Từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An), chúng tôi vượt 40km con đường dốc cheo leo để lên "cồng trời" Mường Lống. Đang là mùa đông, ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, các bản làng hiện lên mờ ảo trong lớp sương bồng bềnh.
Mường Lống từng biết đến là vùng đất xa xôi với những nếp nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh bên sườn núi, oằn mình đi qua cái đói lay lắt mùa giáp hạt. Nơi đây cũng từng là thủ phủ của cây thuốc phiện, loại cây đã khiến con người Mường Lống kiệt quệ trong nghèo khó.
Thế nhưng, hôm nay đã là một Mường Lống rất khác. Hình ảnh những đứa trẻ chân đất, ăn mặc phong phanh co ro trong đói rét giờ đã là quá khứ. Được Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An quan tâm, bà con nơi đây đã chủ động phát triển sản xuất, tạo nên một bức tranh mới đầy sức sống nơi miền Tây xứ Nghệ.
Một trong những cá nhân tiêu biểu, người được xem là tiên phong "đánh thức" tiềm năng ở Mường Lống là chị Lầu Y Dếnh. Cũng như bao người Mông nơi đây, chị Dếnh sinh ra và lớn lên ở núi rừng, trước đây cũng chỉ biết lên nương trồng lúa, lúc nông nhàn vào rừng mót quả, lâm sản.
Mấy năm gần đây, đường sá đi lại thuận lợi, du khách tìm đến Mường Lống săn mây và thưởng ngoạn vẻ đẹp nơi đây ngày càng nhiều. Rất nhiều du khách đến đây rất muốn lưu lại để cảm nhận hết nét đặc trưng của khí hậu và con người nơi đây nhưng ăn, ở chỗ nào luôn là "bài toán" nan giải.
Nhận thấy đây là tiềm năng còn bỏ ngỏ, chị Lầu Y Dếnh đã tìm hiểu và quyết định biến nhà mình thành Homestay để đón khách. Với kiến trúc đặc trưng của đồng bào Mông, Homestay nhà chị Dếnh giữ được vẻ nguyên sơ, mộc mạc bao đời của đồng bào địa phương và các món ăn cũng đậm đà bản sắc nên nhanh chóng hút khách.
"Từ người dân chuyển sang làm du lịch cũng nhiều bỡ ngỡ lắm nhưng may mắn tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi tập huấn, tham quan các mô hình, vừa học hỏi, vừa làm nên rồi cũng quen. Mới đây, được Nhà nước vừa hỗ trợ vốn, tôi mở thêm một cơ sở nữa", chị Dếnh chia sẻ.
Homestay Y Dếnh hiện nay có thể đón cùng lúc 50-60 khách du lịch đến nghỉ dưỡng, ăn uống, tham quan và trải nghiệm các cảnh đẹp và các phong tục, hoạt động văn hóa của đồng bào ở Mường Lống.
"Xây dựng cơ sở homestay, gia đình được hỗ trợ 100 triệu đồng từ đề án phát triển du lịch của tỉnh, vợ chồng tôi đầu tư xây dựng ngôi nhà gỗ chắc chắn trị giá khoảng 2 tỷ đồng để phục vụ du khách có nơi nghỉ ngơi sạch, đẹp", ông Vừ Bá Và, chồng chị Y Dếnh cho biết.
Hiện nay, tại xã Mường Lống ngoài homestay Y Dếnh còn có homestay của Vừ Tổng Pó, Lầu Bá Tu… Những người Mông nơi đã mở ra hướng làm kinh tế mới phù hợp, cũng nhờ đó các sản phẩm chăn nuôi như lợn đen, gà đen, cá sông, rau xanh các loại được tiêu thụ tại chỗ.
Ông Vừ Bá Xử - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Dân số xã Mường Lống hiện có 1.033 hộ với 5.416 nhân khẩu. Mặc dù hộ nghèo vẫn cao (54%) nhưng địa phương cũng đã có những bước chuyển biến rất tích cực.
Người dân hiện nay đã sinh sống ổn định, các điểm nóng về ma túy đã không còn, nhận thức của người dân đã thay đổi. Trong những năm qua, mô hình trồng cỏ voi, cỏ Nhật bản nuôi trâu, bò vỗ béo; mô hình chăn nuôi gà đen, lợn đen địa phương đã mang lại thành công rất lớn.
"Trong năm 2003, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư các mô hình kinh tế như trồng dược liệu có giá trị kinh tế cao, phát triến du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao giá trị hàng hóa các cây như: mận, đào, khoai sọ và các mô hình nuôi bò vỗ béo, gà đen, lợn đen. Với điều kiện khí hậu tuyệt vời nơi nay, du lịch sẽ là hướng phát triển mũi nhọn của địa phương", ông Xử chia sẻ.
Khí hậu ở Mường Lống được đánh giá không thua Đà Lạt hay Sa Pa. Đây là vùng cũng chịu ảnh hưởng và càn quét bởi gió Lào nhưng ở độ cao gần 1.500 m, lại được nhiều dãy núi cao xung quanh che chắn nên Mường Lống có khí hậu vào mùa hè rất mát mẻ, chỉ ở mức 25 độ C.
Bà Cụt Thị Hương – Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện Kỳ Sơn đã thực hiện Đề án phát triển du lịch và đang quy hoạch phát triển các điểm du lịch tại bản Yên Hòa, Mỹ Lý, Bản Mường Lống 1- xã Mường Lống, điểm du lịch Puxailaileng - xã Na Ngoi.
Trong những năm qua, khách du lịch đến với Kỳ Sơn không ngừng tăng. Giai đoạn 2020-2022 là khoản 5.700 lượt khách, riêng năm 2023 ước có 3.250 lượt khách; doanh thu ước tính từ 2020-2023 là 4,5 tỉ đồng.
"Qua những năm triển khai thực hiện, từ ngành du lịch sơ khai trên địa bàn huyện đã dần dần hình thành các sản phẩm du lịch, lượng khách tham quan ngày một tăng lên cho thấy phát triển ngành du lịch có sự chuyển biến rõ nét.
Ngành du lịch đang phát triển qua từng năm, công tác xã hội hóa phát triển ngành du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ sở vật chất du lịch đang được chú trọng từng bước được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của huyện, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được tăng cường", bà Hương đánh giá.
Tuy nhiên, vị Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như, một số hộ gia đình đã hình thành Homestay nhưng còn thiếu tính bền vững, thiếu sự gắn kết sản xuất, các dịch vụ ăn, nghỉ phục vụ du khách còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp đặc biệt là những vấn đề về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… do chưa được đào tạo, tập huấn.
"Chúng tôi xem du lịch là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường liên kết du lịch với các địa phương lân cận, trước mắt là hình thành, phát huy hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh; kết nối các điểm du lịch của tỉnh Nghệ An với các điểm du lịch của nước bạn Lào.
Ngoài ra, sẽ huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối các địa điểm hoạt động du lịch, hỗ trợ người dân được đào tạo, khảo sát học tập kinh nghiệm qua các đợt thực tế ở một số mô hình chuẩn… Hy vọng, trong thời gian tới Kỳ Sơn sẽ có những bước tiến mới trong phát triển du lịch".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn