Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến tự hào là nơi hội tụ, chiếm 1/3 số làng nghề của cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, 318 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Đặc biệt, phụ nữ chiếm 65% trong tổng số lao động tại các làng nghề.
Với tâm huyết, tình yêu nghề, tinh thần cần cù, chịu khó và bàn tay tài hoa và đặc biệt là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nhiều chị em phụ nữ đang ngày đêm cùng cộng đồng nghệ nhân, thợ giỏi sáng tạo và "giữ lửa" nghề truyền thống. Cùng với sự hỗ trợ của Hội LHPN Hà Nội, nhiều chị em đã khởi nghiệp thành công tại các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
Với niềm đam mê cháy bỏng, nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã có ý tưởng độc đáo "huấn luyện" tằm thành "thợ dệt" và tiếp tục "bắt" những cuống sen nhả lụa...
Với sự sáng tạo của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã sáng tạo ra những chiếc chăn, tấm thảm tơ do tằm tự dệt - sản phẩm lần đầu tiên có trong lịch sử loài người. Những chiếc chăn, tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc một cách tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp. Tiếp đó, bà cũng là "cha đẻ" của những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Thứ sợi tơ chỉ có ở cuống sen, bộ phận thường bỏ đi trong cây sen.
Nếu như trước đây, nhắc đến chiếc nón đội đầu, người ta chỉ biết đến nón lá truyền thống, thì nay, nghệ nhân Tạ Thu Hương (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã sáng tạo và đưa ra thị trường nhiều mẫu nón độc đáo như nón lá lụa, nón lá sen, nón bộ..., nên khách hàng cũng có thêm nhiều sự lựa chọn phong phú hơn. Được biết, doanh thu năm 2022 của nghệ nhân Tạ Thu Hương đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ: "Tôi luôn trăn trở việc thay đổi kiểu dáng, chất liệu làm nón, để tạo nên những sản phẩm đặc sắc. Khách du lịch ưa thích sản phẩm đậm chất Việt Nam nhưng cũng thích sự mới lạ".
Còn nghệ nhân Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) thì miệt mài trên con đường đưa sản phẩm gốm truyền thống vào đời sống. Học thiết kế thời trang rồi về làm nghề, Như Quỳnh thiết nghĩ, tại sao lại không đưa các họa tiết cổ vào gốm? Nghĩ là làm! Chị đã nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo, đặc biệt là gốm phong thủy, tâm linh. Sản phẩm gốm Vạn An Lộc mang đậm văn hóa Việt mà lại hợp xu hướng nên được khách hàng trong nước và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh tâm niệm: "Mỗi tác phẩm gốm sứ tâm linh tựa như một tác phẩm nghệ thuật bởi những tạo hình tinh tế, kỹ thuật nung điêu luyện cùng những nét trang trí đậm hồn dân tộc Việt".
Song hành với niềm đam mê và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của chị em phụ nữ là sự hỗ trợ của các cấp Hội LHPN Hà Nội. Từ đây, nhiều chị em đã khởi nghiệp thành công tại các làng nghề.
Được biết, 3 năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về nghề truyền thống và sản phẩm OCOP gắn với thương mại, du lịch, dịch vụ. 1.870 lao động nữ làng nghề được bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề. 12 dự án, ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ khởi nghiệp từ làng nghề được Hội LHPN Hà Nội công nhận trong các cuộc thi ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô. 422 chủ thể tại làng nghề được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP và kết nối xúc tiến thương mại... Tín chấp ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ 153.084 phụ nữ được vay tổng số vốn 7.605 tỷ đồng để phát triển kinh tế, trong đó có 38.250 phụ nữ tại các làng nghề.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, các Hiệp hội làng nghề tại địa phương, gắn với thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nông thôn mới", trong đó tập trung: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của làng nghề; vận động truyền nghề; Khuyến khích sáng tạo, tạo ra các sản phẩm tinh tế, độc đáo, có giá trị kinh tế cao mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống; Hỗ trợ phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn