Mẹ - Người truyền cảm hứng
Bà Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, California, Mỹ. Bà Harris tốt nghiệp các trường Đại học Howard, Đại học California và Cao đẳng Luật Hastings. Hành trình sự nghiệp của bà Kamala Harris được xem như một minh chứng rõ nét cho những "giấc mơ Mỹ" đẹp nhất. Cha của Kamala là ông Donald J.Harris, người Jamaica nhập cư vào Mỹ năm 1961 và là một giáo sư danh dự chuyên ngành kinh tế của Đại học Stanford. Kamala có mẹ là người Ấn Độ. Để nuôi dạy hai con nên người, bà Shyamala Gopalan Harris làm song song hai việc: vừa giảng dạy tại Đại học McGill vừa nghiên cứu bệnh ung thư vú tại một bệnh viện của người Do Thái.
Để có được thành công của ngày hôm nay, bà Harris luôn nhớ về những bài học mà mẹ đã dạy cho hai chị em bà về sự quyết tâm trở thành những người phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh. "Khi mẹ tôi đến đây từ Ấn Độ ở tuổi 19, có lẽ bà không hoàn toàn hình dung được khoảnh khắc này. Bà tin tưởng sâu sắc vào một nước Mỹ, nơi có thể có khoảnh khắc như thế này. Vì vậy, tôi nghĩ về bà và về các thế hệ phụ nữ da màu, phụ nữ châu Á, da trắng, Latinh, thổ dân châu Mỹ, những người trong suốt lịch sử của quốc gia chúng ta đã mở đường cho khoảnh khắc này", bà Kamala xúc động nói trong bài phát biểu chiến thắng.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Kamala là người hết lòng ủng hộ cho những người không có tiếng nói và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Bà cùng Tổng thống Joe Biden đề ra những chương trình nghị sự dành cho phụ nữ gồm: Đảm bảo công việc cho phụ nữ, chấm dứt bạo hành, bạo lực giới, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong y tế với nữ giới, bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, chương trình hành động của chính quyền mới còn bao gồm duy trì cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Họ cho biết sẽ sử dụng ngân sách liên bang để đầu tư cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, miễn học phí các trường cao đẳng và đại học công lập cho mọi gia đình có thu nhập dưới 125.000 đô-la và cấp tín dụng thuế lên tới 8.000 USD cho các gia đình có thu nhập thấp và trung lưu để giúp chi trả dịch vụ giữ trẻ.
Khi còn là Tổng chưởng lý California, Kamala đã truy tố các băng đảng xuyên quốc gia khai thác, lạm dụng phụ nữ và trẻ em, các băng nhóm tội phạm buôn bán súng và ma túy. Bà đã hỗ trợ tư vấn luật pháp để đảm bảo rằng các phòng khám cung cấp cho phụ nữ thông tin chính xác về mặt y tế về toàn bộ các dịch vụ sinh sản. Kamala cũng đã làm việc tích cực để bảo vệ trẻ em và học sinh. Bà thành lập Văn phòng Trẻ em California Justice và chiến đấu để giảm thiểu tình trạng trốn học ở trường tiểu học, nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có thể thực hiện quyền học tập của mình. Bà Kamala cũng có vai trò nổi bật trong phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) ở Washington. Bà là một trong những Thượng nghị sĩ đầu tiên kêu gọi Thượng nghị sĩ Al Franken từ chức năm 2018 với cáo buộc về các hành vi không phù hợp.
Hậu phương vững chắc
Trong khi bà Kamala có một sự nghiệp công danh lừng lẫy thì ông Emhoff, chồng bà, cũng có những thành công của riêng mình. Sở trường của ông là luật trong ngành báo chí, trong thế giới thể thao và các sinh hoạt văn hóa. Trên website của công ty, ông Emhoff được giới thiệu từng đại diện cho các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế cùng một số cá nhân và người có ảnh hưởng nổi tiếng hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh phức hợp, bất động sản và sở hữu trí tuệ. Ông được đánh giá là một luật sư quyền lực trong ngành giải trí với mức lương hàng năm lên tới 1 triệu USD.
Từ khi bà Kamala Harris tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Emhoff đã lùi về hậu trường để hậu thuẫn vợ. Ông tạm thời nghỉ việc tại văn phòng luật sư để tránh mọi trường hợp xảy ra xung đột lợi ích có thể gây trở ngại cho bà Kamala Harris trên con đường đến thủ đô Washington. Trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, ông thể hiện vai trò như một người đồng hành tin cậy, hết lòng ủng hộ người bạn đời của mình. Ông thường được nhìn thấy ở phía sau hậu trường hoặc ở rìa đám đông tại các sự kiện có sự tham gia của bà Kamala cùng chiếc áo phông có tên bà. Cùng lúc, ông lại hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ của nhiều người hâm mộ.
Chính sự hy sinh vì sự nghiệp chính trị của vợ đã giúp Doug Emhoff giành được nhiều cảm tình của dư luận, nhất là các tổ chức đấu tranh vì bình đẳng nữ quyền. Trả lời báo chí về bản thân, ông Doug Emhoff luôn khiêm tốn nói rằng ông là chồng của bà Kamala, chứ không phải là cố vấn chính trị của bà ấy. Không chỉ ông Emhoff hết mực yêu vợ mà bà Kamala còn được 2 người con riêng của ông rất quý mến.
Chia sẻ về những ý định cho nhiệm kỳ 4 năm Phó Tổng thống của bà Kamala Harris, ông Emhofff cho biết ông sẽ không quay lại văn phòng luật sư để hành nghề mà chỉ nhận giảng dạy với thời gian hạn chế tại đại học Georgetown ở Washington. Có thông tin cho biết ông Emhoff sẽ tích cực trong các hoạt động đấu tranh vì quyền được hỗ trợ tư pháp của người nghèo và quyền được cung cấp thực phẩm cần thiết của mọi người.
Như PNVN đã đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 24 đến 26/8. Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề an ninh, kinh tế và các nỗ lực phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bà Harris dự kiến sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng y tế của các nước thành viên ASEAN và dự buổi lễ thành lập văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
Theo cựu Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Susan Sutton, chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam rất quan trọng và điều cốt yếu là Mỹ tiếp tục nhìn nhận Việt Nam là một thành tố quan trọng trong quá trình Mỹ phát triển quan hệ với khu vực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn