Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" (Vietnam Global Leaders Forum 2024 - VGLF 2024) do Tố chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 30 - 31/3/2024 tại Paris (Pháp).
Với chủ đề "Việt Nam - Vươn mình trong biến động", VGLF 2024 là nơi hội tụ tinh hoa, nguồn lực người Việt và gốc Việt xuất sắc từ khắp nơi để cùng nhau quyết tâm hành động vì một Việt Nam thịnh vượng, vững bước trong sự biến động của thế giới.
Khởi đầu tại Paris vào mùa xuân 2019, VGLF 2019 đã diễn ra thành công với chủ đề "Nâng tầm Thương hiệu quốc gia Việt Nam" với sự tham gia của hơn 200 khách mời danh dự, hơn 20 phái đoàn Việt Nam và quốc tế.
Tiếp nối thành công này, VGLF 2024 sẽ chào đón 100 người Việt và gốc Việt xuất sắc đến từ hơn 20 quốc gia, có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực. Họ là những người con đất Việt xuất sắc, là chủ nhân các giải thưởng quốc tế, các doanh nhân, các nhà đầu tư lớn. Đồng thời, họ cũng là chuyên gia, các nhà khoa học có nhiều công trình thành tựu, văn nghệ sĩ... Đặc biệt, diễn đàn có sự góp mặt của nhiều phụ nữ Việt, gốc Việt xuất sắc, có tầm ảnh hưởng lớn ở nhiều lĩnh vực.
Được biết "bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học" - GS. Lê Kim Ngọc đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới khoa học quốc tế.
Những nghiên cứu của bà, đặc biệt là khái niệm "lát mỏng tế bào" và công trình về quá trình nở hoa của thực vật, đã mở ra những cánh cửa mới cho ngành sinh học thực vật, tạo tiền đề cho những phát triển vượt bậc trong công nghệ sinh học.
GS. Lê Kim Ngọc không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc mà còn là một nhà hoạt động xã hội đầy tâm huyết, là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ tiếp theo trong việc cống hiến và phát triển.
Cùng với chồng là GS. Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc đã không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp giáo dục và bảo trợ trẻ em Việt Nam mồ côi và khuyết tật.
Cũng từ đó, Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp được thành lập và những dự án như Làng trẻ em SOS và các trung tâm bảo trợ trẻ em ở Việt Nam là minh chứng cho tình yêu thương mà họ dành cho xã hội.
Những nỗ lực này không chỉ mang lại hy vọng và hỗ trợ thiết thực cho hàng ngàn trẻ em mà còn là nguồn cảm hứng cho cộng đồng trong và ngoài nước.
Được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh và Huân chương Hữu nghị là sự công nhận cho những đóng góp to lớn của bà trong khoa học và những hoạt động vì cộng đồng.
Ngày 28/8/2022, cộng đồng chạy bộ và ba môn phối hợp Việt Nam đã vỡ òa hạnh phúc khi nữ vận động viên Thanh Vũ cán đích đầu tiên và vô địch cuộc thi 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới mang tên The Deca Ultra Triathlon diễn ra tại Thụy Sỹ.
Với thành tích xuất sắc, Thanh Vũ cũng là nữ vận động viên Châu Á đầu tiên vô địch giải thi này. Trước đó, cô từng gây tiếng vang khi chinh phục nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, đặc biệt phải kể đến thành tích người châu Á đầu tiên chạy bộ 1.000km qua 4 sa mạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới; hoàn thành các giải chạy siêu bền đa chặng trên cả 7 lục địa: châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Australia, châu Phi và châu Nam Cực.
Đến với các cuộc đua không phải để hành xác hay làm đau bản thân như nhiều người vẫn nghĩ, mà Thanh Vũ tham gia là để tìm hiểu xem mình làm được điều gì, vượt qua khó khăn, thử thách nào.
Từ đó, Thanh muốn truyền tải thông điệp "Không gì là không thể", để mỗi bạn trẻ có đủ can đảm để bước tới và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Từ câu chuyện của mình, Thanh Vũ cũng đã truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam dám ước mơ, dám thực hiện, bay cao, bay xa để trở thành niềm tự hào của gia đình, của đất nước.
Như vậy, sự góp mặt của những nhà hoạt động xã hội không chỉ là dịp để ghi nhận những thành tựu của họ mà còn là cơ hội để truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng, khích lệ mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam và cả thế giới.
GS. Lê Thị Hoài An là thành viên cao cấp của Viện Đại học Pháp (IUF), Giáo sư Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại Đại học Lorraine, Pháp. Bà được nhận giải thưởng Constantin Caratheodory năm 2021 của Hiệp hội Tối ưu hóa Toàn cầu Quốc tế.
Bà là người đồng sáng lập lập trình DC và DCA, những công cụ mạnh mẽ của lập trình không lồi và tối ưu hóa toàn cục được Giáo sư Phạm Đình Tạo giới thiệu vào năm 1985 và phát triển chuyên sâu trong các công trình chung của họ từ năm 1994. GS. Lê Thị Hoài An là tác giả/đồng tác giả của hơn 300 bài báo, tài liệu hội nghị quốc tế và chương sách, đồng biên tập 24 cuốn sách và/hoặc số đặc biệt của các tạp chí quốc tế, đồng thời là người giám sát 40 luận án tiến sĩ/Habilitation. Bà là Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Chủ tịch Ban Tổ chức, đồng thời là thành viên Ủy ban Khoa học của nhiều Hội nghị Quốc tế và là người đứng đầu một số dự án khu vực/quốc gia/quốc tế.
Được công nhận là một trong những chuyên gia hàng đầu về chuyển giao công nghệ trong Khoa học Máy tính và Trí tuệ nhân tạo nhằm thách thức các ứng dụng trong thế giới thực có tiềm năng lớn cho tương lai, GS. Lê Thị Hoài An là người đứng đầu một số dự án chung lớn trong khuôn khổ Công nghiệp 4.0 với các công ty lớn bao gồm RTE (Nhà điều hành hệ thống truyền tải của Pháp) và tập đoàn NAVAL (công ty dẫn đầu Châu Âu về phòng thủ hải quân và là công ty lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên biển).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn