Họ là những tình nguyện viên, là các tín đồ Phật tử, học sinh sinh viên, cán bộ công chức trên khắp mọi miền của đất nước cùng hội tụ về, cùng chung một tâm nguyện: Nỗ lực hết mình vì Đại lễ của LHQ. Họ được bố trí thành nhiều nhóm, đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Hỗ trợ phân luồng, hướng dẫn đại biểu du khách; đón, tháp tùng và phiên dịch cho các đại biểu quốc tế; phục vụ cho bộ phận hậu cần tại khu nhà bếp và khu ẩm thực; cấp phát các suất ăn chay cho du khách; hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật, thả hoa đăng, lễ tắm Phật, đàn lễ cầu nguyện hòa bình; phục vụ việc thu gom rác và đảm bảo vệ sinh trong suốt những ngày trước, trong và sau Đại lễ.
Và có lẽ không phải ai cũng biết rằng đằng sau vẻ đẹp lung linh, rực rỡ, ấn tượng của Đại lễ là sự lao động miệt mài, nghiêm túc của những vị đạo diễn, nhà thiết kế, nghệ nhân làm nên các chương trình, sự kiện đặc sắc cho Đại lễ. Họ đã cùng êkip sáng tạo nên những ý tưởng độc đáo, mang đậm hồn cốt Việt để truyền tải, lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt đến được nhiều nơi trên thế giới. Dịp này, chúng tôi có dịp gặp 2 người trong số họ.
Tôn vinh vẻ đẹp đất nước qua ngôn ngữ các loài hoa
Đến với không gian của Hội trường chính, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, Hà Nam, các vị khách mời, đại biểu không khỏi ấn tượng với sắc màu rực rỡ của các loài hoa. Hoa được bài trí khắp nơi: Trên sân khấu, trong khu vực tiền sảnh và nơi tắm Phật.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội), chủ nhân của những ý tưởng thiết kế và trang trí hoa toàn bộ khu Hội nghị, cho biết, sở dĩ anh chọn hoa có tông màu đỏ và vàng là chủ đạo vì đó là màu cờ Tổ quốc - màu biểu tượng của đất nước Việt Nam. Đây là lần thứ hai, anh tham gia phục vụ Đại lễ Vesak, trước đó là khi Đại lễ được tổ chức tại Ninh Bình vào năm 2016.
Năm nay, đến với Đại lễ, anh cùng êkip hơn 20 người của mình tạo nên một concept (phong cách) độc đáo và hài hòa với việc sử dụng chất liệu chính là hoa tươi Đà Lạt cùng với các hình tượng: Chim lạc- biểu tượng cho nòi giống lạc hồng của Việt Nam, trống đồng- biểu tượng văn hóa của người Việt, hoa sen- tượng trưng cho Đức Phật. Theo anh Hùng, sự thống nhất về màu sắc, chất liệu sẽ làm tôn lên sự thành kính và nổi bật.
Là một nghệ nhân, được vinh dự tham gia phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước, anh Nguyễn Mạnh Hùng luôn trăn trở phải làm sao đưa được những ý tưởng, các sản phẩm để mọi người cùng thưởng thức, chiêm ngưỡng, cảm nhận được vẻ đẹp của đất nước Việt Nam thông qua ngôn ngữ các loài hoa.
Gửi gắm thông điệp “Hòa bình và lan tỏa”
Cũng đến với Đại lễ của LHQ lần thứ 2, anh Phạm Hữu Lợi đến từ TPHCM - Tổng đạo diễn thiết kế trang trí khánh tiết khu vực ẩm thực và phục vụ các bữa tiệc buffet chay cho đại biểu - mang theo 3 chủ đề thiết kế cho những ngày diễn ra Đại lễ. Mặc dù giọng lạc đi vì mệt, anh vẫn say sưa kể cho chúng tôi nghe về những ý tưởng của mình. Chủ đề ngày thứ nhất là: Tâm sen. Với chủ đề này, sen được trang trí khắp nơi, từ các tiểu cảnh đến chuyên đề. Theo anh Lợi, sen biểu trưng cho sự thanh tịnh, kiên nhẫn, trong sạch và sức vươn lên, nỗ lực không ngừng. Chủ đề ngày thứ hai là: Hồn Việt với việc sử dụng hoàn toàn các chất liệu bằng mây tre nứa, ở giữa khu nhà ăn là cánh đồng lúa với hình tượng là những cánh cò, cái nơm, chiếc nón lá khơi gợi những nét đặc trưng của làng quê Việt: Mộc mạc, chân tình và mến khách. Chủ đề ngày thứ ba: Sắc màu Phật giáo, là chủ đề được anh Lợi rất tâm huyết. Anh bảo: Đến ngày thứ ba, trên mỗi bàn sẽ hội đủ màu áo của Phật giáo các nơi trên thế giới như: Nâu, xám, vàng, vàng đậm…
Với thông điệp: Hòa bình và lan tỏa, anh mong muốn thông qua Đại lễ của LHQ lần này, hòa bình sẽ được lan tỏa đến mọi nơi trên thế giới, để mọi người được sống yên vui, hạnh phúc.
Đến với Đại lễ lần này, anh Lợi cùng với các đầu bếp được tuyển chọn từ các chùa của 3 miền Bắc Trung Nam làm nên những đại tiệc buffet phục vụ mỗi ngày trên một chục ngàn người. Anh kể: Để chuẩn bị trên 150 món ăn trong 3 ngày và liên tục phải thay đổi, anh cùng êkip của mình phải chuẩn bị ròng rã 6 tháng trời. Mỗi loại thực phẩm, rau củ quả đều có thể sáng tạo ra rất nhiều món. Đơn cử như sen có thể chế biến món gỏi sen, gỏi ngó sen, cơm sen, xôi sen, sữa sen… Đặc biệt, tất cả các món ăn đều không dùng chất phụ gia, mà vị ngọt được chắt lọc từ các loại rau củ quả.
Ngoài lực lượng nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn lên đến cả nghìn người, hàng chục nghệ nhân làm công việc trang trí, êkip còn phải tuyển thêm hàng trăm tình nguyện viên làm các công việc phụ giúp khác. Để làm tròn trách nhiệm Tổng đạo diễn, anh Lợi bảo, cả tuần nay, đêm nào anh cũng đến 3,4 giờ sáng mới được đi ngủ. Bao giờ hết Đại lễ mới hết lo. Nhưng điều anh cảm thấy trân trọng nhất là mọi người đều phát tâm, tự nguyện với mục tiêu cao nhất là đem lại sự hài lòng, hoan hỉ cho người đến dự.