đến bến Thượng Lưu nằm ngay trên chân đập Bản Vẽ, từ đây di chuyển tiếp bằng xe máy. Quãng đường khoảng 40 km nhưng mất tầm 3 tiếng di chuyển", chị Ốc Thị Khoa, một người dân bản Cà Moong, chia sẻ.
Người lớn đi lại đã khó, trẻ nhỏ đến trường còn khó khăn gấp bội. Ở Cà Moong, những đứa trẻ đang ở cấp tiểu học đã phải khăn gói quả mướp vượt rừng, vượt hồ để đi tìm cái chữ. Ở bản hiện vẫn có một điểm trường với 4 thầy cô giáo, họ đều là người miền xuôi lên đây "gieo chữ".
Tuy nhiên, thầy giáo Lương Văn Thành cho biết: "Do quy định mới nên điểm trường hiện chỉ có học sinh lớp 1 và 2. Học sinh từ lớp 3 phải xuống trường tại bản Minh Tiến, xã Lượng Minh, ở bán trú để học". Trước khi đến với bản Cà Moong vào năm 2019, thầy Thành có nhiều năm công tác ở xã Hữu Khuông.
"Hữu Khuông cũng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tôi từng dạy ở điểm trường đi bộ 6 tiếng mới đến nơi. Tuy nhiên, đường vào đấy cũng không vất vả như vào bản Cà Moong. Mười mấy năm dạy học, đây là địa bàn vất vả nhất mà tôi từng đến", thầy Thành chia sẻ.
Chúng tôi khá bất ngờ khi thầy Thành cho biết, từ lâu, toàn bộ dân bản đã chọn cách di chuyển bằng đường lòng hồ. Con đường từ bản Côi vào Cà Moong có thầy Thành, thầy Vi Văn Mùi và 2 cô giáo Vi Thị Thìn, Vi Thị Thiên vẫn đều đặn tuần 2 lần đi về bằng đường bộ.
"Chúng tôi vừa dắt bộ, vừa đi và nhiều khi mấy người phải phối hợp khiêng từng xe qua đoạn sạt lở nên thường đi mất 3-4 tiếng mới ra đến UBND xã. Gọi là đường nhưng giờ nhiều đoạn chỉ là lối mòn, toàn đá hộc", thầy Thành cho hay.
Để đi được trên con đường ấy, các thầy cô luôn chở theo cuốc, xẻng, dây thừng mỗi khi "xuống núi". Vất vả là vậy nhưng nguồn động viên lớn nhất đối với 4 thầy cô giáo là các em nhỏ ở bản nghèo này rất hiếu học. "Bản có 165 hộ dân, có đến 124 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo. Trong tổng số 43 học sinh của điểm trường, số em không thuộc diện hộ khó khăn chỉ đếm trên đầu ngón tay", thầy Thành chia sẻ.
Được biết, năm 2011, huyện Tương Dương đã khởi công xây dựng tuyến đường từ bản Côi đi Cà Moong. Tuyến đường dài hơn 18km, với tổng kinh phí khoảng 195 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khi mới giải ngân được 72 tỷ đồng thì hết vốn và việc làm đường bị dừng từ đó đến nay.
Chia sẻ với báo chí, ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho biết: "Cứ sau mỗi trận mưa đường lại hư hỏng. Tôi cũng không nhớ nổi, mỗi năm bao nhiêu lần phải huy động người dân cả bản đi khắc phục đường nữa.
Thế nhưng, không có máy móc hỗ trợ, người dân chỉ sửa đường theo cách thủ công. Mỗi đợt khắc phục có khi mất đến 3 ngày công. Vất vả là vậy nhưng khắc phục xong cũng không được lâu, rồi đâu lại vào đấy. Đến thời điểm hiện tại, con đường coi như đã hư hỏng hoàn toàn và người dân đã chọn đường thủy để đi lại", ông Phúc nói.
Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết thêm, người dân rất mong có một con đường để đi. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng đó lên cấp trên. Tuy nhiên, ngân sách để làm đường là quá lớn và trước mắt, người dân chỉ mong con đường được sửa lại nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực.
Cách đây 4 năm, điện lưới đã được kéo về bản và năm 2022, nơi đây cũng đã có sóng điện thoại. Người dân cho rằng, vì giao thông cách trở nên cái nghèo cứ đeo bám lấy cuộc sống của họ. Thế nhưng, theo trưởng bản Moong Văn Hợi, đó không phải là nguyên nhân chính.
"Trước đây, chúng tôi ở xã Kim Đa đi lại cũng không thuận lợi nhưng nơi ấy chăn nuôi phát triển, đất sản xuất rộng mênh mông. Còn hiện tại, bản Cà Moong chỉ có nhà ở và bốn bề là rừng. Người dân vẫn phải dùng thuyền vượt lòng hồ về bản cũ canh tác - nơi diện tích chưa bị ngập nước. Mỗi lần về bản cũ phải ở lại cả tuần, cả tháng, rất vất vả cho người dân", ông Hợi chia sẻ.
Cũng theo ông Hợi, mong muốn cháy bỏng của người dân vẫn là có đường để đi lại. Bản Cà Moong từng chứng kiến cái chết thương tâm của một người phụ nữ trẻ khi đang trên đường đi cấp cứu. Ông Hợi cũng như người dân trong bản không ai dám chắc rằng, với điều kiện đi lại khó khăn như hiện tại, những chuyện đau lòng như thế không còn xảy ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn