Vượt qua con dốc dựng đứng, chị Lầu Y Mò, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Càn, dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Xồng Y Pay khi bóng chiều đã đổ dài trên dãy núi Pu Xai Lai Leng. Bà Pay hiện nuôi 11 đứa cháu, trong đó cháu lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi.
Đang là những ngày nghỉ hè nên công việc của bà Pay có phần nhàn hạ hơn khi không phải đưa đón các cháu đi học. Mỗi bữa, bà Pay chỉ cần cho các cháu ăn xong là đám trẻ theo nhau ra con dốc đầu bản chơi, đến khi đói bụng lại tìm về nhà.
Vậy nhưng, có hôm cơm được dọn ra rồi, bà Pay mới tá hỏa khi phát hiện thiếu một cháu. Đi tìm thì bà phát hiện đứa cháu chơi mệt rồi ngủ quên dưới chân dốc. Kể từ đó, bà Pay phải cẩn thận đếm số cháu.
Bà Pay là người Mông, không được đi học nên bà nói tiếng phổ thông không sõi. Bà giao tiếp với chúng tôi chủ yếu qua "thông dịch viên" là cán bộ xã Nậm Càn. Bà Pay cũng chẳng biết năm nay mình bao nhiêu tuổi. Nhẩm tính qua các mùa nương rẫy, bà "áng chừng" tuổi của mình ngoài 50.
Chồng bà Pay mất từ lâu, một mình bà vất vả nuôi 5 đứa con (3 trai, 2 gái) khôn lớn. Không có điều kiện ăn học đầy đủ nên các con bà Pay lấy vợ, lấy chồng từ sớm.
Ở bản, đất sản xuất chẳng có nên sau khi lập gia đình, các con của bà Pay lần lượt rời bản đi làm ăn, để lại cho bà Pay những đứa trẻ. "Tôi đang chăm sóc 11 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Vất vả nhất là 2 cháu Và Bá Hùa (6 tuổi) và Và Bá Công (5 tuổi) chưa biết nói. Ngoài ra, cháu Lầu Bá Nù năm nay 2 tuổi nhưng vẫn chưa chịu mặc quần dù tôi đã cố gắng chỉ bảo", bà Pay chia sẻ.
Cũng theo bà Pay, với mỗi đứa cháu, bà đều phải đóng vai trò như người mẹ bởi từ lúc chúng mới 9-12 tháng tuổi là các con dâu, con gái của bà đã cai sữa và để lại cho bà rồi đi làm ăn xa. Các con đi biền biệt, Tết mới về. Một mình nuôi đàn cháu nheo nhóc nên khoảng 10 năm nay, bà Pay gần như không có được một phút nghỉ ngơi.
"Chưa đêm nào tôi có được giấc ngủ trọn vẹn. Mấy đứa nhỏ đêm đến thường quấy khóc, đứa nào cũng đòi ngủ cạnh bà rồi đánh nhau chí chóe. Tôi trải 2 chiếc chiếu ra nền nhà, tôi nằm ở giữa để chúng không tranh nhau", bà Pay kể lại.
Trong 11 đứa cháu của bà Pay, không phải đứa nào cũng khỏe mạnh. Hôm chúng tôi đến thăm, bà Pay vừa phải đưa cùng lúc 3 cháu bé đi viện khám. Rất may, bệnh tình các cháu không có gì nghiêm trọng, các cháu chỉ bị sốt, viêm họng và bác sĩ cho biết chỉ cần uống thuốc sẽ khỏi.
Bà Pay bảo, bà cũng không biết các con làm công việc gì nhưng thường chỉ đến Tết mới về, hết Tết, tất cả lại ra đi. Do không được học hành đến nơi đến chốn, chỉ đi làm lao động phổ thông nên các con bà Pay cũng rất vất vả.
Cố gắng lắm, họ cũng chắt chiu được chút tiền gửi về cho bà Pay nuôi cháu. Nhà bà Pay vẫn thuộc hộ nghèo. Ngôi nhà gỗ thấp lè tè mà bà Pay và các cháu đang ở cũng là nhà tình nghĩa.
Chị Lầu Y Mò cho biết, xã Nậm Càn là nơi 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống người dân còn rất khó khăn khi xã có hơn 400 hộ dân nhưng số hộ nghèo là 184 hộ (chiếm 38,9%).
Là một trong những xã có dân số thấp bậc nhất ở huyện Kỳ Sơn nhưng số người tảo hôn ở Nậm Càn luôn thuộc hàng đầu. Lấy vợ, lấy chồng quá sớm, cứ sau khi cai sữa, hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều để con lại cho người thân chăm sóc rồi đi làm ăn xa.
Theo ông Và Pá Cha, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Càn, địa phương này chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất không có, trong khi chăn nuôi không phát triển. Những năm gần đây, 70% lao động trong độ tuổi đều đi làm ăn xa, tại các bản làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.
"Gia đình bà Pay không phải là trường hợp hiếm gặp. Cách nhà bà Pay một hai nóc nhà tranh là gia đình bà Xồng Y Chư cũng cùng cảnh ngộ và ở xã còn rất nhiều trường hợp như thế. Đi làm ăn xa, kinh tế được cải thiện nhưng các cháu bé phải để lại cho ông bà chăm sóc, sẽ rất thiệt thòi cho các cháu khi thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ", ông Cha chia sẻ.
Bà Chư có 5 người con (3 trai, 2 gái) nhưng hiện chẳng có người con nào ở bản. "Tôi đang nuôi 6 đứa cháu nội. Tất cả những đứa trẻ này tôi đều nuôi từ khi mới 9 tháng tuổi, thời điểm mẹ chúng cai sữa. Đến nay, đứa lớn tuổi nhất đã 10 tuổi rồi.
Các con tôi làm thuê tận Bình Phước nên Tết mới về. Tôi gần như không làm được việc gì ngoài chăm lo cho đàn cháu. Cũng may bây giờ cháu nhỏ tuổi nhất cũng đã 3 tuổi, có thể tự ăn cơm, tự tắm rửa nên cũng đỡ vất vả", bà Chư chia sẻ.
Ngay dưới chân dốc, cách nhà bà Chư khoảng 100 mét là gia đình anh Và Tồng Xo (35 tuổi) và vợ Xồng Y Bố (32 tuổi). Cũng như nhiều gia đình người Mông nơi đây, nhà chị Bố rất nghèo. Ngôi nhà gỗ trống trước, hở sau và trong nhà chẳng có lấy một vật dụng gì đáng giá.
Hôm chúng tôi đến thăm, nhà chị Bố như lớp trẻ mẫu giáo khi có đến hàng chục cháu nhỏ đang chơi đùa trước sân nhà. Cô bé lớn nhất, gương mặt thanh tú là Và Y Chì, con gái của chị Bố, học lớp 7.
Ôm đứa em vào lòng, ngồi bên bậc cửa, Y Chì cho biết, đang trong thời gian nghỉ hè nên em ở nhà vừa trông nhà vừa trông em. Đã nhiều năm nay, bố mẹ và các chị đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có Chì và 2 đứa em Và Bá Cô (9 tuổi) và Và Y Dở (6 tuổi).
Chị Lầu Y Mò cho biết, gia đình chị Bố thuộc diện hộ nghèo. Nhà chị Bố có 6 người con. Chị Bố làm mẹ từ năm 14 tuổi nên năm nay, con lớn của chị là Và Y Đơ đã 18 tuổi. Mới 18 tuổi nhưng Y Đơ đã có con 3 tuổi.
Theo thống kê của Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện Kỳ Sơn, những năm gần đây, có hơn 11.000 lao động của huyện đi làm ăn ở các tỉnh, thành phố. Trong đó, nhiều gia đình cả bố, mẹ đi làm ăn xa, để con cái ở nhà cho ông bà, người thân chăm sóc. Việc giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu gần như nhờ cả ông bà, thầy cô giáo.
Bà Vi Thị Quyên, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, tình trạng người lao động Kỳ Sơn đi làm ăn ở các tỉnh là xu thế dịch chuyển lao động theo quy luật thị trường, ở đâu có việc làm, có thu nhập thì sẽ kéo lao động về đó.
Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển lao động cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó có chuyện con cái của lao động xa quê, vấn đề trẻ bỏ học sớm… Theo điều tra khảo sát của Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn đối với 491 học sinh ở 5 trường học vào đầu tháng 3/2024, có 55% số học sinh được hỏi cho biết có bố mẹ đi làm ăn xa.
"Toàn huyện năm học 2023-2024 có 6.273 học sinh THCS. Nếu có hơn một nửa số bố mẹ của các em đi làm ăn xa thì vấn đề nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục các em thật sự đáng quan tâm", bà Quyên nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn