Với Nguyễn Phương Anh (sinh viên trường ĐH Công đoàn), bạn bè đều có chung nhận xét cô là người cởi mở, nhiệt tình với bạn bè, nhiệt tình với các hoạt động trường lớp, hoạt động xã hội. Thế nhưng, ít người biết rằng, cô lại ngại chia sẻ và không có nhiều kết nối với những người thân.
"Thấy tôi luôn vui vẻ, năng nổ, ai cũng nói tôi là người hướng ngoại nhưng tôi luôn cảm thấy cô đơn. Có những khó khăn trong cuộc sống, tôi phải một mình xoay sở, chịu đựng. Tôi không có ai để chia sẻ, để nhờ giúp đỡ. Đôi khi, tôi bị stress vì phải chịu đựng mọi chuyện một mình Thậm chí, với bố mẹ, người thân nhất của tôi, tôi cũng cảm thấy khó kết nối", Phương Anh trải lòng.
Giống như Phương Anh, Phạm Duy Long (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) luôn hiểu bản thân rất cô đơn, dù cậu có khá đông bạn bè trong lớp. Mỗi khi trở về nhà, Duy Long chỉ có chiếc điện thoại làm bạn.
"Mỗi khi có việc gì, kể cả việc vui hay buồn, tôi lục trong danh sách bạn bè của mình mà không tìm được ai tri kỷ, thân thiết để chia sẻ. Tôi hòa đồng với các bạn trong lớp nhưng mối quan hệ của tôi với bạn bè chỉ dừng ở mức độ xã giao. Chỉ có điện thoại là "lá chắn" hoàn hảo, giúp tôi thoát khỏi cảm giác cô đơn trước đám đông", Duy Long cho biết.
Cũng thuộc tuýp người cô độc và hướng ngoại, Vũ Linh Phương (17 tuổi, ở Nam Định) rất đồng cảm và quan tâm đến người khác nhưng cô gặp khó khăn khi phải tự chăm sóc bản thân.
Bạn bè có chuyện gì, cô cũng nhiệt tình hỗ trợ nhưng khi có mâu thuẫn với bạn bè, bất đồng với bố mẹ, cô lại chịu đựng một mình. Cô thường không tìm được lời giải và mắc kẹt trong câu chuyện của mình. Nhiều thời điểm, cô chỉ biết khóc thầm, một mình chịu những ấm ức.
Trước bạn bè, cô che giấu nỗi buồn của mình, ngoài mặt thể hiện tươi vui. Thực chất là vì cô không muốn người khác thấy góc yếu đuối của bản thân và không muốn làm phiền ai.
Những người như Phương Anh, Duy Long hay Linh Phương có thể hòa nhập dễ dàng với đám đông. Họ hay an ủi người khác nhưng lại dửng dưng với bản thân. Đôi khi, họ cũng có xu hướng ngại giao tiếp với người lạ.
Những người cô độc hướng ngoại đang có xu hướng tăng lên trong xã hội ngày nay. Lý giải về vấn đề này, PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết, những người trẻ mang trạng thái cô độc hướng ngoại đã chịu nhiều áp lực phải trở thành người năng nổ, hướng ngoại để được ghi nhận.
Tuy nhiên, nhiều bạn đã kiệt sức và bị tổn thương sức khỏe tâm thần nhưng không thể hiện ra ngoài, từ đó dẫn đến trạng thái cô độc hướng ngoại.
Theo các chuyên gia tâm lý, những người này thường xây nên rào cản quanh tâm trí của mình, không muốn người khác biết cảm xúc thật sự của họ và cũng không cho phép bản thân khiến người khác phiền lòng.
Về lâu dài, những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sức khỏe tinh thần cũng như các mối quan hệ cá nhân của những người mắc hội chứng này. Nếu duy trì trạng thái khép mình quá lâu, họ sẽ càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa mọi người.
Việc kìm nén cảm xúc lâu ngày có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý như stress, nghiêm trọng hơn, có thể mắc chứng trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn