Chồng chết do tai nạn lao động, những người vợ góa oằn vai nuôi con thơ

14:00 | 19/07/2021;
Tai nạn lao động (TNLĐ) trở thành nỗi đau dai dẳng lên nhiều gia đình. Hệ lụy của nó không chỉ là nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha mà còn là gánh nặng mưu sinh dồn lên vai phụ nữ khi chẳng may trụ cột gia đình mất đi hoặc thương tật nặng.
Cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau

Đã hơn 5 năm trôi qua nhưng đến nay chị Nguyễn Thị Thanh, xã Hoàng Sơn (Nông Cống) có chồng thiệt mạng trong vụ ngạt khí lò vôi vẫn còn nhiều ám ảnh. Ngày chồng chị bị TNLĐ thị chị Thanh vừa đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài được 4 tháng. Khi nghe tin chồng mất do TNLĐ, chị đau đớn nhưng không thể về kịp vì không thể mua được vé. Mãi tận 3 ngày sau, chị mới về được đến nhà. "Về đến nhà, nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương mà lòng tôi đau quặn. 2 đứa con nheo nhóc càng làm lòng thắt lại. Ở nhà một thời gian, tôi như thắt lại nhưng phải nén nỗi đau mất chồng, phải xa 2 con nhỏ gửi ông bà chăm sóc, quay sang nước bạn tiếp tục làm việc. Nhưng do quá sốc, tâm lý không ổn định, không làm việc được nên công ty cho tôi nghỉ việc về nước", chị Thanh nói trong nước mắt.

Trở về quê, chị Thanh gánh nợ nần chồng chất do ngày đi xuất khẩu vay mượn nhưng phải về nước sớm nên chưa trả hết được. Thiếu chỗ dựa, lại gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ với nỗi lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống càng đè nặng lên đôi vai gầy khiến chị Thanh suy sụp tinh thần. Mặc dù vậy, nhiều năm nay chị vẫn luôn cố gắng đi làm, thậm chí mệt cũng không dám nghỉ, thế nhưng cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con vẫn rất khó khăn.

Gia đình chị Lê Thị Ngân ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chị Ngân là vợ anh Lê Quang Q. (SN 1982) làm thợ cống bị tử nạn sáng ngày 28/3/2014. Hơn 7 năm trôi qua, thế nhưng nỗi đau mất đi trụ cột của gia đình vẫn đè nặng lên mẹ con chị Ngân. Gạt nước mắt, chị Ngân cho biết: Anh Quýnh "ra đi" để lại cho mẹ con chị Ngân nỗi đau đớn về tinh thần và khó khăn chồng chất trong cuộc sống hằng ngày. Bốn đứa con từ ngày ấy đến nay đều phải nương nhờ ông bà ngoại ở bên xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa).

Những người vợ góa oằn vai nuôi con thơ - Ảnh 1.

Cận cảnh lò vôi ở thôn 1, xã Hoàng Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) làm 8 người tử vong vào năm 2016 Ảnh: Tuấn Minh

TNLĐ luôn rình rập và chẳng ai có thể đoán được nó sẽ đến với mình vào lúc nào. Chỉ cần sơ sẩy trong tích tắc là phải đánh đổi cả tính mạng và để lại nỗi đau cho người thân. Người lâm vào cảnh cha mất con, vợ mất chồng, con thơ không còn chỗ dựa...

Con số buồn...

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra hàng chục vụ TNLĐ, trong đó có những vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết. Điển hình như vụ TNLĐ do ngạt khí lò vôi xảy ra vào ngày 1/1/2016 tại một cơ sở sản xuất vôi thủ công ở thôn 1, xã Hoàng Giang (Nông Cống) làm 8 người chết, 1 người bị thương. Các nạn nhân đều thuộc 5 gia đình tại xã Hoàng Giang và Hoàng Sơn. Đau đớn nhất có lẽ là gia đình ông chủ lò vôi Lê Văn Thong, có 3 bố con đã tử vong, duy nhất vợ ông Thong là bà Lê Thị Nguyên sống sót.

Chưa hết bàng hoàng sau 8 người thiệt mạng trong lò vôi thì đến ngày 9/1, tức là chỉ sau đó hơn một tuần, trên công trường thi công cầu suối Quanh (thuộc bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện vùng cao Quan Hóa - Thanh Hóa), khi nhóm công nhân đang thử tải đà giáo ở độ cao so với mặt đất 16m, bỗng dưng đà giáo sập đè 4 người trong đống đổ nát. Tất cả đều tử vong.

Gần đây nhất là vụ TNLĐ xảy ra vào chiều ngày 1/6/2021 khi hai nạn nhân được xác định bị tai nạn lao động khi đang làm việc tại Công ty CP xi măng Bỉm Sơn tiên lượng rất nặng nên sau khi sơ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn (Thanh Hoá) đã chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục điều trị.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 6/2021, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 116 vụ TNLĐ làm 91 người chết và 57 người bị thương nặng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, xảy ra 12 vụ làm 12 người chết. Đây chỉ là con số thông kê được qua báo cáo từ phía doanh nghiệp. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn nhiều, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc doanh nghiệp đã thỏa thuận đền bù với gia đình nạn nhân để bưng bít, che đậy những sai sót trong công tác an toàn vệ sinh lao động, không báo cáo với cơ quan chức năng nên nhiều vụ TNLĐ không được công bố.

Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết, để ngăn ngừa tình trạng TNLĐ cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó cần tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để người lao động, doanh nghiệp nắm bắt và tự phòng, chống. Các cấp, các ngành chức năng cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong công tác này. Ngoài ra, phải có cơ chế răn đe, xử phạt nghiêm các trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Có như vậy mới bảo đảm được môi trường lao động an toàn, hiệu quả và vấn đề TNLĐ không còn là nỗi lo của người lao động, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn