Những người phụ nữ đầu tiên trong ngày về tiếp quản Thủ đô

14:20 | 10/10/2016;
Ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô hơn 60 năm trước dường như vẫn sống mãi trong tâm trí bà Trần Tú Lan, một trong những cán bộ đầu tiên về tiếp quản Hà Nội và bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, nghệ sĩ của đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Năm 1948, bà Trần Tú Lan (vợ của nhà văn hóa Trần Việt Phương) đang làm cho một cơ quan dân vận thì được cử đi học trong nước. Đến năm 1951, bà tiếp tục được cử sang học tại Trung Quốc. Bà học tại khu học xá Nam Ninh, sau đó đi dạy học một năm thì nhận nhiệm vụ tham gia cải cách ruộng đất.

Đang cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên, bà đuợc điều động về tham gia lớp học của các cán bộ chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Lớp học nằm ở Khuây Kì, huyện Đồng Hỉ, tỉnh Thái Nguyên và kéo dài  trong hơn một tháng trời.

Tham gia lớp học để tiếp quản Thủ đô hồi đó, về sau này toàn là những người nắm giữ các trọng trách lớn của đất nước trong nhiều lĩnh vực chuyên môn như ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo… Người giảng gồm có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…

Một trong những câu chuyện mà bà Lan nhớ mãi và xem như kim chỉ nam cho hoạt động của mình về sau này, đó là câu chuyện về chiếc đồng hồ trong bài giảng của Bác Hồ. Bác nói, cái kim làm nhiệm vụ chỉ giờ giấc, cái ốc vít cũng làm đúng nhiệm vụ của ốc vít, việc nào ra việc ấy. Nếu bây giờ ốc vít mà làm nhiệm vụ của kim thì không còn là chiếc đồng hồ nữa. Về sau, tổ chức phân công đi đâu, làm gì, bà cứ thế tuân thủ, không mảy may đòi hỏi.

1.jpg
 Thủ đô Hà Nội ngày giải phóng

Kết thúc lớp học, rồi cũng đến ngày tiến về Hà Nội tiếp quản Thủ đô. Lớp cán bộ tiến vào Hà Nội ngay sau bước chân của đoàn quân trong Đại đoàn 308. “Vui nhất là chúng tôi mặc quần trắng, áo dài và đeo phù hiệu đơn giản có ghi dòng chữ: Cán bộ tiếp quản Thủ đô. Phố phường lúc này nhiều cờ đỏ sao vàng, hoa và khẩu hiệu khắp nơi. Dạo quanh Hà Nội từ Cửa Nam đến Hàng Gai, Hàng Đào... Thủ đô khi đó rất bình yên”. Đó là những gì ấn tượng nhất với bà Trần Tú Lan về buổi sáng hôm ấy ở Hà Nội.

Còn với bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, một trong số những nghệ sĩ của đoàn văn công Tổng cục Chính trị được vào tiếp quản Hà Nội đúng ngày 10/10/1954. Hà Nội đối với bà có những điều thật mới mẻ.

Khi nhận được lệnh về tiếp quản Thủ đô vào tháng 8/1954, lúc đó đoàn văn công của bà đang ở Thái Nguyên, bà Ngọc Xuyến lúc đó mới 17 tuổi. Khi tổ chức hội diễn toàn quân, Tổng cục Chính trị đã quyết định thành lập 3 đoàn văn công: Một đoàn về các tỉnh đồng bằng phía Bắc, một đoàn vào Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón đồng bào tập kết, bà Ngọc Xuyến thuộc đoàn Tổng cục về tiếp quản Hà Nội.

v-chng-nst-nguyn-mnh-h-nguyn-th-ngc-xuyn.jpg
 Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Xuyến và Nguyễn Mạnh Hà thuộc đoàn văn công Tổng cục Chính trị từng về tiếp quản Thủ đô

Ngay sau khi đại hội kết thúc, đoàn bắt đầu hành quân bộ về Hà Nội, khi tới Phùng thì dừng lại và ở đó suốt 2 tháng để làm các công tác chuẩn bị cả về vật chất lẫn tinh thần, chờ ngày vào tiếp quản. Vì là đoàn văn công nên phải chuẩn bị các tiết mục để biểu diễn chào mừng ngày giải phóng như múa sạp, múa nón, kéo pháo… với tinh thần mang văn hóa nghệ thuật cách mạng đến với nhân dân Thủ đô.

Sau thời gian chuẩn bị, sáng 9/10/1954, cả đoàn lên đường vào tiếp quản. Trước khi đi, mỗi người được phát một bộ quân phục mới, ai cũng ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ. Cảm giác vô cùng sung sướng và tự hào khi đi đến đâu cũng đều gặp người dân cầm cờ hoa ra đón.

Khoảng 2 giờ chiều, đoàn dừng chân tại chùa Hà, Cầu Giấy. Đến 19 giờ, có mấy chiếc xe bọc kín đến đón, đưa đoàn vào trong phố. Bà Ngọc Xuyến kể: đi tới Cầu Giấy nghe thấy tiếng leng keng, chồng bà - NSƯT Mạnh Hà, cũng là diễn viên đoàn văn công Tổng cục Chính trị giật mình ngó ra xem thì thấy hai khối đen to lù lù đang đi tới, hỏi ra mới biết đó là tàu điện.

Trước khi về đến Hà Nội, vì trời mưa nên ông rất lo lắng, sợ không có trăng, vì nghĩ không có trăng mà vào thành phố ban đêm thì làm sao thấy đường mà định hướng được. Vào nội thành, vợ chồng rất ấn tượng trước vẻ đẹp của các thiếu nữ trong tà áo dài, thích thú khi lần đầu tiên được thưởng thức cây kem mát lạnh. Còn chồng bà thì tròn mắt ngạc nhiên vì giữa đêm khuya mà đường phố sáng choang. Thì ra ở Thủ đô đêm xuống có đèn điện chiếu sáng.

Khi xe chở đoàn đi đến cổng thành phía Nam, có một chiếc xe con từ đằng trước đi lại, đó là xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiếc xe đó dừng lại. Đại tướng bước xuống hỏi: “Có phải xe của đoàn văn công không?” anh em trả lời “Đúng ạ!”. Đại tướng vui vẻ nói: “Cứ tìm nhà nào đẹp nhất mà nghỉ”. Mọi người cười rộ lên, vui mừng khôn xiết. Sau đó, chúng tôi vào một ngôi nhà lớn, trải chiếu, mắc màn để nghỉ. Đêm đầu tiên ở trong căn nhà đẹp giữa Thủ đô cả đoàn ai cũng trằn trọc không sao ngủ được.

on-vn-cng-tng-cc-chnh-tr-vo-tip-qun-th.jpg
 Đoàn văn công Tổng cục Chính trị vào tiếp quản Thủ đô

"Ngày 10/10, chúng tôi lại lên ô tô đi đón đại quân vào tiếp quản Thủ đô trong rực rỡ sắc màu cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng. Đến 15 giờ, nghi lễ chào cờ được tiến hành. Chúng tôi cùng mọi người lắng nghe đọc thư của Bác Hồ.

Từ ngày 11/10/1954, đoàn văn công bắt đầu những buổi biểu diễn đầu tiên ở nhà máy đèn Bờ Hồ, nhà máy điện Yên Phụ. Nhất là buổi diễn ở nhà Đấu Xảo, người dân đến xem rất đông, ai cũng quý, cũng thương bộ đội, không khí rất vui vẻ và đầm ấm. Đó cũng là lần đầu tiên đoàn biểu diễn xong được tặng hoa, lần đầu tiên biểu diễn trước những con người Hà Nội duyên dáng, xinh đẹp và lịch lãm" - bà Xuyến nhớ lại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn